Nước mắt đầy ắp các chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em mỗi khi đến phần loại thí sinh. Người đi tiếp thì mừng vui nhưng người rời cuộc chơi cũng không ít ấm ức. Do vậy, hành trình của các chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em cũng đầy tranh cãi. Những hành xử không đúng rất dễ khiến cuộc chơi truyền hình trở thành vết sẹo tuổi thơ khó lành.
Đọc E-paper
Nỗi buồn hay vết đau
So với mùa thi thứ nhất, Giọng hát Việt nhí mùa thứ hai không có "tâm thư” của người cha dẫn con đi thi, kể lại nhưng cái khổ của việc tham gia truyền hình thực tế, nhưng những tranh cãi không vì thế mà ít đi. Riêng chuyện "cứu" thí sinh của các huấn luyện viên cũng đã khiến dư luận "nổi sóng".
Cậu bé Đoàn Thế Lân được vào vòng trong dẫu chẳng nổi bật, hay cô bé Quỳnh Anh với biệt danh "bánh mình cháy" thực tài nhưng lại bị loại... đã tạo ra những tranh luận từ thí sinh, huấn luyện viên đến phụ huynh.
Chỉ cần có những nhận xét nghiêng về một phía nào đó, hay thể hiện chút ấm ức... là đã có thể "nên chuyện" với truyền thông. Vì điều này mà những phần công bố kết quả qua từng vòng thi luôn là phần "đáng sợ" nhất.
Ca sĩ Cẩm Ly, huấn luyện viên chiến thắng chương trình Giọng hát Việt nhí mùa thứ hai cho biết, chị rất sợ những khoảnh khắc công bố kết quả của chương trình bởi việc bị loại đồng nghĩa với nước mắt của các em. Đã không ít lần, nữ ca sĩ này phải công bố quyết định của mình thật nhanh và ngay sau đó là ôm và kéo các thí sinh của mình xuống sân khấu để khỏi ảnh hưởng đến sóng truyền hình trực tiếp.
Thất bại ở một cuộc thi dành cho người lớn cũng khiến thí sinh khó ngăn được nước mắt, huống gì là các em nhỏ. Tuy nhiên, theo ca sĩ này, phần đông bức xúc đều xuất phát từ... phụ huynh. Do vậy, để nỗi buồn của các em trôi qua hay trở thành vết đau lại phụ thuộc vào phụ huynh chứ không phải là ban tổ chức.
"Trong mắt cha mẹ, con mình lúc nào cũng là "nhất" nên việc cha mẹ có bức xúc với kết quả không tốt của con mình cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, khi thể hiện những bức xúc này trước mặt con trẻ đồng nghĩa với việc khoét sâu nỗi buồn của chúng", Cẩm Ly nhận định.
Kết quả các chương trình truyền hình thực tế thường khó mà thay đổi, theo nữ huấn luyện viên, cách tốt nhất hãy xem như đây chỉ là một sân chơi ngoại khóa, khép lại cuộc chơi cũng là hết khóa học để các tài năng nhí có thể trở lại đời sống thường nhật.
"Đánh cắp" tuổi thơ
Những ngày gần đây, thế giới "phát sốt" với Bobbi Boyden, cô bé 19 tháng tuổi nhưng đã là "gương mặt thân quen" của các cuộc thi tài năng ở Anh. Ban đầu là thi nhảy múa, sau là các cuộc thi sắc đẹp. Sở hữu gương mặt thiên thần, lại dạn sân khấu, sẽ chẳng có gì tranh cãi nếu Bobbi Boyden không được mẹ cho đánh son, đội tóc giả và nhảy nhót như người lớn tại một số cuộc thi.
Trường hợp của Bobbi Boyden không hiếm ở nước ngoài. Trường hợp của Thylane Lena-Rose Blondeau, một người mẫu chỉ 10 tuổi nhưng đã sở hữu những bức ảnh rất "gợi tình" ở Mỹ là một ví dụ. Truyền hình Nhật Bản mới đây cũng gây xôn xao khi công khai loạt ảnh của một mẫu nhí được gọi là "Lolita xứ Phù Tang". Dù mới 9 tuổi nhưng cô bé đã trang điểm và để tóc như một... thiếu phụ 32 tuổi.
Nhập khẩu các chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em về Việt Nam, nhà sản xuất trong nước dễ vô tình đưa những tài năng đến tình huống đánh đổi tuổi thơ của mình. Một năm sau ngày Giọng hát Việt nhí 2013 khép lại, Phương Mỹ Chi là cái tên đắt show nhất hiện nay.
Tần suất xuất hiện của tài năng nhí này không chỉ dày ở trong nước mà còn "bay show" sang tận nước ngoài. Tuy phát biểu rằng mình vẫn đảm bảo việc học nhưng so với bạn bè đồng trang lứa, rõ ràng Phương Mỹ Chi đã thiệt thòi hơn hẳn vì tuổi thơ không trọn vẹn.
Vì điều này mà nghệ sĩ, MC Thanh Bạch luôn khuyến cáo các tài năng nhí nên tiết chế dẫu có đạt được ngôi vị cao trong những sân chơi truyền hình. Thanh Bạch cho biết, ở trẻ nhỏ, tài năng là một quá trình thay đổi gắn liền với sự trưởng thành.
Như việc một ca sĩ nhí có chất giọng thiên phú nhưng không biết trau dồi và giữ giọng, "lạm phát" chuyện chạy show thì thời gian cũng sẽ làm mai một đi tài năng.
Minh chứng cho việc tài năng nhí tụt dốc không phải là hiếm. Tuy nhiên, mức độ lan truyền hình ảnh quá lớn từ các chương trình truyền hình đã khiến các em một bước thành "sao". Với việc chương trình này vừa kết sóng đã có chương trình khác thay thế thì việc khai thác tài năng nếu chẳng nhanh tay thì sẽ khó đuổi kịp thị hiếu công chúng.
Chính nghịch lý trên đã dẫn đến các nhà sản xuất lẫn phụ huynh chấp nhận cho con em "tỏa sáng" với công chúng một thời gian ngắn. Tuy nhiên, mấy ai biết chọn đúng điểm dừng?