Bước ngắn mà khả thi hơn táo bạo mà quá tầm

PHÚC AN| 07/09/2012 03:51

Sáng 7/9, buổi thi trực tuyến dành riêng cho 5 thí sinh khu vực miền Trung đã diễn ra giữa hai đầu cầu Hội An - TP.HCM.

Bước ngắn mà khả thi hơn táo bạo mà quá tầm

Sáng 7/9, buổi thi trực tuyến dành riêng cho 5 thí sinh khu vực miền Trung đã diễn ra giữa hai đầu cầu Hội An – TP.HCM, với 3 giám khảo: Ông Trần Thái Do – Giám đốc Công ty TNHH - TM - DV Á Đông Silk, ông Nguyễn Trọng Quân – Tổng giám đốc Công ty TNHH TM Đức Trung và bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty TNHH thủy sản Tài Nguyên.

Trước khi trình bày dự án, 5 thí sinh đã có phần trao đổi bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, Anh ngữ với nhiều thí sinh vẫn là một kỹ năng chưa hoàn thiện.

Là thí sinh dự thi đầu tiên, Phan Minh Tỉnh - sinh viên trường ĐH Tài chính – Kế toán Quảng Ngãi trình bày đề án khá táo bạo “Nuôi, trồng và chế biến ốc sên” để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Giám khảo Phan Thị Tuyết Mai nêu vấn đề: loại ốc sên nào được Tỉnh lựa chọn để nuôi trồng và làm sao đưa được giống ốc sên từ nước ngoài về Việt Nam. Bà khẳng định nhu cầu có thực ở thị trường Châu Âu, nhưng việc chế biến và xuất khẩu theo tiêu chuẩn hiện nay rất khó khăn và vướng nhiều rào cản.

Giám khảo Trọng Quân nhận định, ý tưởng rất táo bạo, độc đáo, chưa có doanh nghiệp nào ở Việt Nam dám làm, nhưng tính khả thi còn cần phải xem xét. Ông cũng đặt vấn đề, trước đây đã có trường hợp doanh nhân Đài Loan nhập ốc bươu vàng vào nuôi nhưng rốt cuộc không những không hiệu quả mà còn phá hoại mùa màng trong nước, liệu Tỉnh đã có lường trước vấn đề này khi nuôi ốc sên?

Giám khảo Tuyết Mai góp ý thêm, Tỉnh đưa ra quá nhiều vấn đề cùng một lúc và chưa thể giải quyết hết. Định vị thị trường là bước đầu tiên mà Tỉnh cần nghiên cứu thật kỹ, kế đến là quy trình chế biến thực phẩm, các quy định pháp luật cần tuân thủ. Bên cạnh đó, cần tính toán kỹ phương cách để có thể cạnh tranh được với Bulgari trong điều kiện giá cước vận chuyển hàng hóa xuyên lục địa quá cao.

“Trung tâm đào tạo, chuyển giao phương pháp làm việc hiệu quả trong doanh nghiệp và tư vấn việc làm” là dự án của Võ Văn Trực - sinh viên trường ĐH Tài chính – Kế toán Quảng Ngãi. Trực nhấn mạnh tầm quan trọng của marketing trực tiếp, tiếp cận trực tiếp sinh viên để giới thiệu các khóa học.

Giám khảo Trần Thái Do đặt nhiều câu hỏi cho Trực để làm rõ hơn những yếu tố quan trọng trong dự án như: Khách hàng là ai? Họ cần gì?...

Vấn đề chất lượng đào tạo luôn là mối quan tâm của tất các các giám khảo khi đánh giá các đề án giáo dục, và dự án của Trực không phải là một ngoại lệ.

Nguyễn Thị Tuyết - sinh viên ĐH Kinh tế Đà Nẵng dự thi với đề án “Rau sạch cho mọi nhà” với 50ha đất trồng rau xanh cung cấp cho thị trường miền Trung. Tuyết tự tin vào thế mạnh của dự án là chất lượng của sản phẩm.

Giám khảo Trần Thái Do khuyên, trong giai đoạn ban đầu, Tuyết cần thu hẹp diện tích trồng rau để khởi nghiệp vừa sức. Giám khảo Tuyết Mai chất vấn hiểu biết của Tuyết về rau sạch. Còn giám khảo Trọng Quân nhận xét, đề án chỉ dừng lại ở ý tưởng, chưa đi vào chi tiết và xây dựng kế hoạch cụ thể.

Dù ý tưởng phù hợp với nhu cầu thị trường nhưng chưa có số liệu cụ thể nên không thể đánh giá được tính khả thi. Giám khảo này khuyên Tuyết nên tập trung làm khâu phân phối, đóng gói và xây dựng thương hiệu hơn là sản xuất. Điều quan trọng là phải đảm bảo quản lý được chất lượng và cam kết ổn định với nhà phân phối.

Thí sinh Phan Chí Thành, sinh viên ĐH FPT giới thiệu dự án “Phát triển diện tích trồng sim rừng và chế biến nước ép từ trái sim”.

Giám khảo Tuyết Mai quan tâm nhiều đến sự phù hợp của sim với thổ nhưỡng của miền Trung và khuyên Thành phải tìm ra hướng mới cho sản phẩm của mình. Ngoài ra, quy trình công nghệ là điểm mấu chốt mà nếu người làm kinh doanh không nắm vững thì rất khó thành công. Các giám khảo đều đồng ý, đây là dự án quá tầm. Giám khảo Trọng Quân chia sẻ: “Táo bạo để thành công chứ nếu cầm chắc thất bại thì có nên táo bạo?”.

Thí sinh cuối cùng dự thi trong ngày - Nguyễn Thị Thu Hiếu - sinh viên ĐH Tài chính – Kế toán Quảng Ngãi dự thi với đề tài “Chuỗi cửa hàng thực phẩm chay và rau sạch tiện ích”.

Giám khảo Thái Do ấn tượng với sự chỉn chu của đề án, nhưng góp ý cần thay đổi slogan “Tiết kiệm mà vẫn an toàn”. Ông cho rằng câu này chưa rõ nghĩa và thiếu liên kết.

Giám khảo Tuyết Mai cho rằng đây là dự án vừa sức với đối tượng khởi nghiệp, nhưng vẫn mắc sai lầm là ôm đồm quá - vừa kinh doanh quán ăn, vừa kinh doanh cửa hàng rau sạch. Giám khảo Trọng Quân gợi ý Hiếu nên thu hẹp hình thức bán rau, bổ sung thực đơn và định hướng phân khúc thị trường rõ ràng hơn.

Kết thúc buổi thi, chủ khảo Trần Thái Do chia sẻ, tất cả các thí sinh đếu rất tâm huyết và cố gắng rất nhiều để hiện thực hóa đề án. Các giám khảo ghi nhận nỗ lực của thí sinh, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên dự án chưa thực sự khả thi.

Kết quả: Thí sinh duy nhất trong buổi thi hôm nay, cũng là người cuối cùng đoạt Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can lần 2 – 2012 là Nguyễn Thị Thu Hiếu - sinh viên ĐH Tài chính – Kế toán Quảng Ngãi với đề tài “Chuỗi cửa hàng thực phẩn chay và rau sạch tiện ích”.

Một số hình ảnh tại buổi thi:

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bước ngắn mà khả thi hơn táo bạo mà quá tầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO