Gọi vốn từ quỹ đầu tư: Gõ đúng cửa, tìm đúng người

TUYẾT NHUNG - PHÚC AN/Ảnh: QUÝ HÒA| 23/07/2012 02:50

Kêu gọi vốn là một chiến lược cần được xây dựng bài bản và lâu dài, chứ không đợi nước "đến chân mới nhảy".

Gọi vốn từ quỹ đầu tư: Gõ đúng cửa, tìm đúng người

Tiếp tục chuỗi hội thảo tương tác định kỳ hằng tháng do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức, “Gọi vốn từ quỹ đầu tư” là chủ đề của hội thảo tháng 7/2012 diễn ra sáng 19/7 tại Diamond Palace. Với năm vấn đề cốt lõi được đặt ra là: lý do, tiêu chí, quy trình, nền tảng và chiến lược của quỹ đầu tư đối với doanh nghiệp, mục tiêu của nhà tổ chức là trở thành cầu nối cho doanh nghiệp và quỹ đầu tư đến gần với nhau hơn.

Vốn kinh doanh luôn là vấn đề “nóng” mà hầu hết doanh nghiệp đều đặc biệt quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thử thách.

Qua một khảo sát nhỏ với các doanh nghiệp tham dự trong việc lựa chọn hình thức huy động vốn: Vay vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu, huy động vốn từ quỹ đầu tư hay huy động vốn đại chúng thông qua niêm yết trên thị trường chứng khoán, thì với thành phần tham dự hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lựa chọn huy động vốn phổ biến nhất là vay vốn ngân hàng, kế đến là kêu gọi quỹ đầu tư.

Ngoài đại diện các quỹ đầu tư như Dragon Capital, Vietnam Investment Group, Auxesia Holdings, SEAF, tham dự hội thảo còn có đại diện một số doanh nghiệp đã nhận được hỗ trợ từ quỹ đầu tư và đang kinh doanh thành công: Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - Chủ tịch HĐQT Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ và ông Nguyễn Đức Tài - Tổng giám đốc công ty Thế Giới Di Động.

Bà Mã Thanh Loan, Tổng giám đốc Auxesia Holdings khẳng định, tình hình thị trường vốn cho doanh nghiệp hiện nay đang đối mặt với rất nhiều khó khăn chưa có lời giải. Tuy vậy, vẫn có những doanh nghiệp đã huy động vốn thành công như tập đoàn Masan với hơn 1 tỷ đô. Các quỹ đầu tư với nguồn vốn từ nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam từ lâu, chưa phải là nguồn huy động vốn phổ biến cho các doanh nghiệp nhưng đã có nhiều thương vụ thành công.

Câu chuyện thành công của Thế Giới Di Động, đơn vị được Mekong Capital rót vốn giành được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Thành lập năm 2004 với số vốn ban đầu chỉ 2 tỷ đồng, sau khi nhận được khoản đầu tư 4,5 triệu đô la vào tháng 6/2007 từ Mekong Capital, đến nay Thế Giới Di Động đã là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại. Ông Tài cho biết, tại thời điểm đó, ông không có sự lựa chọn nào khác ngoài nguồn vốn từ quỹ Mekong Capital và rốt cuộc đây lại là sự lựa chọn sáng suốt.

Ông David Đỗ, Giám đốc điều hành Vietnam Investment Group nhận định, rủi ro khi đầu tư tại Việt Nam rất cao, ngành đầu tư cũng còn rất non trẻ. Các doanh nghiệp Việt mang tính gia đình cũng còn ái ngại sự tham dự của quỹ đầu tư vào điều hành doanh nghiệp.

Tại Mỹ, khi đầu tư, một khi đã thành công thì lợi nhuận cao gấp hàng nghìn lần so với số vốn bỏ ra, nhưng ở thị trường Việt Nam, điều này là rất khó. Vì vậy, các quỹ lớn khi đầu tư tại Việt Nam đều nhắm vào các doanh nghiệp đã vững mạnh, tập trung, kinh doanh có lãi, hoặc chỉ tạm thời gặp khó khăn về vốn, chứ không “mặn mà” lắm với đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, khi quỹ đầu tư đã đồng hành cùng doanh nghiệp thì không chỉ rót vốn mà còn hỗ trợ về IT và quản trị.

Video phần chia sẻ của ông David Đỗ - Giám đốc điều hành Vietnam Investment Group

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - Chủ tịch HĐQT Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ chia sẻ kinh nghiệm làm việc với quỹ đầu tư. Ở góc độ đơn vị nhận đầu từ, ông khẳng định, thứ mà quỹ đầu tư mua không phải là doanh nghiệp mà là đội ngũ lãnh đạo. Qua câu chuyện của Thế Giới Di Động, ông cho rằng, chính tầm nhìn, khả năng, tâm huyết của chủ doanh nghiệp là điều đã thuyết phục quỹ đầu tư. Về trường hợp của Hoàn Mỹ, ông tự nhận mình là “nhà đầu tư lãng mạn” với chuyên môn ngành y, ban đầu ông chỉ đầu tư, mở rộng bệnh viện đơn thuần là vì đam mê nghề nghiệp, mong muốn phục vụ cộng đồng.

Video phần chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - Chủ tịch HĐQT Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ

Giới thiệu về Dragon Capital - quỹ đầu đa ngành có mặt tại Việt Nam từ 1994, ông Lê Hoàng Anh - Giám đốc điều hành Quỹ cho biết,  hiện Dragon Capital quản lý lượng quỹ 1 tỷ đô la và tập trung đầu tư cho các công ty có doanh thu từ 10 triệu đô la trở lên. Các doanh nghiệp mà Dragon Capital quan tâm là những tổ chức phải đảm bảo yếu tố môi trường, pháp luật.

Theo ông Hoàng Anh, so với ngân hàng - với việc cung cấp nguồn vốn “lạnh lùng”, thì mối quan hệ giữa doanh nghiệp và quỹ đầu tư "thân thiết" hơn nhiều, vì quỹ đầu tư sẽ trung thành với doanh nghiệp từ 3-5 năm, và sau khi doanh nghiệp thành công thì mới thoái vốn. Ông cũng nhận định, đầu tư càng lớn thì thành công càng cao.

Video phần chia sẻ của ông Lê Hoàng Anh - Giám đốc điều hành Dragon Capital

Đại diện SEAF - quỹ đầu tư dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - bà Nguyễn Việt Quyên đã chia sẻ cụ thể với các doanh nghiệp tiêu chí, quy trình mà quỹ này đang áp dụng. Bà Quyên cho biết, quỹ này đầu tư từ 100.000 đến 2 triệu đô la Mỹ cho các doanh nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn mở rộng hoạt động nhằm tài trợ cho sự tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp.

Theo đó, SEAF sẽ cung cấp vốn tăng trưởng dưới dạng vốn trung gian (mezzanine investment) với những đặc tính sau: Là loại vốn rủi ro phần lớn không có tài sản thế chấp đảm bảo, với những đặc tính thanh toán giống nợ vay, kết hợp được những đặc tính hấp dẫn của vốn cổ phần và nợ vay nhưng không mang những bất lợi của 2 loại hình này; SEAF không yêu cầu quyền sở hữu một lượng cổ phần đáng kể hay đặt ra những điều kiện khó khăn về tài sản thế chấp; là những khoản đầu tư dài hạn với các điều kiện linh hoạt, thường gắn với dòng tiền và tình hình kinh doanh của công ty đối tác; được cơ cấu để bổ sung cho các loại vốn khác, nằm giữa nợ cao cấp và vốn cổ phần trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp; là loại vốn có chi phí ở mức trung gian giữa vốn vay ngân hàng và vốn cổ phần.

Video phần chia sẻ của bà Nguyễn Việt Quyên - đại diện SEAF

Về phía các doanh nghiệp quan tâm đến nguồn vốn đầu tư từ các quỹ, đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện, phụ kiện công nghiệp chia sẻ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn này. Ông tự đánh giá doanh nghiệp mình hội đủ các điều kiện như: là doanh nghiệp ngành sản xuất, khai thác thị trường ngách, doanh thu hàng năm trên 40 tỷ, nhưng vẫn không đáp ứng được những yêu cầu khắt khe từ quỹ. Theo ông, tiếp cận thông tin với các quỹ đầu tư cũng không hề dễ dàng.

Gỡ ngay vướng mắc này, đại diện các quỹ tham gia Hội thảo đã không ngần ngại trao đổi thông tin liên lạc, chia sẻ thông tin và bày tỏ luôn sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn. Đại diện các quỹ cũng tiếp tục giải đáp nhiều vấn đề cụ thể khác được các doanh nghiệp đặt ra.

Điều cốt lõi mà cả hai phía - quỹ đầu tư và doanh nghiệp đều tâm đắc là để kêu gọi vốn thành công, doanh nghiệp phải có khát khao và khả năng phát triển, đồng thời cả hai phía đều lấy sự phát triển này làm mục đích chung.

Doanh nghiệp cần đánh giá lại nhu cầu của mình cũng như "gõ đúng cửa" các quỹ đầu tư tiềm năng. Đặc biệt, kêu gọi vốn là một chiến lược cần được xây dựng bài bản và lâu dài, chứ không đợi nước "đến chân mới nhảy".

Một số hình ảnh của buổi hội thảo:

Từ phải sang: ông David Đỗ, ông Lê Hoàng Anh, bà Mã Thanh Loan.
Bà Nguyễn Việt Quyên - Đại diện quỹ SEAF
Đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gọi vốn từ quỹ đầu tư: Gõ đúng cửa, tìm đúng người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO