Tỷ giá trên thị trường khó đoán

Nguyễn Hoàng| 12/06/2019 08:31

Nhiều doanh nghiệp vẫn tin rằng Ngân hàng Nhà nước đang điều hành như năm 2018, đưa ra các chính sách không làm tỷ giá tăng mạnh và năm 2019 tỷ giá có thể chỉ tăng dưới 1%.

Tỷ giá trên thị trường khó đoán

Một số doanh nghiệp đã mua hợp đồng kỳ hạn ngoại hối để phòng ngừa rủi ro tỷ giá đến từ thương chiến Mỹ - Trung. Động thái này được số đông doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu cho là giải pháp hiệu quả nhằm giảm rủi ro tỷ giá trong tương lai. Nhiều doanh nghiệp vẫn tin rằng Ngân hàng Nhà nước đang điều hành như năm 2018, đưa ra các chính sách không làm tỷ giá tăng mạnh và năm 2019 tỷ giá có thể chỉ tăng dưới 1%.

Quan ngại tỷ giá có thể do những tác động nhất định từ thương chiến Mỹ - Trung là có cơ sở. “Đánh giá kinh tế thường niên năm 2018” của Đại học Kinh tế Quốc dân, xác nhận, việc nền kinh tế thế giới bị phân mảnh thành các thị trường riêng rẽ đã làm gián đoạn chuỗi thương mại và sản xuất trên toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu đã chững lại, năm 2018 chỉ tăng 4,2%, thấp hơn mức 5,2% của năm 2017.

Hai sức ép lớn đã khiến tỷ giá năm 2018 ở nước ta trong một số thời điểm biến động mạnh. Một là do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nên đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh. Theo đó, tỷ giá VND/USD năm 2018 có xu hướng tăng, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng như tỷ giá tự do tăng sát biên trên, đặc biệt là vào nửa cuối năm 2018. Hai là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đồng USD.

Với độ mở của nền kinh tế và cơ chế điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2018, giá trị VND tăng so với đồng tiền các thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam, như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, làm ảnh hưởng đến xuất khẩu và cán cân thương mại, đồng thời gây căng thẳng cho thị trường ngoại hối. Trong 6 tháng cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước phải bán ròng khoảng 3,7 tỷ USD để để giữ ổn định tỷ giá.

Một điểm đáng chú ý, thặng dư thương mại của Việt Nam năm 2018 là 7,2 tỷ USD, chiếm khoảng 2,97% GDP, nhưng cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu phần lớn là của khu vực FDI, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu và 60% tổng giá trị nhập khẩu, đồng thời đóng góp chính đến thặng dư thương mại cho nền kinh tế.

Trong khi năm 2018, khu vực nội địa nhập siêu 25,6 tỷ USD thì khu vực FDI xuất siêu 32,8 tỷ USD. Điều này phản ánh thực tế vai trò của doanh nghiệp trong nước còn yếu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Như vậy, sự ổn định về tỷ giá năm 2018 có được là do ngoài sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước, cần phải kể đến những hỗ trợ từ thị trường và cung ngoại tệ dồi dào do lượng vốn FDI giải ngân và lượng vốn đầu tư nước ngoài qua kênh gián tiếp tăng mạnh.

Những tính toán của các chuyên gia kinh tế cho thấy áp lực tỷ giá là lớn cho năm 2019, thậm chí có xu hướng tăng khi thương chiến Mỹ - Trung không có dấu hiệu “giảm nhiệt”. Thế nhưng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - bà Nguyễn Thị Hồng, tháng trước tại một hội thảo về phát triển ngành ngân hàng, vẫn khẳng định, tỷ giá VND/USD chỉ biến động khoảng 2% trong năm 2019. Bà cũng nói Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất và tỷ giá một cách linh hoạt, phù hợp với nền kinh tế và có đầy đủ công cụ sẽ can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết.

Tuy nhiên, những trấn an của bà Phó thống đốc đã không xua tan được những quan ngại về tỷ giá khi thị trường có thêm những diễn biến mới. Giá bán USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 40 đồng trong phiên giao dịch ngày 8/5/2019, chạm mức 23.428 đồng/USD, cao hơn mức giá bán USD tại thị trường tự do. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước dường như chưa tính hết những thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt lớn hơn nhiều so với năm 2018.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tính trên GDP của Việt Nam hiện đã ở mức 200% GDP, cao nhất so với các nước trong khu vực, phản ánh độ mở lớn của nền kinh tế  cũng như khả năng dễ bị tác động bởi các cú sốc kinh tế bên ngoài. Các chuyên gia kinh tế đang hối thúc một chính sách tiền tệ thích ứng và kịp thời để ứng phó với các biến động kinh tế thế giới cũng như cơ chế điều hành tỷ giá cần linh hoạt hơn nữa.

Việc giữ tỷ giá ổn định kéo dài trong bối cảnh các yếu tố gây sức ép ngày càng gia tăng có thể khiến việc xử lý tỷ giá càng về sau càng khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh đồng USD trên thị trường thế giới biến động khá mạnh và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày một khó đoán định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tỷ giá trên thị trường khó đoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO