Chất lượng thực phẩm và sự minh bạch

DUY KHUÊ| 22/11/2016 03:19

Để có thực phẩm an toàn, Việt Nam phải thay đổi cách thức quản lý. Cụ thể, không chỉ quản lý khâu cuối cùng theo mẫu mà phải quản lý ngay từ đầu vào.

Chất lượng thực phẩm và sự minh bạch

Để có thực phẩm an toàn, Việt Nam phải thay đổi cách thức quản lý. Cụ thể, không chỉ quản lý khâu cuối cùng theo mẫu mà phải quản lý ngay từ đầu vào. 

Đọc E-paper

Đó là ý kiến đóng góp tại Hội nghị Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam, chủ đề "Nâng cao chất lượng vì thương hiệu thực phẩm Việt". Chương trình do Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE) - Bộ Công Thương và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) phối hợp thực hiện trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2016 - Vietnam Foodexpo 2016, diễn ra từ ngày 16 - 19/11, tại TP.HCM.

Cần được đồng bộ

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, cho hay, cả nước hiện có 631 doanh nghiệp (DN) tham gia sản xuất thực phẩm an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu.

Đến nay, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã công nhận 2.495 cơ sở đạt điều kiện về an toàn thực phẩm, và 3.500 cơ sở đạt chứng nhận VietGAP do Cục Trồng trọt cấp. Song, hàng hóa từ những cơ sở này cung ứng cho thị trường nào, hay cung ứng ở đâu thì hầu như người tiêu dùng không hề biết, hoặc biết một cách rất mơ hồ.

Theo đại diện các hội ngành nghề tham gia hội nghị, một phần nguyên nhân đến từ việc các DN từ chối cung cấp thông tin. Một vấn đề khác là công tác thẩm định và cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của các cơ quan quản lý không tương thích với tiêu chuẩn chứng nhận của tổ chức quốc tế.

Các cơ quan quản lý chỉ kiểm soát ATVSTP theo chiến dịch, kiểm soát lô hàng; không kiểm soát hiệu quả tại các điểm đầu tiên của chuỗi thực phẩm như: biên giới, chợ đầu mối, các cảng bao gồm: cảng cá, các cơ sở sản xuất, thương mại, hóa chất, thức ăn và phân bón.

Theo các DN, thị trường nội địa đang có quá nhiều cơ quan chịu trách nhiệm quản lý ATVSTP, trong khi đó lại không có lực lượng thanh tra kiểm soát vấn đề này. Thực tế này vừa tạo ra sự chồng chéo, vừa bỏ sót trách nhiệm trong quản lý.

Đơn cử như cùng một DN sản xuất nhưng nếu có hai thị trường phân phối là nội địa và nước ngoài thì sẽ phải chịu sự kiểm soát ATVSTP của hai cơ quan chức năng khác nhau. Vấn đề này đã được các chuyên gia góp ý từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Do đó, để nâng cao chất lượng thực phẩm, nhiều ý kiến cho rằng phải thay đổi cách quản lý từ phía Nhà nước. Đây là điều rất cần thiết, dựa vào cộng đồng để kiểm soát ATVSTP; thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng mua sản phẩm có bao bì, nhãn mác và yêu cầu có truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, tỉnh táo nhận diện thực phẩm an toàn theo quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn thay vì theo hiệu ứng đám đông như hiện nay. Bên cạnh đó, phải nâng cao năng lực của các hộ nông dân, liên kết họ và xây dựng cộng đồng sản xuất để xây dựng thương hiệu và tổ chức quản lý chéo.

Bởi theo thống kê sơ bộ ngành tiêu dùng thực phẩm Việt, bà Hồng Minh cho hay, ngành hàng tiêu dùng thực phẩm đang chiếm khoảng 15% GDP cả nước, tương đương 4.192 tỷ đồng.

Hiện cả nước có 29.500 trang trại, trong đó có 8.800 trang trại trồng trọt, 11.000 trang trại chăn nuôi, 430 trang trại lâm nghiệp, 5.268 trang trại thủy sản, phần còn lại là trang trại tổng hợp, cho thấy cần tập trung phát triển lực lượng nhân lực khá lớn trong thời gian tới.

Tập trung vào chất lượng thay vì số lượng

Góp ý cho việc định hướng kiểm soát vấn đề chất lượng, ATVSTP cũng như phát triển ngành hàng, bà Emil Fazira, chuyên gia phân tích cao cấp về thực phẩm và dinh dưỡng, đại diện Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor International, cho hay, ẩm thực Việt Nam đang được quan tâm và gần như đang trở thành xu hướng trên toàn cầu.

Chứng minh điều này, bà Emil Fazira nêu trường hợp phở Việt Nam đang là món ăn thời thượng ở Mỹ, hay bánh mì kẹp thịt Việt Nam cũng được đánh giá là thức ăn nhanh phù hợp với xu hướng ăn tốt cho sức khỏe. Thời gian qua, phiên bản truyền thống của bánh mì Việt Nam hay cà phê Việt Nam cũng đang ngày càng phổ biến hơn trên thế giới. Song, vấn đề đáng nói ở đây là thực phẩm Việt Nam cần phải có "diện mạo" tốt hơn.

Thống kê từ Euromonitor còn cho biết, thị trường thực phẩm đóng gói tại Việt Nam năm 2016 dự kiến đạt 10,3 tỷ USD, trong đó 60% đến từ cửa hàng bán lẻ độc lập như chợ, cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa... Thực phẩm đóng gói giai đoạn 2016 - 2021 dự kiến còn tăng trưởng mạnh. Các loại thực phẩm đóng gói như gạo, sữa đang được ghi nhận đóng góp nhiều vào tăng trưởng của ngành, cho thấy tiềm năng còn rất lớn.

Do đó, vấn đề của các nhà sản xuất, nuôi trồng, chế biến thực phẩm Việt Nam là sản phẩm phải có nhãn mác rõ ràng. Song, để tránh trường hợp quá tập trung vào "ngoại hình", hội nghị về "Nâng cao chất lượng vì thương hiệu thực phẩm Việt" đã hướng đến câu chuyện hàng hóa, thực phẩm từ Hàn Quốc cùng sức ảnh hưởng của chúng đối với các nước trong khu vực.

Phân tích cách làm của các DN Hàn Quốc, hội nghị đã chỉ ra thành công đến từ việc các DN Hàn Quốc biết cách đầu tư vào marketing song hành cùng chất lượng hàng hóa, từ đó tạo được làn sóng tiêu dùng mạnh mẽ. Điều này trái ngược với cách làm của nhiều DN Việt Nam, bởi theo đánh giá chung, thị trường châu Á đang nhìn vào giá trị sản phẩm để phát triển, trong khi Việt Nam đến nay vẫn còn quá tập trung vào số lượng để phát triển.

Vậy Việt Nam phải làm thế nào để xây dựng hình ảnh trong ngành thực phẩm? Tại hội nghị, các chuyên gia ngành thực phẩm cho rằng, người tiêu dùng Việt thích thực phẩm vừa có giá trị dinh dưỡng, vừa an toàn, đây chính là yếu tố DN Việt cần tập trung khai thác và phát triển.

>Những startup Mỹ đang thay đổi tương lai ngành thực phẩm

>4 chìa khóa thành công của ngành thực phẩm Thái Lan

>EU thúc đẩy đầu tư vào ngành thực phẩm Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chất lượng thực phẩm và sự minh bạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO