Trong một cuộc trò chuyện cùng nhà báo Hà Đình Nguyên, Phạm Cung thừa nhận ông là người được trời sinh ra… để vẽ. Thuở nhỏ, ông được bố mẹ gởi vào trường dòng, chính môi trường này đã giúp ông tiếp cận các loại hình thơ ca, nhạc họa phương Tây và phát huy năng khiếu bẩm sinh. Ông có thói quen viết và vẽ bằng tay trái, và vẫn được trường ủng hộ phát triển điều tự nhiên này. Thậm chí, khi chấm bài của của ông, thầy phải dùng một tấm gương soi vì ông viết chữ ngược. Đây cũng là một trong những đặc điểm rất lạ trong tranh của ông về sau. Lên 11, 12 tuổi, mỗi dịp lễ Giáng sinh, Phạm Cung đã nặn được tượng Chúa hài đồng, Mục đồng và bầy lừa bằng đất sét đặt trong máng cỏ nhìn mãi không chán.
Phạm Cung chính thức bước vào đời sống văn nghệ vào năm 1956, khi ông theo thầy là họa sĩ Duy Liêm vào Sài Gòn làm sơn mài, làm gốm, maquette cho hãng Thanh Lễ (tiền thân của sơn mài Thành Lễ sau này). Sau đó, ông đi vẽ bìa minh họa cho các nhà xuất bản Tinh Hoa, Ly Tao, An Phú, Trùng Dương, Minh Phát..., vẽ minh họa cho các báo. Tài năng của ông sớm được khẳng định khi ông có thể thực hành nghệ thuật trên nhiều chất liệu như sơn dầu, lụa, màu nước, thậm chí vẽ thủy mặc.
Từ thập niên 60, Phạm Cung đã định danh được tên tuổi trong giới mỹ thuật. Sinh thời, khi được hỏi chịu ảnh hưởng từ phong cách của ai, theo trường phái hội họa nào, Phạm Cung trả lời: “Trường phái… Phạm Cung!”. Ông thừa nhận từ trẻ tính tình đã ương bướng và chỉ thích làm theo ý mình. “Tôi quan niệm nghệ sĩ là kẻ sĩ làm nghệ thuật” - Phạm Cung cho biết.
Một bức tranh sơn dầu của Phạm Cung |
Có lẽ vậy nên tranh của ông luôn có sắc độ và cách biểu đạt riêng biệt, khó trộn lẫn. Phạm Cung đặc biệt thích vẽ đàn bà với nét vẽ khỏe khoắn, dứt khoát. Là đàn bà chứ không phải thiếu nữ vì theo ông, chỉ những người phụ nữ từng trải mới hội tụ được vẻ đẹp của đời sống. Một dấu ấn khác, trong tranh ông, phụ nữ luôn sở hữu vẻ đẹp tròn đầy chứ không “mình hạc xương mai” như các bậc thầy tranh Đông Dương. Ông thường nói vui rằng, ông thích vẽ phụ nữ vì… là đàn ông. Song, sâu xa thì, theo ông: “Cơ thể đầy đặn thể hiện sức sống mạnh mẽ của phụ nữ. Vì ngoài đẹp, gợi cảm, người phụ nữ còn là người vợ, người mẹ tuyệt vời rất cần khỏe mạnh”.
Phạm Cung yêu tranh Bùi Giáng và nhạc Phạm Duy. Sinh thời, ông và thi sĩ họ Bùi rất thân nhau. Nhiều bức tranh của Phạm Cung lấy cảm hứng từ thơ Bùi Giáng và nhạc Phạm Duy. Ông thường mượn một câu hoặc một cụm từ để trong bài thơ, bài hát để vẽ. Chẳng hạn, bài Tình ca của Phạm Duy, Phạm Cung vẽ các bức từ những câu hát như: Một yêu câu hát Truyện Kiều/Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta; Tôi yêu biết bao người. Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa; Tôi yêu tiếng nước tôi… Hay trong bài Tình nghèo, ông vẽ các bức: Nhớ nhớ thuở nào, anh cày thuê; Giặc về ta đánh; Đừng chia rẽ đôi lứa mình…
Với điêu khắc, Phạm Cung chịu ảnh hưởng nhiều bởi văn hoá người Chăm. Với chất liệu đá, ông chỉ lấy ở Mỹ Sơn (Quảng Nam), còn đất thì lấy ở Châu Ổ (Quảng Ngãi). Ông cho biết đất này khi nung bằng phương thức truyền thống của người chăm sẽ cho ra màu cánh gián rất đẹp. Phạm Cung cũng từng nghiên cứu được kỹ thuật đúc đồng mới với nhiều ưu điểm như: đơn giản, không cần cốt sắt, liên tục giữ được nét chính không cần gọt sửa, khuôn chịu nhiệt cao... Những năm cuối đời ông vẫn làm thơ, vẽ tranh, tổ chức triển lãm và có cuộc sống bình yên bên gia đình.
Họa sĩ Phạm Cung sinh năm 1936 tại Quảng Ngãi. Ông qua đời vào trưa 5/12 tại nhà riêng, hưởng thọ 84 tuổi. Linh cữu của ông được quàn tại nhà riêng, đường Trần Cao Vân, quận Phú Nhuận. Lễ viếng bắt đầu từ 5/12. Ngày 9/12, linh cữu sẽ được hoả táng tại Bình Hưng Hoà.