![]() |
Đó là thông điệp mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lặp lại nhiều lần tại buổi làm việc giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM với doanh nghiệp (DN) vào ngày 4/3 tại TP.HCM. Theo Chủ tịch nước, những kiến nghị từ đại diện các hiệp hội, hội ngành nghề và DN sẽ được tập hợp và thảo luận tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIII khai mạc vào ngày 21/3.
Tại buổi làm việc nói trên, 11 ý kiến được đúc kết từ đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội Dệt May Thêu Đan, Hội Da Giày, Hiệp hội Bất động sản, Hội Cơ khí TP.HCM, Hội Doanh nghiệp quận 8 và các DN đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM về những kiến nghị liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính (thuế, hải quan...) và một số điều khoản các bộ luật, nghị định ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của DN đã được trình bày trước Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Lắng nghe những kiến nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM ghi nhận vai trò của các hiệp hội, hội trong bối cảnh hiện nay là vô cùng quan trọng.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Trên thế giới, vai trò của các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp được đánh giá rất cao, hoạt động rất mạnh, nhưng tại Việt Nam, chúng ta lại đang đi theo hướng rất chung chung. Điều ấy là không thể chấp nhận, cần phải chấn chỉnh làm sao để hiệp hội phải là tổ chức nắm sát sườn "hơi thở" của DN. Trước những khó khăn của DN, các hiệp hội phải có ý kiến và đi đến cùng của vấn đề. Bởi vì, những đòi hỏi chính đáng của DN là góp phần quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước".
Theo Chủ tịch nước, quốc gia phát triển được là nhờ DN, vì vậy, một khi sản xuất - kinh doanh trì trệ, nợ xấu tồn đọng,... thì nền kinh tế của đất nước sẽ tuột dốc theo.
"Qua những ý kiến kiến nghị, tôi cho rằng, hiệp hội là "hơi thở" của DN, có gì DN đang vướng thì phải lên tiếng bảo vệ, giúp đỡ, đồng thời các hiệp hội nên tham gia, liên kết với các tổ chức hiệp hội DN các nước để có thể chủ động bảo vệ lợi ích DN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Về mặt chủ trương, Trung ương rất thoáng và ủng hộ, không hề vướng mắt điều gì. Do đó, các hiệp hội phải đóng vai trò thực sự là người đại diện cho lợi ích chính đáng và hợp pháp của DN", Chủ tịch nước nói.
Trong vai trò điều phối chương trình, ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Khóa XIII, ghi nhận: "Những vấn đề được đại diện các hội ngành nghề nêu ra lần này không mới, nhưng tương đối cụ thể.
Tuy nhiên, đa phần các ý kiến liên quan đến quá trình cải cách về thể chế nên cần phải có thời gian. Hiện nay đã có một số bộ luật có hiệu lực thi hành nhưng thông tư hướng dẫn chưa có, nên vẫn chưa giải quyết được những thực tế DN nêu. Riêng một số vấn đề liên quan đến thuế, Quốc hội đang tiếp tục sửa đổi".
Ở góc nhìn của một chuyên gia, ông Trần Du Lịch cho biết, điều ông lưu tâm nhất là vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như các chính sách liên quan, làm sao để hỗ trợ được DN, giúp DN tận dụng được cơ hội trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới.
"Hiện nay quá trình hội nhập đang tạo ra nhiều cơ hội phát triển nhưng DN Việt Nam lại rất khó tiếp cận, trong khi DN FDI tận dụng cơ hội này tốt hơn. Thực tế được minh chứng bằng nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang chảy vào Việt Nam. Trước viễn cảnh này, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận đây là lỗi chủ quan của DN, rằng năng lực của DN trong nước đa phần rất yếu chứ không chỉ xuất phát từ Nhà nước", ông Trần Du Lịch nói. Nhưng ông Lịch cho rằng, vai trò của Nhà nước là cần phải hỗ trợ DN trong giai đoạn đầu để DN có thể tận dụng được các cơ hội sắp đến.
Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch HUBA: Nhà nước cần có những chính sách kịp thời, thiết thực để giúp DN phát triển
Theo một thống kê được HUBA cập nhật, tháng 1/2016, đã có hơn 4.000 DN giải thể, gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là vấn đề đáng lo. Năm 2016, DN gia nhập "cuộc chơi toàn cầu" thông qua hàng loạt FTA, do vậy Nhà nước cần có chính sách kịp thời để giúp DN đứng vững không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường nước ngoài.
Hiện nay, cả nước chỉ có khoảng 500.000 DN, quá ít nếu so với dân số. Về phía TP.HCM, HUBA kiến nghị tăng lên khoảng 400.000 - 500.000 DN từ 200.000 DN hiện nay. Đó cũng là cách góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, giải quyết công ăn việc làm, giải thoát nghèo cho xã hội nhanh nhất.
Cùng với kiến nghị này, chúng tôi đề nghị lãnh đạo TP.HCM quan tâm chăm sóc, phát triển nguồn nhân lực đang trong tình trạng thiếu và yếu. Nên cho phép mở trường đào tạo nhân lực cho DN.
Bên cạnh vấn đề này, lãi suất nguồn vốn vay tại Việt Nam đang cao hơn so với các nước tham gia TPP, do vậy, Nhà nước cần xem xét cải thiện để DN có vốn gia tăng đầu tư sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có những chính sách kịp thời, thiết thực liên quan đến việc cải cách hành chính, tránh việc thay đổi chính sách kinh tế liên tục để DN yên tâm làm ăn.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM: Chính sách tăng lương tối thiểu và thay đổi trong việc đóng bảo hiểm xã hội đang là áp lực lớn đối với DN
Ngành dệt may và da giày đang có nỗi lo chung là lao động rất đông, nên chính sách tăng lương tối thiểu và thay đổi về đóng bảo hiểm xã hội đang là áp lực rất lớn. Thiếu sự cân nhắc khi đề ra chính sách này ít nhiều ảnh hưởng đến sự tồn vong của DN. Hiện nay, các DN thuộc lĩnh vực hỗ trợ ngành dệt may, da giày đang rất bức xúc trước việc giá vải trên thị trường.
Cụ thể, chi phí bình quân để dệt một mét vuông vải khoảng 2,5USD (tương đương 51.000 đồng), trong khi tại các chợ vải, vải được bán chỉ dưới 2USD/m2 vì là nguồn vải nhập lậu, được tuồn về từ Trung Quốc. Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM rất lo lắng nếu lực lượng quản lý thị trường không tăng cường kiểm tra sẽ ảnh hưởng lớn đối với thị trường vải và thị trường thời trang.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM: Cần có cơ chế để giải quyết bất động sản tồn kho
Năm 2015, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục, số người kinh doanh thứ cấp nhằm mua đi bán lại cũng tăng, chiếm 15% giao dịch. Giá bất động sản cao cấp tăng từ 5% đến dưới 15% so với năm 2014. TP.HCM hiện có 1.409 dự án bất động sản, nhưng đã có 190 dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư hoặc hết hạn đầu tư.
Trong 1.219 dự án còn hiệu lực triển khai lại có đến 405 dự án chưa khởi công, còn trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án phải tạm ngưng thi công. Như vậy, số lượng dự án bị thu hồi, tạm ngưng thi công, chưa khởi công đang chiếm đến 49,1% (tương đương 692 dự án) tổng số dự án.
Đây được xem là "phần chìm" hàng tồn kho trên thị trường bất động sản. Do vậy, cần có cơ chế để DN sớm triển khai dự án, góp phần đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội.
Ông Dương Ngọc Minh - Phó chủ tịch VASEP: Chính phủ phải có chính sách nông nghiệp thật rõ ràng
Khi các FTA và TPP được Việt Nam lần lượt ký kết, đồng nghĩa thị trường đang được rộng mở nhưng cơ hội cho DN thì chưa nhiều. Vì hiện nay, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa có, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chẳng hạn, trong chăn nuôi, DN Việt Nam chưa đạt 10% lượng hàng xuất khẩu, trong khi DN FDI chiếm tỷ lệ xuất khẩu đến 90%, nguyên nhân do cơ chế, nguồn vốn, cho thấy chúng ta đang thua ngay trên "sân nhà”. Do vậy, chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ vốn cụ thể đối với nông nghiệp nói chung và ngành thủy hải sản nói riêng.
Cụ thể hiện nay, thị trường của cá tra Việt Nam khá bấp bênh, mà chung quy là do ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn, trong khi mặt hàng này lại chịu sức ép về an sinh xã hội. Để nuôi được con cá tra xuất khẩu, phải mất một năm, nên Chính phủ cần phải có chính sách tín dụng dài hạn đối với nghề này nếu muốn phát triển.
>Chủ tịch nước: Doanh nghiệp cần chủ động kiến nghị chính sách
>Chủ tịch nước: Việt Nam ưu tiên xây dựng 3 hành lang kinh tế
>Thư chúc Tết Bính Thân 2016 của Chủ tịch nước