2/10 thí sinh phía Bắc đạt giải trong ngày đầu tiên

CẨM LÊ - HẢI LINH| 31/08/2013 01:06

Trong ngày thi đầu tiên tại khu vực phía Bắc, có 2/10 đề án kinh doanh xuất sắc đạt giải thưởng.

2/10 thí sinh phía Bắc đạt giải trong ngày đầu tiên

Hôm 29/8, 10 thí sinh khu vực miền Bắc đã bước vào vòng phỏng vấn trước BGK bao gồm: Ông Ngô Vi Đồng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công Nghệ Tin học HPT, bà Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Tam Hà, ông Trần Thái Do - Giám đốc TNHH TM DV Á Đông Silk.

Các thí sinh trong ngày thi đầu tiên tại vòng chung khảo phía Bắc
>2 thí sinh đầu tiên đạt giải
>
Ngày thi thứ 2: Nguyễn Lê Minh Triết vượt lên dẫn đầu
> Ngày thi thứ 3: Thí sinh ngành xã hội đạt điểm cao nhất
> Ngày thi thứ 4: Sinh viên ĐH Tân Tạo đạt điểm kỷ lục

> Ngày thi thứ 5: Thí sinh giành giải sau 4 lần dự thi

Trong ngày thi đầu tiên tại khu vực phía Bắc, chỉ có 2 đề án kinh doanh xuất sắc đạt giải thưởng là Kinh doanh đồ chơi bằng giấy của Nguyễn Thị Thảo Ly - ĐH Kinh tế - ĐH Quốc Gia Hà Nội (46/50) và Double S - Sản xuất các sản phẩm từ rơm rạ của Nguyễn Thị Thanh Tình (44/50).

Hai đề tài này được đánh giá là có tính khả thi cao. Giám khảo Ngô Vi Đồng cũng đánh giá rất cao slide trình bày của Nguyễn Thị Thảo Ly cũng như tính khả thi của dự án. Tuy nhiên, cũng cần tính toán kế hoạch tài chính rõ hơn như: đầu tư cho sáng tạo, marketing, phân tích thị trường…

Còn đối với đề án tạo sản phẩm từ rơm của Nguyễn Thị Thanh Tình, giám khảo Ngô Vi Đồng khen ngợi phần trình bày ấn tượng, thể hiện tâm huyết của thí sinh. Dự án cũng được đánh giá là có tính cộng đồng cao. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần làm rõ hơn nữa về kế hoạch tài chính để chứng minh tính khả thi của dự án.

Giám khảo Trần Thái Do đánh giá đề án của Nguyễn Thị Thảo Ly có ý tưởng hay, có tính nhân văn, tính bền vững, ý nghĩa giáo dục và tác động tích cực đến cộng đồng. Đối với đề án của Nguyễn Thị Thanh Tình, giám khảo này cho rằng tuy có ý tưởng hay nhưng khó khả thi vì có nhiều sản phẩm thủ công khác đang tồn tại. Tuy nhiên, dự án thích hợp cho doanh nghiệp xã hội vì có tính cộng đồng cao.

Các đề tài còn lại phần lớn đều được đánh giá tốt về ý tưởng nhưng thiếu tính khả thi. Ngoài ra, một số đề án có ý tưởng mang tính ngẫu hứng.

Chiều 29/8, 5 thí sinh tiếp theo của khu vực Hà Nội đã có cơ hội trình bày đề án với của mình trước BGK.

Cao Phong Anh - sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội mở đầu bài thuyết trình bằng một câu hỏi thú vị nhằm dẫn dắt đến ý tưởng của đề án “Cửa hàng dịch vụ làm sạch giày da S – Clean”. Thí sinh được các giám khảo đánh giá cao về khả năng ngoại ngữ. Tuy nhiên, giám khảo Thái Do góp ý đề án của Cao Phong Anh chưa thể hiện được điểm khác biệt của dịch vụ. Bên cạnh đó, kế hoạch tài chính của đề án chưa thật đầy đủ. Giám khảo Ngô Vi Đồng đã chỉ ra số liệu chưa rõ ràng và không chính xác trong báo cáo tài chính của thí sinh.

Thí sinh thứ hai, Nguyễn Ngọc Bé – sinh viên Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội dự thi với đề án “Chè cổ - khơi dậy những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc từ khía cạnh ẩm thực”. Hội đồng giám khảo rất đồng tình với tinh thần “lưu giữ nét văn hóa cổ xưa” trong đề án xây dựng quán chè truyền thống của thí sinh. Tuy nhiên, giám khảo Ngô Vi Đồng nhận thấy đề án cần thực tế hơn khi phân tích tính cạnh tranh và khả năng duy trì hoạt động. Giám khảo Nguyễn Thanh Hà góp ý, giá sản phẩm chưa hợp lý và thí sinh nên nghĩ đến việc phân phối sản phẩm độc quyền cho các nhà hàng.

Giám khảo Trần Thái Do nhận thấy nghệ thuật nấu chè cổ truyền sẽ là yếu tố khác biệt của sản phẩm. Tuy nhiên, mức doanh thu trong báo cáo tài chính chưa thuyết phục; ông cũng gợi ý rằng cần thu nhỏ quy mô ban đầu khi tiến hành dự án.

Với tên đề án đầy ấn tượng “Chiêm tinh số” - Đem đến cho người dùng sự thấu hiểu, lòng tin vào chính mình và những mối quan hệ đem đến sự lạc quan trong cuộc sống, thí sinh Nguyễn Linh Hà – sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội đã mang tới không khí mới mẻ cho buổi thi. Ban giám khảo đánh giá cao tính khả thi của dự án và cho rằng đây là ý tưởng rất hay. Tuy nhiên, do đề án của thí sinh là sản phẩm tập thể nên chưa phù hợp với tiêu chí của giải thưởng.

Thị hiếu uống café của giới trẻ là nguồn cảm hứng để thí sinh Hồ Thị Ngọc – sinh viên ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội hình thành ý tưởng “Easy Coffee - Cung cấp cà phê giá rẻ, tiện lợi và mang hương vị đặc trưng riêng”. Giám khảo Thần Thái Do góp ý đề án chưa rõ ràng trong hình thức take-away cũng như sự pha trộn hương hiệu café chưa được nghiên cứu một cách cẩn thận.

Giám khảo Nguyễn Thanh Hà nhận thấy loại hình kinh doanh của đề án có nhiều điểm chưa khả thi và sản phẩm chưa có sự khác biệt để cạnh tranh. Giám khảo Ngô Vi Đồng nhận thấy phần trình bày của thí sinh về đạo làm giàu của Lương Văn Can chưa thực sự tốt, đồng thời ông cũng nhắc nhở thí sinh cần trau dồi khả năng tiếng Anh nhiều hơn nữa.

Thí sinh cuối cùng của buổi thi chiều 29/8 là Phạm Thị Thương Thương với đề án kết hợp nhiều mô hình mang tên “Kinh doanh dịch vụ nhà hàng Café – Bar - Restaurant”. Điểm đặc biệt trong dự án của thí sinh là vị trí nhà hàng nằm ở tầng trên cùng của cao ốc văn phòng. Tuy nhiên, thí sinh Phạm Thị Thương Thương cũng có khá nhiều thiếu sót trong việc xây dựng mô hình kết hợp café – bar – nhà hàng. Giám khảo Nguyễn Thanh Hà góp ý chi phí thuê mặt bằng trong báo cáo tài chính chưa hợp lý, vấn đề nhân sự còn thiếu sót, đề án cũng chưa có điểm khác biệt rõ ràng để có thể cạnh tranh. Giám khảo Ngô Vi Đồng khuyên thí sinh này nỗ lực học tiếng Anh nhiều hơn.

Sau buổi thi chiều 29/8 không có thêm thí sinh nào của khu vực phía Bắc ghi tên mình vào danh sách đạt giải thưởng. Ban giám khảo khuyến khích các thí sinh tiếp tục hoàn thiện đề án để có thể dự thi Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can vào năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
2/10 thí sinh phía Bắc đạt giải trong ngày đầu tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO