Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng tinh vi

Ý Nhi| 30/11/2019 06:00

Đối với những ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… hàng hóa giả mạo, không rõ xuất xứ còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng khi sử dụng.

Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng tinh vi

Tại diễn đàn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và vấn đề an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Công ty CP Phát triển Khoa học Công nghệ Vina (Vina CHG) tổ chức tại TP.HCM, ông Nguyễn Thành Danh - Phó trưởng Ban 389 Bình Dương, Cục Quản lý thị trường Bình Dương cho biết nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối chính hãng đang phải đối mặt với những phương thức tinh vi, phức tạp từ nạn hàng giả.

Bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, sự phát triển của các loại hình kinh doanh thông qua Internet càng khiến cho công tác quản lý kiểm soát và phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thêm khó khăn.

20191127-090051-7932-1574968429.jpg

Theo số liệu thống kê, trong 10 tháng qua, cả nước kiểm tra và xử lý gần 6.600 vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xử phạt hơn 19 tỷ đồng. Phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ kỹ thuật cao để đối phó với cơ quan chức năng.

Ông Trần Văn Dũng - đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, hàng giả xuất hiện ở tất cả mặt hàng, trên các lĩnh vực, được sản xuất ngày càng tinh vi. Do đó, công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gặp rất nhiều khó khăn. Cơ quan chức năng phải tìm những giải pháp, phương thức mới để đẩy lùi vấn nạn này hiệu quả hơn.

Theo ông Dũng, một trong những vấn đề mới xuất hiện là hàng giả nguồn gốc xuất xứ. Hiện nay, không những giả xuất xứ trong nước mà còn giả xuất xứ nước ngoài. Trong thương mại quốc tế hiện nay cũng xuất hiện hình thức giả xuất xứ qua nước thứ ba để không phải chịu thuế suất cao.

Để chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, ông Dũng cho rằng, ngoài những giải pháp đang được triển khai như phối hợp cùng doanh nghiệp xác minh thông tin về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, Tổng cục Quản lý thị trường cũng triển khai một số giải pháp theo tình hình thực tế hiện nay, đó là thông tin báo cáo điện tử. Bên cạnh đó, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba nhà gồm Nhà nước, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Vì vậy sự phát hiện, tố giác từ các tổ chức hay người dân sẽ là thông tin vô cùng quan trọng để cơ quan chức năng vào cuộc.

Ông Dũng cũng cho biết, Tổng cục đã có các giải pháp cụ thể ngăn chặn hàng giả, điển hình là mắt cổng thông tin điện tử. Theo đó, bất cứ một đội quản lý thị trường nào trên cả nước sau khi phát hiện, bắt giữ hàng giả có thể đưa toàn bộ thông tin lên để các đơn vị khác trong Tổng cục biết, từ đó tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động, số lượng của các đối tượng buôn bán hay làm hàng giả.

Bà Phạm Thị Đào - Giám đốc Công ty TNHH Mỹ phẩm Anh Đào cho rằng, để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp cần dán tem chống hàng giả cho từng sản phẩm. Cụ thể, hiện nay trên thị trường có Vina CHG là đơn vị chuyên tư vấn và cung cấp các giải pháp chống hàng giả toàn diện mang tính pháp lý cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành nghề. Giải pháp tem chống hàng giả do Vina CHG cung cấp đều ứng dụng công nghệ 4.0 và các doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ các dịch vụ phần mềm đi kèm để lưu trữ dữ liệu khách hàng, quản lý kho, quản trị hàng hóa lưu hành, chống bán lấn tuyến, lấn vùng, marketing… đặc biệt hỗ trợ hiệu quả trong công tác điều tra, xử lý hàng giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng tinh vi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO