Binh sĩ đứng gác tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine. Ảnh: Reuters |
Dẫn lời cảnh báo mạnh mẽ từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Washington Times cho biết "Ukraine - Nga đang 'đùa với lửa' khi thực hiện các vụ pháo kích nhằm vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia - hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Theo IAEA, hơn 10 vụ nổ đã làm rung chuyển nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia trong các ngày 19–20/11. Theo nhóm chuyên gia của cơ quan này có mặt ở hiện trường, các vụ tấn công như trên đã gây hư hại một số tòa nhà, các hệ thống và trang thiết bị tại nhà máy Zaporizhzhia.
"Báo cáo từ nhóm của chúng tôi ngày hôm qua và sáng nay vô cùng đáng lo ngại. Các vụ nổ xảy ra tại địa điểm của nhà máy điện hạt nhân lớn này là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Bất cứ ai đứng sau chúng cần phải dừng lại ngay lập tức. Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, các người đang đùa với lửa!", Reuters dẫn lời lãnh đạo IAEA Rafael Grossi.
Hãng tin TASS dẫn lời Renat Karchaa - cố vấn cho Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Năng lượng quốc doanh Nga Rosenergoatom cáo buộc lực lượng Kiev bắn 15 quả đạn pháo vào một cơ sở lưu trữ chất thải hạt nhân khô và một tòa nhà chứa nhiên liệu hạt nhân mới qua sử dụng của nhà máy Zaporizhzhia.
Ngược lại, Công ty năng lượng hạt nhân Energoatom của Ukraine tố quân đội Nga bắn ít nhất 12 quả đạn pháo vào cơ sở hạ tầng của nhà máy Zaporizhzhia. Energoatom nói Nga nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng cần thiết để khởi động lại các bộ phận của nhà máy, nhằm hạn chế nguồn cung điện cho Ukraine.
Vị trí nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia và thành phố Energodar ở miền nam Ukraine. Đồ họa: BBC. |
Dù phía Nga cho biết, hiện chưa có dấu hiệu bị rò rỉ phóng xạ sau các sự cố, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nga (Rosatom) Alexei Likhachev cảnh báo "nhà máy có nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân.
Cáo buộc chính phủ Ukraine sẵn sàng "chấp nhận một sự cố hạt nhân nhỏ" tại khu vực, ông Likhachev nói: "Đó sẽ là tiền lệ thay đổi vĩnh viễn lịch sử thế giới. Cần làm mọi thứ để không ai xâm phạm an ninh và an toàn của nhà máy điện hạt nhân".
Hậu quả ra sao nếu xảy ra sự cố hạt nhân?
Zaporizhzhia là một trong 10 nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới và là tổ hợp năng lượng nguyên tử lớn nhất châu Âu. Nơi này có 6 lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ, xây dựng từ năm 1984 và đến năm 1995 bắt đầu hoạt động với toàn bộ công suất. Trước thời điểm chiến sự Nga - Ukraine, Zaporizhzhia cung cấp 20% nhu cầu điện năng của toàn Ukraine.
Theo giới quan sát, một quả đạn pháo chệch hướng rất có thể sẽ để lại thảm họa khôn lường. Trên thực tế, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba từng cảnh báo nếu vụ nổ xảy ra tại Zaporizhzhia, hậu quả có thể hết sức tàn khốc, tồi tệ gấp 10 lần thảm họa Chernobyl năm 1986.
Nếu xảy ra sự cố ở Zaporizhzhia, khu vực xung quanh nhà máy và miền Nam Ukraine sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và sau đó 13 quốc gia có thể bị ảnh hưởng. Các hạt phóng xạ có thể bay đến tận biên giới nước Áo, cách nhà máy hơn 1.400 km, theo dự báo hướng di chuyển của các đám mây phóng xạ của Viện Khí tượng Thủy văn Ukraine.
Tuy nhiên, theo Amelie Stoetzel - Nghiên cứu sinh tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King's College London, "không thể đoán trước được chính xác hướng đi của phóng xạ". "Chúng tôi thực sự không biết đám khói (chứa chất phóng xạ) sẽ đi đâu. Nó thực sự có thể đi đến bất cứ đâu, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết", Stoetzel nói.
Và, do vị trí địa lý của nhà máy, phóng xạ có thể tấn công bất kỳ phần nào của châu Âu. "Zaporizhzhia nằm ở giữa lục địa. Vì vậy, bất kể gió thổi theo hướng nào, ai đó chắc chắn sẽ bị nhiễm bệnh", MV Ramana - Giáo sư tại Trường Chính sách công và các vấn đề toàn cầu của Đại học British Columbia, nói.
Nếu sự cố xảy ra, ngay sau đó, các chuyên gia cho biết hậu quả có thể là phải sơ tán trên diện rộng để thoát khỏi đám mây phóng xạ vô hình. Tuy nhiên, ảnh hưởng của rò rỉ phóng xạ có thể sẽ được cảm nhận trong nhiều năm.
Một số chuyên gia khác lại cho rằng, sự cố Zaporizhzhia rò rỉ phóng xạ sẽ tương tự với thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 tại Nhật Bản. Giáo sư Boris Zhuikov - chuyên gia nghiên cứu phóng xạ hạt nhân, nói: "Tôi cho rằng hệ thống làm mát dễ bị hư hỏng hơn và về nguyên tắc có thể xảy ra tai nạn nghiêm trọng, không phải ở cấp độ Chernobyl, mà có thể là một Fukushima, khi hạt nhân phóng xạ dễ bay hơi được giải phóng".
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, nhìn từ trên cao. Ảnh: Reuters. |
Nếu tiếp xúc với phóng xạ bị rò rỉ, sức khỏe của người tiếp xúc sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng nghiêm trọng và về lâu dài, khả năng mắc các bệnh ung thư đe dọa tới tính mạng sẽ tăng lên. Cũng vì lẽ đó mà chưa bao giờ những gia đình sống gần Zaporizhzhia lại lo sợ kịch bản tồi tệ nhất như hiện tại
Tại Enerhodar và Nikopol - 2 thành phố nằm gần Zaporizhzhia với khoảng 50.000 dân trước chiến sự, giờ còn rất ít người. Alexander Lifirenko - người dân ở Enerhodar, nói: "Tất nhiên chúng tôi lo lắng, không lo làm sao được khi sống ngay cạnh nhà máy hạt nhân này. Chúng tôi như ngồi trên thùng thuốc súng vậy".
"Thật đáng sợ. Đêm nào cũng xảy ra pháo kích. Ở Chernobyl có 1 lò phản ứng, nhưng ở đây có 6 lò, nếu xảy ra thảm họa thì sẽ rất khủng khiếp", Dmytro Shengyr - người dân Nikopol, nói. Hiện, chính quyền 2 thành phố đã triển khai xe di động quan trắc bức xạ khẩn cấp để đo mức độ bức xạ. Nếu nghi ngờ có rò rỉ, các biện pháp khi có tình huống xấu nhất sẽ được tính đến.