Hoạch định xuyên suốt khâu bán hàng và sản xuất trong doanh nghiệp
Tối ưu giữa sản lượng và hàng tồn kho luôn là bài toán khó cho các doanh nghiệp sản xuất, nhất là những doanh nghiệp có sản phẩm đa dạng, mô hình sản xuất phức hợp.
S&OP (Sales and operations planning - hoạch định phối hợp sản xuất và bán hàng) là giải pháp được hầu hết các doanh nghiệp lớn, hoạch định bậc cao trên thế giới áp dụng từ lâu. S&OP hướng tới việc xây dựng một kế hoạch kinh doanh được thống nhất bởi các bên (sản xuất, cung ứng, bán hàng) bằng việc các bên liên quan sẽ cung cấp các thông tin quan trọng và cùng tham gia quá trình lập kế hoạch cũng như điều chỉnh kế hoạch một cách nhanh và kịp thời nhất. Tại Việt Nam, khi làn sóng chuyển đổi số đang lan rộng, sẽ giúp gì cho các doanh nghiệp sản xuất triển khai hiệu quả S&OP của họ?
DxTalks tập 7 mùa hai, với chủ đề "Lập kế hoạch xuyên suốt trong các doanh nghiệp sản xuất” có sự tham gia thảo luận của các chuyên gia khách mời, gồm: Ông Nguyễn Anh Nguyên - Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công nghệ của Hatto Group; ông Đoàn Ngọc - Chuyên gia tư vấn giải pháp Oracle Vietnam; ông Vương Quân Ngọc - Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số FPT Digital. Dẫn chương trình, ông Phạm Hồ Chung - Giám đốc Tư vấn FPT Digital.
Trong tập này, các chuyên gia cùng thảo luận để trả lời cho loạt các câu hỏi: Ứng dụng S&OP tại các nước trên thế giới và Việt Nam có sự khác biệt nào? S&OP đang đem lại giá trị gì cho doanh nghiệp? Các doanh nghiệp có thể hướng tới mô hình này qua chuyển đổi số? Cách thức xây dựng, triển khai S&OP có phải đồng bộ với các hệ thống lớn khác như: ERP, SCM, MOM/MES?
Theo ông Vương Quân Ngọc, trong chiến lược chuyển đổi số, có 3 yếu tố thành phần: mô hình kinh doanh, công nghệ, con người. 3 yếu tố này bắt buộc phải đi cùng nhau mới tạo ra được sự chuyển đổi. “S&OP không phải là một giải pháp thuần về công nghệ, nên tôi nghĩ rằng, nếu muốn bắt đầu S&OP, hãy bắt đầu bằng sự kết hợp của cả 3 yếu tố kinh doanh - công nghệ - con người. Chúng ta sẽ đặt những yếu tố này ngang nhau rồi mới xác định trọng tâm để phát triển tiếp”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Còn theo ông Đoàn Ngọc, hình thái đầu tiên từ khi xuất hiện khoảng 40 năm trước của S&OP chính là tối ưu hàng tồn kho. Dù mục tiêu tối ưu hàng tồn kho khá rõ ràng nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa làm S&OP một cách đầy đủ, đúng nghĩa và bài bản vì chủ yếu vẫn đang tự đúc kết triển khai bằng kinh nghiệm của chính họ.
Vậy việc ứng dụng S&OP ở các ngành sản xuất hay cung ứng khác nhau có khác nhau không? Nếu nói về góc độ nguyên lý hoạch định và các thành phần của S&OP thì sẽ là giống nhau, bởi đều bao gồm các công việc như hoạch định nhu cầu, hoạch định về cung ứng, hay chuyên sâu hơn, đó là hoạch định năng lực sản xuất. Ở các ngành khác nhau thì khác biệt sẽ ở khâu triển khai chi tiết. Với ngành thời trang thường hoạch định nhu cầu theo mùa vụ, còn đối ngành sản xuất các linh kiện phụ trợ thì nhu cầu lại đến từ khách hàng đặt chứ không theo mùa.
Hay trong ngành hàng nông sản nhưtiêu, hồi, quế thì câu chuyện hoạch định cung ứng mua hàng đôi khi lại không đến từ những nhu cầu tương lai, mà nó dựa trên vùng nguyên liệu và sự chênh lệch về giá thu mua. Ông Đoàn Ngọc chốt lại, lợi ích mà S&OP mang lại, đó là tối ưu dòng tiền và tăng được sự hài lòng của khách.
Còn ông Nguyễn Anh Nguyên chia sẻ cách triển khai và áp dụng S&OP tại các doanh nghiệp mà ông từng quản trị, như Unilever. Theo ông, dịch vụ khách hàng luôn là điều cần quan tâm nhất khi thực hiện S&OP.
"Các quyết định từ S&OP không bao giờ có đúng và sai, mà là một kết luận hợp lý nhất. Khi xây dựng và hoàn thiện quá trình S&OP tại Unilever, bọn tôi luôn nhìn vào năng lực đưa hàng hóa lên các kênh để phục vụ khách hàng ở tuần gần nhất, tháng gần nhất, vào 3 tháng gần nhất. Dịch vụ khách hàng tốt đã giúp hàng tồn kho giảm từ 2-3% xuống còn 0,5%, đồng thời doanh số, lợi nhuận tăng trưởng ngay lập tức", ông Nguyên nói.
Cũng theo ông Nguyên, khi triển khai S&OP, công nghệ không phải yếu tố quan trọng nhất. Người triển khai phải hiểu rõ rằng không phải đưa công nghệ vào là có ngay cơ hội tăng trưởng, mà S&OP là hành trình dài và cần kiên nhẫn.
Ông Quân Ngọc cũng nhận định, S&OP không chỉ dành cho các doanh nghiệp sản xuất mà cần thiết cho cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực cung ứng, bán buôn, bán lẻ... Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quá nhiều cơ hội trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam là trung tâm để thực hiện chuyển đổi số và những thành công ở đây sẽ được nhân rộng ra toàn thế giới, trong đó có cả những bước là cấp độ cao hơn của S&OP. Đó là cấp độ giải quyết những yếu tố về phát triển xanh và bền vững, bên cạnh những thông số truyền thống về hàng tồn kho, giá cả, khấu hao, năng lực sản xuất hay sự hài lòng của khách hàng. Các công ty tư vấn chuyên nghiệp có thể giúp các doanh nghiệp xác định gốc rễ của mô hình kinh doanh, công nghệ và văn hóa con người cần như thế nào để vận hành S&OP mang lại hiệu quả cao nhất.
DxTalks là chuỗi talkshow, được thực hiện bởi FPT Digital, công ty thành viên thuộc tập đoàn FPT, chuyên tư vấn chuyển đổi số cho các tỉnh thành, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. FPT Digital hiện là đại diện duy nhất của Việt Nam được Gartner đưa vào danh sách toàn cầu trong hạng mục "Tư vấn Kiến trúc doanh nghiệp hướng đến kết quả kinh doanh", đồng thời nhận đánh giá 5 sao từ khách hàng trên hệ thống Gartner peer insight. FPT Digital là đơn vị tư vấn đầu tiên tại Việt Nam đạt giải Vàng Globee Awards năm 2023 cho hạng mục “Top consulting provider of the year”, cùng hàng loạt các giải thưởng như hai giải Sao khuê cho dịch vụ Đánh giá mức độ trưởng thành số và Đào tạo chuyển đổi số và giải Asia - Pacific stevie awards cho “Innovation in digital transformation".
DxTalks 2022 tập trung vào quá trình tiếp cận các nền tảng tổng quan để xây dựng lộ trình chuyển đổi số. DxTalks 2023 phân tích chuyên sâu hơn hành trình triển khai chuyển đổi số và giải quyết các bài toán cụ thể. Theo dõi toàn bộ các tập về chuyển đổi số tại đây.
Hằng tháng, FPT Digital còn phát hành DxReports với nội dung chuyên sâu về chuyển đổi số trong từng ngành nghề và lĩnh vực nổi bật như sản xuất thông minh, F&B, bán lẻ, nông nghiệp, bất động sản...
Đăng ký nhận DxReports tại đây.