Khi đi ngoài đường, tôi thấy những đống dưa hấu, thanh long cứ nằm la liệt hai bên lề. Gương mặt người bán thì tiều tụy và lo âu. Những cửa hàng bán đồ ngoại nhập chẳng còn bao nhiêu khách. Chỉ được an ủi đôi phần khi tôi bắt gặp một vài khách hàng đang lựa chọn các sản phẩm với nhãn mác Việt. Những hình ảnh ấy cứ thay nhau xuất hiện trước mắt tôi, nhưng sau tất cả tôi vẫn cảm thấy hy vọng cho những người dân Việt thân yêu.
Vòng quanh những khu chợ hay siêu thị, tôi thấy lượt khách mua sắm thưa thớt, chỉ lác đác đôi người phủ trên khuôn mặt tấm khẩu trang nhằm bảo vệ bản thân khi dạo quanh những nơi đông người. Khi tôi ghé vào siêu thị Coopmart trên đường Lê Hồng Phong, từ cô nhân viên đến anh bảo vệ, tất cả đều trang bị cho mình chiếc khẩu trang y tế, vừa an toàn cho bản thân, vừa tạo sự an tâm cho khách hàng.
Thế nhưng, đằng sau những chiếc khẩu trang y tế ấy lại tồn tại nhiều vấn đề. Nhiều người lợi dụng mùa dịch để tăng gia khẩu trang cao ngất ngưỡng. Một bộ phận khác lại cất giữ khẩu trang để buôn bán cho những cá nhân, tổ chức nào đó. Với bản thân tôi, trước giờ vẫn quen sử dụng khẩu trang y tế, tôi mong các doanh nghiệp có được những giải pháp thích hợp để khắc phục tình trạng thiếu hụt mặt hàng này.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần niêm yết giá để người tiêu dùng được yên tâm khi chọn mua sản phẩm. Và hơn cả, tôi hy vọng, các doanh nghiệp có thể phối hợp cùng Bộ Y tế để có thể phân phát, hướng dẫn tận tình cách sử dụng khẩu trang đúng đắn cho người dân ở những vùng xa xôi.
Đi dạo được vài vòng, khi dừng ở quầy hàng mì ăn liền, tôi bắt gặp một vài cô nội trợ cũng đang tìm mua cho mình những thùng mì thích hợp. Nhìn dáng vẻ sinh viên của tôi, một cô nội trợ vội hỏi: “Sinh viên tụi con hay ăn loại nào? Trước giờ cô toàn mua mì Hàn Quốc, nay thấy dịch đang ảnh hưởng ở bển nên cô cũng lo”.
Nghe những lời của cô, tôi cũng hơi buồn trong lòng vì sản phẩm Việt bị gạt sang một bên. Nhưng rồi tôi cố gắng giới thiệu vài mặt hàng, những sản phẩm tôi vẫn mua và sử dụng hằng ngày. Cô cảm ơn tôi rồi bỏ vào giỏ hàng hai thùng mì “3 miền - Bò rau thơm” và “Hảo Hảo - Chua cay”.
Chẳng phải là doanh nhân hay doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền, nhưng tôi vẫn thầm cảm ơn cô vì đã chọn mua sản phẩm của đất nước mình. Tôi hy vọng, các sản phẩm ấy có thể phù hợp với khẩu vị của cô và gia đình cô. Liếc nhìn giỏ hàng bên cạnh, những mặt hàng Việt khác cũng được cô chọn mua khá nhiều. Hy vọng rằng, cô chọn mua vì tin tưởng, chứ không vì mùa dịch mới trở về với những thứ quý giá và thân thương.
Hoàn tất việc mua sắm, tôi lên xe trở về phòng trọ. Ngang khúc cua vào hẻm, tôi dừng xe, mua vài kilôgram dưa hấu. Một ít thôi, nhưng tôi nghĩ mình đã góp phần vào việc giúp đỡ người Việt mua lấy hàng Việt trong những lúc khó khăn. Trở về căn phòng nhỏ, tôi bất ngờ hơn, khi người bạn chung phòng cũng mua về những quả dưa hấu tươi xanh đẹp mắt. Nhìn bạn, tôi biết bạn cũng có sự đồng cảm và muốn chia sẻ với người khác như tôi. Chúng tôi mong sao những doanh nghiệp, doanh nhân nào đó sẽ rộng tay trợ giúp bà con nông dân trong vụ mùa đầy thử thách này.
Từ lúc biết đến chương trình Người tiêu dùng viết thư cho doanh nghiệp - doanh nhân, tôi luôn để ý sự lựa chọn của mọi người xung quanh khi đến chợ hay vào siêu thị. Tôi mong chờ mọi người chọn lấy những sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam. Tôi mỉm cười khi thấy người mua và người bán trao cho nhau những sản phẩm Việt. Vui hơn cả khi tôi bắt gặp những vị khách du lịch nước ngoài cũng biết đến và chọn mua hàng Việt Nam. Ước mong sao, các doanh nhân và doanh nghiệp Việt luôn sát cánh và đồng hành cùng người dân Việt trên mọi nẻo đường. Dù mùa dịch Corona vẫn đang diễn biến phức tạp và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, nhưng tôi tin rằng người dân Việt mình sẽ đồng hành cùng nhau trong những khó khăn như lúc này.
(Bài dự thi Chương trình Doanh Nhân với Người tiêu dùng)