Hoạt động Hội: "Bắt mạch, tìm bệnh"

NAM AN| 09/01/2013 09:23

Lần đầu tiên, đại diện của hơn 30 hội ngành nghề, quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã có dịp ngồi lại, góp ý và chia sẻ những kinh nghiệm trong tổ chức điều hành...

Hoạt động Hội:

Lần đầu tiên, đại diện của hơn 30 hội ngành nghề, quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã có dịp ngồi lại, góp ý và chia sẻ những kinh nghiệm trong tổ chức điều hành hội tại hội thảo "Nâng cao năng lực hoạt động hội" do Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng CLB Tổng thư ký - Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức vào dịp cuối năm 2012.

Đọc E-paper

Truy "bệnh" từ gốc

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch CLB Doanh Nhân Sài Gòn, cho biết, tình trạng của số đông hội hiện nay là hội viên không gắn kết với tổ chức, thể hiện qua việc không đóng hội phí, không tham gia các hoạt động hội hoặc các chương trình do hội tổ chức...

Theo quy định, nếu hội viên quá thời hạn đóng phí và được nhắc nhở nhưng vẫn không nộp thì tổ chức có quyền xóa tên trong danh sách thành viên. Song xóa hay để lại là vấn đề khó xử cho các hội, bởi "bỏ thì thương mà vương thì tội".

Thậm chí, trong nội bộ còn có chuyện ban chấp hành đua nhau giành "ghế nóng", nhưng không ai trực tiếp đứng ra điều hành, có những hội cả năm không thấy các thành viên ban chấp hành dự họp, chỉ khi có công văn thông báo thì mới xuất hiện.

Trong khi đó, ban thường trực thì không đề ra được phương hướng hoạt động cho hội..., tất cả đã tạo nên sự trì trệ trong bộ máy của tổ chức hội từ ban chấp hành cho đến bộ phận chuyên trách.

Do đó, hội thảo "Nâng cao năng lực hoạt động hội" được tổ chức với kỳ vọng như một cầu nối, gắn kết, sẻ chia những kỹ năng điều hành hội, đưa tổ chức hội về đúng vị trí và vai trò của mình đối với các cơ quan lãnh đạo Nhà nước và doanh nghiệp (DN).

Vì thế, hội thảo chú trọng tập trung vào những vấn đề hội đang quan tâm, đồng thời chọn lọc và đưa ra các hướng giải quyết để các hội cùng tham khảo, lựa chọn áp dụng.

Các vấn đề về phát triển và giữ chân hội viên, truyền thông hội, kinh phí hoạt động, nhân sự chuyên trách... là những đề tài được các hội rất lưu tâm trong công tác điều hành. Trong đó, hơn 70% đại diện các hội tại hội thảo cho rằng họ đang vướng ở vấn đề hội phí, tuy nhiên, phần đông đều không mạnh tay xóa tên các thành viên không đóng hội phí.

Lý giải vấn đề này, ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Giám đốc cho biết, với mức phí từ 1,5 - 3 triệu đồng/năm đối với DN không đáng là bao, có thể DN quên hoặc không có thời gian đến đóng, nên các hội còn khá nhân nhượng trong vấn đề này.

Còn những trường hợp không đóng hội phí chắc hẳn đều có lý do. "Ngoài Hawa, tôi còn tham gia vài hội ngành nghề khác, có hội không thu hội phí, có hội thu theo từng ngành nghề... Song, trước việc hội viên từ chối đóng hội phí, các hội cũng cần xem lại chính tổ chức mình.

Bởi đối với một DN, nếu tổ chức hội không mang lại lợi ích thiết thực cho họ, không hỗ trợ được gì cho hoạt động của DN, không thấy được hiệu quả của hội phí, thì việc đóng góp, dù nhỏ, họ cũng phải cân nhắc.

Do đó, để cải thiện tình trạng này, theo tôi, các hội phải làm sao để hội viên thấy được nguồn tiền họ đóng được sử dụng một cách minh bạch, hiệu quả”, ông Hùng nhấn mạnh.

Khởi thông "điểm nghẽn"

Nếu như các hội hiện nay được xem là "mạnh" như HUBA, HAWA, CLB Doanh Nhân Sài Gòn... đang tích cực tạo nguồn kinh phí cho hoạt động bằng việc tổ chức những hội thảo, hội nghị, sự kiện, giới thiệu sản phẩm của DN trên website... thì bài toán khó đối với các hội "yếu" là làm sao để thu được hội phí.

Tại hội thảo, cũng có hội đặt vấn đề làm cách nào để giữ chân hội viên lâu dài chứ không chỉ đóng hội phí một năm rồi thôi. Chia sẻ vấn đề này, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Thường trực HAWA cho biết: "Chúng tôi quan niệm gia nhập hội là sự đầu tư, khi tham gia vào HAWA, DN sẽ được nhiều hơn mất, có như vậy họ mới ở lại với hội lâu dài".

Thành phố có 146 hội, tuy nhiên các hội có hoạt động mạnh không nhiều. Không ít hội đang ở trong tình trạng "không người và không tiền" mà cái gì cũng muốn làm. Nhiều chương trình đã được thực hiện nhưng không có ai tổng hợp, rút kinh nghiệm... nên đã tạo ra sự rời rạc trong tổ chức, làm lộ rõ điểm yếu của các hội.

Để cải thiện tình trạng này, ông Hùng nói thêm: "Hội cần quan tâm đến tính tập trung trong tổ chức, đến quyền lợi của hội viên, một khi hội giúp ích được cho họ thì việc kêu gọi DN đóng góp cũng không phải là vấn đề khó. Còn tham gia hội mà không được gì cả, DN không nhiệt tình là chuyện đương nhiên".

Góp ý cho việc cải thiện năng lực hội, đại diện Hội Doanh nghiệp Quận 10 cho biết, hiện nay, số đông ban chấp hành các hội đều giữ vai trò kiêm nhiệm, do đó, cần hơn hết là lực lượng chuyên trách trong việc điều hành. Vì đây sẽ là bộ phận tham mưu rất tích cực cho ban chấp hành.

Cần phải có chế độ sinh hoạt thường xuyên để lắng nghe và chia sẻ thông tin, tạo cơ sở thu hút thêm nhiều hội viên tham gia. Bằng cách này, hội cũng dễ rà soát, theo dõi hội viên, kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động và "sức khỏe" của DN trong hội.

Nhấn mạnh thêm vai trò của lực lượng chuyên trách, ông Nguyễn Phước Hưng, Tổng thư ký HUBA cho rằng, đội ngũ này nên coi việc chăm sóc hội viên là việc làm thường xuyên, nhằm nhắc nhớ DN thực hiện vai trò hội viên của mình.

Để làm được như vậy, các hội nên liên lạc với DN một cách cụ thể, tối thiểu cũng phải hai lần/năm. Làm tốt việc này, hội sẽ nhanh chóng nắm bắt được khó khăn của DN, ghi nhận những nguyện vọng, đề xuất của DN đến các cơ quan lãnh đạo để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hoạt động Hội: "Bắt mạch, tìm bệnh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO