Làn sóng “biến mất” của các thương hiệu Việt

26/11/2012 04:24

Việc doanh nghiệp phát triển hay ngừng hoạt động là quá trình sàng lọc tất yếu của kinh tế thị trường trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, làn sóng “biến mất” của các thương hiệu Việt trong thời gian qua là một vấn đề rất đáng lo ngại.

Làn sóng “biến mất” của các thương hiệu Việt

Việc doanh nghiệp phát triển hay ngừng hoạt động là quá trình sàng lọc tất yếu của kinh tế thị trường trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, làn sóng “biến mất” của các thương hiệu Việt trong thời gian qua là một vấn đề rất đáng lo ngại.

Phở 24 từng là một thương hiệu Việt mạnh nhưng đến nay đã được chuyển giao cho công ty JolliBee (Philippines)
Trong thời gian qua, có thể nói cộng đồng doanh nghiệp đã trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm 2012, đã có 40.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Tính chung hai năm 2011 và 2012, tổng số doanh nghiệp rời khỏi thị trường bằng 20 năm trước cộng lại. Và trong số gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì tỷ lệ thua lỗ cũng rất cao”.

Bà Vũ Kim Hạnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho rằng: "yêu cầu trụ vững của doanh nghiệp ngày càng trở nên cấp thiết, doanh nghiệp phải “chiến đấu” trong một bối cảnh mà chưa bắt tay vào sản xuất đã thấy thua kém ngay đối thủ vì chi phí vốn cao, lãi suất ngân hàng ở nước ta cao hơn nhiều lần so với lãi suất từ ngân hàng thế giới mà các công ty đa quốc gia hùng mạnh, sừng sỏ trên thị trường thế giới đang sử dụng'.

Doanh nghiệp Việt thua thiệt về mọi thứ từ hệ thống tài chính, kinh nghiệm quản trị đến chất lượng nhân sự. Hơn nữa, môi trường cạnh tranh không công bằng nên doanh nghiệp vừa và nhỏ thường phải chịu nhiều thiệt thòi.

Chính vì liên tiếp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên đến một giai đoạn nào đó không kham nổi, buộc doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường hoặc một số doanh nghiệp chọn phương án chuyển nhượng thương hiệu cho các tập đoàn đa quốc gia.

Đơn cử, công ty Tribico (thành lập năm 1992), từng là sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng mới đây chuyển quyền sở hữu cho Uni President (Đài Loan), phở 24 (thành lập năm 2003) là phở Việt chính hiệu với 60 chi nhánh trong nước và 20 chi nhánh ở châu Á nhưng hiện nay lại do công ty JolliBee (Philippines) là chủ.

Không chỉ có hai sản phẩm Việt kể trên mà nhiều sản phẩm khác như: Diana, Dạ Lan, P/S… dần dần đã chuyển giao công nghệ và thương hiệu cho các tập đoàn đa quốc gia nhằm tránh những khó khăn trong tình hình kinh tế khủng hoảng và nhiều biến động như hiện nay.

Chuyên gia Marketing Hoàng Tùng nhận định: "Việc doanh nghiệp phát triển hay ngừng hoạt động là quá trình sàng lọc tất yếu của kinh tế thị trường trên phạm vi toàn cầu. Nhưng làn sóng “biến mất” của các thương hiệu Việt” là một vấn đề rất đáng lo ngại, nó không chỉ đơn thuần nói lên sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp mà còn nói đến sự yếu kém của việc bảo vệ thương hiệu Việt".

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân dẫn đến việc thương hiệu Việt chưa thành công là do nhiều yếu tố: tâm lý sính ngoại, thiếu sự đầu tư chiến lược của Nhà nước, thiếu các công ty tư vấn đủ năng lực, thiếu sự liên kết, liên minh và thiếu sự hỗ trợ của truyền thông. Đồng thời, nhược điểm cố hữu của doanh nghiệp Việt là ít đoàn kết, nương tựa nhau cùng tiến trong cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh của mình, ông Lương Vạn Vinh - Tổng Giám đốc Công ty hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho biết: “Nếu như các doanh nghiệp đa quốc gia trong ngành hóa mỹ phẩm tung thật nhiều tiền để quảng bá sản phẩm bằng hàng loạt chương trình quảng cáo, tiếp thị rầm rộ trên truyền hình, siêu thị, công viên… thì Mỹ Hảo chỉ có một con đường duy nhất là tiếp thị trực tiếp, gắn bó tin cậy với người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm, giá cả phù hợp và mạng lưới bán hàng sát sao từng địa bàn. Và kết quả là thương hiệu Mỹ Hảo đã lớn mạnh sau mấy chục năm, được các công ty đa quốc gia “gõ cửa” đưa ra con số 30 triệu USD để mua lại. Nghe thật hấp dẫn, nhưng chúng tôi suy nghĩ lại và quyết định bỏ lại sau lưng cái giá hấp dẫn đó”.

Trong điều kiện khó khăn về sản xuất kinh doanh, thị trường ngày càng thu hẹp, cạnh tranh càng khốc liệt buộc doanh nghiệp phải có bước đột phá trong kinh doanh bằng cách đưa ra hàng loạt biện pháp để tự cứu mình như liên tục đưa ra mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường...

Trận chiến cạnh tranh hiện nay càng gay gắt, càng đòi hỏi doanh Việt thay đổi rất nhiều. Bản thân các doanh nghiệp phải tự biết mình là những chiến binh trong cuộc chiến xây dựng thương hiệu và tranh giành thị trường. Từng doanh nghiệp cần nung nấu khát vọng chinh phục cháy bỏng, luôn có tinh thần sáng tạo, tạo ra được đội ngũ nhân lực sắc bén để thắng trong thương trường khốc liệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làn sóng “biến mất” của các thương hiệu Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO