Nợ nước ngoài của doanh nghiệp tư nhân chưa được quản lý đúng mức

Nguyễn Hoàng| 13/09/2019 06:00

Trong bối cảnh quy mô vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp (DN) đang tăng, tác động đến hàng loạt yếu tố vĩ mô của Việt Nam, Nhà nước cần sớm có cơ chế, chính sách phù hợp - Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định.

Nợ nước ngoài của doanh nghiệp tư nhân chưa được quản lý đúng mức

* Vay nợ nước ngoài của DN tư nhân tăng lên, ông nói gì về điều này ?

- DN tư nhân vay nợ nước ngoài, về nguyên tắc là tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm về khoản vay của mình. Việt Nam đã mở cửa hội nhập, DN tăng vay nợ và vay được, cho thấy DN Việt đã không chỉ tiếp cận với thị trường hàng hóa, dịch vụ như trước đây, mà còn tiếp cận với thị trường tài chính, tín dụng ngân hàng của các nước trên thế giới. Đây là điểm tích cực trong câu chuyện đi vay nợ nước ngoài của khối DN tư nhân.

* Nhưng việc DN tăng vay nợ nước ngoài cũng tác động đến an ninh tài chính quốc gia?

- Tốc độ vay nợ nước ngoài của DN tăng lên, chắc chắn làm tăng nghĩa vụ nợ nước ngoài của Việt Nam, kéo theo một số rủi ro cho an ninh tài chính, do đây là vấn đề chưa được quản lý một cách đúng mức. Thực tế đang đặt ra vấn đề quản lý nguồn ngoại tệ này như thế nào trong tổng thể quản lý ngoại tệ chung khi DN tăng vay nợ nước ngoài, dẫn đến một luồng ngoại tệ lớn đang và sẽ vào Việt Nam.

Hiện quản lý ngoại hối của Việt Nam vẫn chủ yếu thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Trong khi đó, quy mô luồng vốn vay ngoại tệ ngày một lớn, chắc chắn sẽ tác động đến điều hành tỷ giá hối đoái của Việt Nam, thậm chí có thể không theo định hướng quản lý của Nhà nước. Giả định, khi DN tăng vay nước ngoài một lượng vốn lớn trong bối cảnh VND lên giá hoặc ngược lại, sẽ tác động trực tiếp đến điều hành tỷ giá.

Các khoản vay nước ngoài là phải trả, nhưng việc DN trả nợ sẽ gia tăng sức ép lên thị trường ngoại hối của Việt Nam. Lúc này, nếu cơ quan quản lý không lường trước hoặc không có sẵn kế hoạch, có thể gây biến động trên thị trường ngoại hối. Thêm nữa, điều hành lãi suất nội tệ chắc chắn chịu tác động trong bối cảnh huy động ngoại tệ theo quy định là lãi suất 0%.

Như vậy, trong một chừng mực nhất định, nếu các DN tư nhân đẩy mạnh hơn việc vay nước ngoài và vay được, chắc chắn sẽ gây ra sức ép cạnh tranh giữa thị trường vay mượn bên ngoài với thị trường tín dụng trong nước.

* Đang có hai luồng ý kiến: Chính phủ nên hay không nên siết chặt vay nợ nước ngoài của DN. Ý kiến của ông như thế nào?

- Nên khuyến khích DN vay vốn nước ngoài. Việc DN tư nhân vay nước ngoài đã và đang tạo ra một sự liên thông giữa thị trường trong nước với các thị trường quốc tế, nổi bật là thị trường tài chính, tín dụng và vay mượn. Tuy nhiên, trong bối cảnh quy mô vay nợ nước ngoài của DN, đang tăng lên và triển vọng còn tăng hơn nữa trong thời gian tới, sẽ tác động đến hàng loạt yếu tố vĩ mô của Việt Nam, như tỷ giá hối đoái, điều hành tỷ giá, điều hành lãi suất, quản lý ngoại hối, Nhà nước cần sớm có cơ chế, chính sách phù hợp. 

Điểm cần lưu ý, sau giai đoạn bùng nổ đi vay nước ngoài như hiện nay, khả năng vi phạm hợp đồng trong tín dụng cũng sẽ có. Do đó, cần có ngay một khuôn khổ pháp lý về xử lý các tranh chấp, giúp DN đảm bảo được lợi ích của mình.

* Cảm ơn ông 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nợ nước ngoài của doanh nghiệp tư nhân chưa được quản lý đúng mức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO