Cần có cơ chế thông thoáng để thu hút nhà đầu tư

Đinh Vĩnh Cường (*)| 09/03/2022 07:39

Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội vàng để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư, biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Cần có cơ chế thông thoáng để thu hút nhà đầu tư

1. Những chính sách, định hướng và giải pháp trong năm 2021 để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa tập trung tái hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế

Thời gian qua, Việt Nam đã có những chính sách phù hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 các nhóm ngành dịch vụ, lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải; công nghiệp, dệt may, giày da, chế biến gỗ, chế biến lương thực, thực phẩm, xây dựng. 

Đồng thời, triển khai chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Xúc tiến đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa và xem trọng phát triển kênh phân phối hàng hóa sản xuất trong nước, xây dựng sàn giao dịch hàng hóa và các chuỗi cung ứng phân phối hàng hóa quy mô lớn có sự tham gia của các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sản xuất trong nước. Đẩy mạnh thương mại điện tử trên thiết bị di động đáp ứng nhu cầu mua sắm của cá nhân; tập trung phát triển nhanh loại hình bán lẻ hiện đại kết hợp với đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn đặc trưng và chủ lực của TP.HCM nhằm thu hút du khách đến thành phố, phát triển mạnh du lịch nội địa trong điều kiện du lịch quốc tế khó khăn. Xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh rà soát tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tất cả các khâu từ quá trình sản xuất kinh doanh, đầu tư, góp phần hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nâng cao các giải pháp mạnh mẽ cải thiện CPI, nhất là các chỉ tiêu thành phần còn hạn chế như chi phí gia nhập thị trường, tính năng động của chính quyền, khả năng tiếp cận đất đai, hiệu quả thực thi các cam kết pháp lý.

2. Giải pháp thu hút nguồn vốn FDI tại TP.HCM trong thời gian tới

Số liệu được công bố tính đến ngày 20/12/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. Như vậy là đại dịch Covid-19 tiếp tục có những ảnh hưởng đáng kể đối với tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Cũng do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong năm 2020 giảm nhẹ so với năm 2019. Trong đó, đứng đầu là đầu tư từ Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký trên 70,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 18,4% tổng số vốn đăng ký. Tiếp theo là Nhật Bản 60,3 tỷ USD, chiếm 15,7%; sau đó là Singapore, Đài Loan và Hồng Kông.

Thực tế là cho tới nay, FDI vào Việt Nam phần lớn từ các nước châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan…), rất ít nhà đầu tư từ Mỹ và EU. Bởi chi phí không chính thức chính là rào cản, là "nút thắt" cản trở rất nhiều đến dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI, mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Điều này cần phải xóa bỏ triệt để và nhanh chóng. Có như vậy, Việt Nam mới tận dụng được cơ hội vàng để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư, biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Từng nhà đầu tư phải có chính sách khác nhau, thiết kế chính sách theo từng nhà đầu tư; thay đổi cách thức quản lý và có lựa chọn. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA được thực thi là "điểm cộng" để Việt Nam càng hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư ngoại.

Tiếp tục cải cách thể chế tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, đặc biệt TP.HCM là đầu tàu kinh tế cho cả nước, tôi xin đề xuất các cơ quan nhà nước có những chính sách thu hút nhà đầu tư như sau:

- Thu hút vốn FDI vào những ngành có công nghệ tiên tiến, có tỷ lệ xuất khẩu cao; còn những ngành ít vốn, công nghệ thấp thì huy động chủ yếu vốn đầu tư trong nước, nếu có liên doanh thì bên Việt Nam là đối tác chính.

- Ngoài các hình thức đầu tư FDI như Luật Đầu tư hiện nay quy định, để tăng cường thu hút FDI hơn nữa chúng ta có thể áp dụng hình thức công ty cổ phần trong nước có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là loại hình công ty phổ biến trên thế giới và được áp dụng ở nhiều nước Đông Nam Á. So với công ty trách nhiệm hữu hạn, loại hình này có nhiều lợi thế về huy động vốn và giảm rủi ro. Do đó Nhà nước ta cần phải có hệ thống văn bản pháp quy quy định về loại hình thu hút FDI này.

- Cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo ý kiến của các nhà đầu tư, luật đầu tư quy định doanh nghiệp liên doanh không được phép huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, chứng khoán là quá cứng nhắc và gây bất lợi cho phía Việt Nam. Vì vậy, Nhà nước ta nên có những quy định cụ thể về loại hình này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mua cổ phần, nộp tỉ lệ góp vốn của phía Việt Nam.

- Nhà đầu tư tự do lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với các yêu cầu của mình. Việc cải tiến quy chế đầu tư vào các khu công nghiệp và các khu chế xuất là rất cần thiết nhằm thu hút mạnh hơn nữa các dự án FDI vào các khu công nghiệp và khu chế xuất. Cụ thể, giảm giá thuê đất trong các khu công nghiệp và khu chế xuất để đảm bảo cho các chủ đầu tư có lợi, thúc đẩy họ đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất.

3. Giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cải thiện môi trường đầu tư nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp

Chỉ số PCI của TP.HCM tăng điểm nhưng không nhiều, tăng 5,4 điểm trong vòng 4 năm. Nhưng sự thay đổi từ nhóm các tỉnh, thành, chỉ số PCI từ nhóm khá thành nhóm tốt nên TP.HCM bị tụt hạng. Cụ thể, năm 2016 và 2017 hạng 8, 2018 hạng 10 và 2019 là hạng 14. Điều này cho thấy, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của TP.HCM là chưa đủ mạnh, chưa đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Do đó, cần cải tiến thủ tục hành chính. Đó là cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, quản lý hành chính và đất đai. Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, tránh tình trạng qua nhiều khâu làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.

Xây dựng triển khai ngay kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đặc biệt cải cách thủ tục hành chính có liên quan phục vụ công tác đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, đảm bảo yêu cầu có thời hạn đối với quy trình thủ tục hành chính xử lý hồ sơ; xác định rõ tổ chức cá nhân thực hiện chức trách trong xử lý hồ sơ; có sự tham gia đóng góp ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp; có sự giám sát của cơ quan chính quyền, có chế tài xử lý vi phạm.

Cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cải cách thủ tục hành chính, khắc phục sự trì trệ trong các cơ quan quản lý nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo nguyên tắc “một cửa”, “một dấu”.  Các cơ quan phụ trách hợp tác và đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho họ đăng ký. Về hồ sơ đăng ký cấp giấy phép đầu tư, các cơ quan chức năng phải thông báo công khai các loại giấy phép cần có.

Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường cần sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung theo hướng giảm bớt các danh mục phải báo cáo đánh giá tác động đến môi trường và quy định cụ thể các dự án được miễn lập các loại báo cáo này. Với các dự án đó, cơ quan thẩm định phải tiến hành khẩn trương và bảo đảm độ chính xác cao để vừa rút ngắn thời gian đăng kí vừa hạn chế được các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Muốn vậy các cơ quan phải thường xuyên thu thập các thông tin về công nghệ tiên tiến của thế giới.

Việc cấp giấy phép kinh doanh đối với những lĩnh vực và ngành nghề mà theo quy định phải có giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép hành nghề, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai hoạt động của mình theo mục tiêu, ngành nghề quy định tại giấy phép đầu tư, không phải xin giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép hành nghề. Để tạo điều kiện cho việc triển khai dự án nhanh sau khi được cấp giấy phép đầu tư, nhà nước giải quyết nhanh chóng các thủ tục.

Về thủ tục cấp đất, Sở Địa chính ở các tỉnh, thành phố chỉ tiến hành đo đạc, lập bản đồ địa chính một lần và đơn giản hóa mọi thủ tục khác về đất đai. Đồng thời đề nghị tổng cục địa chính và các cơ quan hữu quan soạn thảo ngay các quy định về giải phóng mặt bằng, về đền bù cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, cũng như quy định về chuyển quyền sử dụng đất. Thủ tục quản lý xây dựng cơ bản theo thiết kế đã đăng ký cần được tổ chức chặt chẽ nhưng không được can thiệp quá sâu. Cơ quan nhà nước quản lý xây dựng cơ bản cần thực hiện đúng chức năng thẩm quyền của mình, đồng thời cải tiến các thủ tục theo hướng gọn nhẹ và hiệu quả.

Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục hải quan. Các quy định thủ tục hải quan phải được sửa đổi ngay và công bố công khai theo hướng đơn giản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khắc phục ngay các hiện tượng phiền hà, tiêu cực; biết tiếp thu và xử lý các ý kiến đóng góp hoặc khiếu nại của khách hàng.

Phải có sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành có liên quan như thương mại, hải quan, công nghệ môi trường. Những vấn đề phát sinh không giải quyết được mà phải nhanh chóng có công văn hỏi ý kiến và công văn phúc đáp của cơ quan chức năng.

(*) Chủ tịch Tập đoàn 365Group

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần có cơ chế thông thoáng để thu hút nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO