Tổng thống Mỹ: "Thế giới đối mặt rủi ro Ngày tận thế hạt nhân"

Bảo Quân| 07/10/2022 05:00

Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, thế giới đang lần đầu đối mặt với rủi ro "Ngày tận thế hạt nhân" cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, do chiến sự Nga - Ukraine.

Tổng thống Mỹ:

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

"Chúng ta chưa từng đối mặt với rủi ro xảy ra Ngày tận thế kể từ thời chính quyền Kennedy và khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Đây là lần đầu từ sau Chiến tranh Lạnh, thế giới đối mặt mối đe dọa trực tiếp từ vũ khí hạt nhân, nếu mọi thứ tiếp tục đi theo hướng hiện nay", ông Biden nói trong một sự kiện gây quỹ của đảng Dân chủ ở New York hôm 6/10/2022.

Theo Tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin "không nói đùa" khi cảnh báo sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân tại chiến trường Ukraine.

Các đồn đoán về hoạt động hạt nhân của Nga được đưa ra sau khi ông Putin ra lệnh tổng động viên một phần lực lượng dự bị, bổ sung 300.000 quân cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Lãnh đạo Nga đồng thời cảnh báo phương Tây rằng sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ "toàn vẹn lãnh thổ", gồm cả 4 tỉnh thuộc Ukraine mà Nga vừa sáp nhập.

AFP dẫn lời lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov - một đồng minh thân cận của ông Putin, cho biết Nga nên cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ trên chiến trường Ukraine. Kadyrov cũng chỉ trích các chỉ huy quân sự Nga sau hàng loạt thất bại, gần đây là việc Moskva rút khỏi thành phố Lyman.

Những lời đe dọa này đã khiến giới quan sát và quan chức phương Tây lo ngại về nguy cơ Nga sử dụng đầu đạn hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ trên chiến trường Ukraine. Theo giới phân tích, Nga sẽ "lợi bất cập hại" nếu sử dụng đầu đạn hạt nhân chiến thuật tại Ukraine.

Về phần mình, ông Biden cho rằng việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ cũng có thể dẫn đến "Ngày tận thế", khi đẩy xung đột leo thang vượt tầm kiểm soát. "Chúng tôi đang tìm cách phán đoán lối thoát của ông Putin khỏi tình hình hiện nay là gì", Tổng thống Mỹ nói thêm.

Đáng chú ý, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cách đây một ngày cho rằng, NATO nên tấn công phủ đầu để ngăn Moskva sử dụng vũ khí hạt nhân. Tại một hội nghị do Viện Lowy - viện nghiên cứu chính sách đối ngoại hàng đầu ở Australia tổ chức hôm 6/10, Giám đốc điều hành Michael Fullilove đã đặt câu hỏi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng liệu ông có tin khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chống Ukraine không, và muốn NATO làm gì hơn nữa để chặn Moskva sử dụng loại vũ khí này.

"NATO nên làm gì ư? Đó là loại bỏ khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Tôi một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế, như đã làm trước ngày 24/2, chúng ta cần tấn công phủ đầu để họ biết điều gì sẽ xảy ra nếu sử dụng vũ khí hạt nhân", ông Zelensky trả lời qua video.

"Đừng chờ đợi các cuộc tấn công hạt nhân của Nga. Hãy xem xét lại cách gây áp lực. Những gì NATO nên làm là xem xét lại trình tự gây áp lực với Nga", Tổng thống Ukraine nói thêm.

Phản ứng trước phát ngôn của ông Zelensky, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói bình luận của Tổng thống Ukraine "chẳng khác nào nỗ lực châm ngòi chiến tranh thế giới, có thể dẫn đến hậu quả tai hại không thể lường trước". Điện Kremlin kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và Anh, chú ý đến các tuyên bố của ông Zelensky và phải chịu trách nhiệm về lời nói của Tổng thống Ukraine.

Ông Peskov hôm 3/10/2022 cũng tuyên bố vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng dựa trên những cơ sở được nêu rõ trong học thuyết hạt nhân của Nga và chiến lược quân sự của Nga "không dựa trên cảm tính".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tổng thống Mỹ: "Thế giới đối mặt rủi ro Ngày tận thế hạt nhân"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO