Đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc

NGUYÊN BẢO| 23/08/2017 06:40

Không chỉ giao thương, những năm gần đây, vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng có sự tăng trưởng đáng kể.

Đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc

Cuối tuần qua, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cùng Hiệp hội Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư năm 2017, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) hai bên tìm hiểu lẫn nhau, trên cơ sở đó tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa DN hai địa phương nói riêng và Việt Nam - Trung Quốc nói chung. Hơn 300 DN đã tham dự Hội nghị. 

Đọc E-paper

Duy trì đối tác thương mại quan trọng

Đại diện cho cộng đồng DN TP.HCM, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch HUBA cho biết, thời gian qua, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc duy trì xu hướng phát triển ngày càng tích cực, có nhiều văn kiện, hiệp định hợp tác được ký kết, đặt cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai bên trên bình diện kinh tế.

Trung Quốc là bạn hàng lớn của Việt Nam nói chung và các DN TP.HCM nói riêng. Theo Tổng cục Hải quan, thị trường xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á với kim ngạch xuất khẩu đạt 85,3 tỷ USD, chiếm 48,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu 22 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam, tăng 28,4% so với cùng kỳ, chiếm 12,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước, là thị trường lớn thứ ba của Việt Nam (sau Mỹ và EU).

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng chủ yếu nhập khẩu hàng hóa từ khu vực châu Á với kim ngạch 140,76 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 80,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Đáng chú ý, thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc với kim ngạch gần 49,9 tỷ USD, tăng 0,9%, và chiếm tỷ trọng 28,7% tổng nhập khẩu của cả nước.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2017, 10 thị trường giao thương lớn nhất của Việt Nam đạt kim ngạch 176,09 tỷ USD, chiếm 88,8% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó lớn nhất vẫn là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 39,86 tỷ USD, chiếm 20,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Trên nền tảng quan hệ giao thương này, Hội nghị xúc tiến thương mại - đầu tư giữa TP.HCM (trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất của Việt Nam, chiếm 1/4 GDP cả nước, đóng góp 1/3 ngân sách quốc gia, với lượng hàng hóa lưu chuyển chiếm gần 25% lượng hàng hóa của cả nước) và Quảng Đông (trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc, nơi sản xuất, cung cấp lượng hàng hóa lớn cho thị trường toàn cầu, chiếm 1/4 kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc) mở ra nhiều cơ hội để tiếp tục duy trì cũng như mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa DN hai bên.

>>Giao thương với Trung Quốc: Tiên trách kỷ

Ông Trần Đức Hải - Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM bày tỏ, những năm gần đây, giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu, Việt Nam là đối tác thương mại lớn trong khu vực ASEAN của Trung Quốc và ngược lại, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Quảng Đông là tỉnh có khối lượng kinh tế lớn của Trung Quốc, giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh này chiếm tỷ trọng lớn. Nhiều năm nay, Quảng Đông đóng góp vào hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Tỉnh này có thế mạnh ở nhiều lĩnh vực như sản xuất máy móc, vật liệu xây dựng, DN tại đây có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, thích hợp với đầu tư vào Việt Nam. Riêng TP.HCM, địa phương giữ vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam, những năm gần đây cũng đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Quảng Đông và vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Ông Trần Đức Hải đánh giá, hội nghị lần này là cơ hội tăng cường sự hợp tác, thúc đẩy hợp tác đi vào chiều sâu, hợp tác cùng thắng lợi.

Đại diện HUBA, ông Chu Tiến Dũng nhấn mạnh, DN Việt Nam, đặc biệt là DN TP.HCM - chiếm khoảng 40% số lượng DN cả nước, mong muốn thông qua hội nghị này có thể kết nối giao thương giữa TP.HCM nói riêng, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung với các DN tỉnh Quảng Đông ở một số lĩnh vực như: điện, điện tử, linh kiện, nông sản, dệt may, da giày, máy móc thiết bị, các dụng cụ sản xuất, thiết bị nội thất, trang trí nội thất, đồ gỗ, logistics... Đây là những lĩnh vực DN TP.HCM lẫn cả nước có thế mạnh và DN cả hai bên quan tâm.

Tại Hội nghị, một số DN của tỉnh Quảng Đông và DN TP.HCM cũng đã bày tỏ mong muốn tìm cơ hội cung ứng hàng hóa, mở rộng đầu tư trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, thiết bị chiếu sáng, nội thất...

Theo chia sẻ của ông Ôn Trí Diêu - Tổng thư ký Hiệp hội Xúc tiến mậu dịch tỉnh Quảng Đông, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh này đạt 460 tỷ USD, tăng 14,1%, chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Trong đó, kim ngạch thương mại với Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD. Tính đến nay, tỉnh Quảng Đông đã 7 lần tổ chức triển lãm hàng hóa tại TP.HCM và hoạt động này sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới do nhu cầu của DN tăng.

Tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng đầu tư

Không chỉ giao thương, những năm gần đây, vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng có sự tăng trưởng đáng kể. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đứng thứ tư trong tổng số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam, với 189 dự án cấp mới lẫn tăng vốn (tổng vốn đăng ký 1,6 tỷ USD). Ngoài ra, lũy kế đến tháng 7/2017, Trung Quốc nằm trong Top 10 nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, với 1.702 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký đạt trên 11,86 tỷ USD.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Từ Phong Bội - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hong Yeung Việt Nam chia sẻ, bên cạnh Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định), Công ty ông cũng đang đón chờ cơ hội mới mở rộng đầu tư ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và nếu được chấp thuận thì đây sẽ là dự án có quy mô lớn.

Liên quan đến hoạt động đầu tư của Trung Quốc, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, riêng với Thành phố, tính đến tháng 7, các nhà đầu tư Trung Quốc có 183 dự án được cấp phép, với tổng vốn là 190 triệu USD (đứng thứ 18/90 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Thành phố). Trong đó, các nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu tham gia vào các lĩnh vực như bất động sản (dẫn đầu và chiếm tỷ trọng trên 33% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào TP.HCM), xây dựng...

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, hiện Thành phố đang tiến hành nhiều cải cách quan trọng về thủ tục kinh doanh, đầu tư, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại - đầu tư để hỗ trợ DN tiếp cận các cơ hội kinh doanh dễ dàng, nhanh chóng. Ngoài ra, trên cơ sở là trung tâm kinh tế - tài chính lớn của cả nước cũng như trong khu vực, với nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng hoàn thiện từ giao thông, nguồn nhân lực..., TP.HCM là địa điểm đầu tư lý tưởng đối với các nhà đầu tư đến từ Quảng Đông nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung.

>>Làm ăn với Trung Quốc: Khó chồng lên khó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO