Để nông dân thành phố tham gia EVFTA

Phạm Hữu Nhượng*| 05/03/2020 07:30

Xuất khẩu vào EU đặc biệt có lợi thế ở nhóm hàng thủy sản, trái cây, rau củ. Tiềm năng lớn, cơ hội nhiều nhưng trên thực tế nông dân vẫn loay hoay, vật lộn trong chiếc vòng kim cô "được mùa mất giá, được giá mất mùa".

Để nông dân thành phố tham gia EVFTA

FTA Việt Nam - EU là cơ hội lớn cho đầu ra của của nhiều sản phẩm NN của Việt Nam.

TP.HCM (TP) đã có những bước tiến đáng kể trong mục tiêu phát triển nông nghiệp (NN) đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo định hướng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Có đầy đủ cơ sơ phát triển thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng; tạo giá trị gia tăng cao đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Đây là nền tảng quan trọng giúp người nông dân (ND) TP có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu khi thời điểm Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực thi hành. Xuất khẩu (XK) vào EU đặc biệt có lợi thế ở nhóm hàng thủy sản, trái cây, rau củ (cả tươi lẫn chế biến). Tiềm năng lớn, cơ hội nhiều nhưng trên thực tế ND, thậm chí cả các chủ trang trại vẫn loay hoay, vật lộn trong chiếc vòng kim cô "được mùa mất giá, được giá mất mùa". 

Là trung tâm nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật giống vật nuôi, cây trồng lớn nhất cả nước nhưng dân TP lại phải mua giống vật nuôi cây trồng từ các địa phương khác để nuôi trồng, canh tác? Nghịch lý này khó mà chấp nhận. 

Khắc phục tình trạng này, TP cần có chính sách thiết thực, cụ thể hơn để phát triển mô hình NN công nghệ cao (NNCNC) trên diện rộng. Có chính sách tuyên truyền và cơ chế ưu đãi đặc biệt để ND tin tưởng, tự nguyện tham gia vào chuỗi cung ứng có khả năng đem lại giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên, chỉ tuyên truyền, chuyển giao công nghệ thôi chưa đủ. Chúng ta phải chứng minh trên đồng ruộng, trên diện tích canh tác, nuôi trồng; chứng minh bằng giá trị, hiệu quả và lợi nhuận mang lại cho bản thân người trong cuộc.

Trung tâm công nghệ sinh học TP là nơi chuyển giao tuyệt vời nhất những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị cao (giống cây, giống con, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực…) đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người tiêu dùng.

TP cần thường xuyên tổ chức các chương trình tham quan, tập huấn kỹ thuật cho ND ngay tại cơ sở này để họ ứng dụng, phát triển sản xuất các sản phẩm NN nghiệp chủ lực theo tiêu chí của TP, tránh tình trạng đầu tư lan man, manh mún. 

ND có quỹ đất nhưng vốn đầu tư là vấn đề cực kỳ nan giải. Hiện nay các chính sách ưu đãi về vốn của nhà nước và những cơ chế khuyến khích của TP mới chỉ chú trọng cho DN và những cơ sở sản xuất, nuôi trồng lớn; bản thân người ND rất khó khăn khi tiếp cận do không đáp ứng được các điều kiện cho vay. Mức đầu tư tối thiểu 1 tỷ/ha diện tích canh tác cho mô hình NNCNC là con số quá lớn đối với ND.

Tiến sĩ Phạm Hữu Nhượng

Tiến sĩ Phạm Hữu Nhượng đặt vấn đề: "Tại sao chúng ta không mạnh dạn đầu tư ngân sách cho phương thức chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho ND?"

Tại sao chúng ta không mạnh dạn đầu tư ngân sách cho phương thức chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho ND? Mô hình này đang rất hiệu quả nhưng chỉ dừng lại ở quan hệ thương mại thuần túy, tự phát. Một bộ phận DN hoặc các cơ sở kinh doanh khi áp dụng phương thức này cũng gặp khó khăn do thị trường bấp bênh.

Cần có chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất giữa DN, hợp tác xã và ND để từng bước vượt qua được hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và các điều kiện bảo hộ sở hữu trí tuệ. Các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm NN không chỉ là VietGAP mà phải nâng lên GlobalGAP mới có thể chinh phục thị trường có GDP lên đến 18.000 tỷ USD. 

Kết nối ND với các cơ sở chế biến nông sản để tăng cường năng lực chế biến sản phẩm NN phù hợp với thị trường EU (đặc biệt các sản phẩm đồ hộp, có thể bảo quản dài ngày). Cầu nối ND với các nhà nhập khẩu, các kênh phân phối lớn để duy trì tốc độ tăng trường, kim ngạch xuất khẩu đảm bảo đầu tư bền vững. Hạn chế bán hàng qua trung gian tránh cho ND bị thương lái ép giá, trục lợi.

ND cần có cơ hôi cọ sát, thích ứng với thị trường, từ đó định hướng sản xuất những sản phẩm có giá trị ca thay vì số lượng nhiều, giá trị thấp. Khuyến khích chuyển dịch cơ cấu theo hướng NN đô thị hiện đại. Tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, phù hợp điều kiện TP. Kiểm tra chặt chẽ tình dịch bệnh trong NN bảo đảm nguồn nông sản, thực phẩm phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Tạo các kênh xúc tiến thương mại riêng cho NN cả trong và ngoài nước; hỗ trợ để sản phẩm của ND vào hệ thống phân phối của các siêu thị, DN, trường học... Có chính sách hỗ trợ quảng bá, giới thiệu và bán hàng cho ND. 

Để mô hình NNCNC của TP đạt được mục đích ứng dụng kết quả nghiên cứu trong tất cả các khâu sản xuất, phát triển thị trường và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng… trên diện rộng, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế; Cần có cơ chế hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa nhằm tạo vị thế và sự cân bằng trong chuyển dịch cơ cấu. ND cũng được hưởng lợi nhờ học hỏi, ứng dụng công nghệ của các nước tiên tiến, đổi mới thiết bị trong quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản sản phẩm đảm bảo chất lượng… 

Khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo trong NN là con đường tiếp cận hội nhập nhanh chóng, hiệu quả nhất. TP.HCM có lợi thế là trung tâm đào tạo của các trường đại học, cao đẳng lớn trong lĩnh vực NN; Mỗi năm có thể tiếp nhận hàng ngàn kỹ sư, cán bộ kỹ thuật trẻ ra trường.

Đây là lực lượng lao động trẻ trong NN có kiến thức, có tư duy mạnh mẽ trong đổi mới, sáng tạo. Níu chân lực lượng này bằng cơ chế tạo cho họ một chỗ đứng thông qua hỗ trợ các startup khởi nghiệp ở mọi phương diện chứ không riêng vấn đề vốn; bởi lẽ khởi nghiệp trong NN phải đối phó với nhiều mạo hiểm và rủi ro.

TP cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn, công nghệ, nguồn lực cho các Startup không chỉ giai đoạn khởi nghiệp mà trong cả quá trình phát triển sản xuất và đầu ra cho sản phẩm. Thích ứng nhanh với cách mạng công nghệ 4.0, lực lượng "ND hiện đại” này chắc chắn sẽ đạt tỷ lệ thành công cao; Quy trình sản xuất sẽ tiết kiệm hơn, thông minh hơn, sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng hơn, môi trường sản xuất cũng an toàn hơn. 

Khát vọng làm giàu bao giờ cũng chính đáng và càng đáng trân trọng hơn đối với người ND. FTA Việt Nam - EU là cơ hội lớn cho đầu ra của của nhiều sản phẩm NN của Việt Nam. Cánh cửa XK nông sản phi thuế quan vào thị trường lớn đang rộng mở. 

Cần tăng cường năng lực XK phải giúp ND kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm; tạo cơ chế hỗ trợ để họ thay đổi phương thức nuôi trồng chế biến, hướng tới các sản phẩm hữu cơ và sản phẩm sạch. Bên cạnh đó, TP phải đầu tư xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm NN đặc thù có thế mạnh, có chỉ dẫn địa lý… để ND tham gia hội nhập, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách tự tin và sòng phẳng.

(*) Tác giả là Nguyên Phó trưởng ban quản lý Khu NN công nghệ cao, nguyên PGĐ trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM; Chủ tịch HĐTV công ty Nông sinh Khang Nguyên - Chuyên gia phát triển NN công nghệ cao, công nghệ sinh học.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để nông dân thành phố tham gia EVFTA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO