Doanh nghiệp Nhà nước có thực sự giữ được vai trò chủ đạo?

Nguyễn Hoàng| 21/09/2019 06:00

Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), cổ phần hóa DNNN... có thực sự đưa các DNNN giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt nền kinh tế. Đó là vấn đề đặt ra trong bối cảnh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) được giao nhiệm vụ đánh giá thực hiện cơ cấu lại khu vực DNNN.

Doanh nghiệp Nhà nước có thực sự giữ được vai trò chủ đạo?

Trên thực tế, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại và thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp DNNN đã giúp giảm mạnh số lượng DNNN, từ khoảng 6.000 DN năm 2001, xuống 1.369 DN năm 2011 và 526 DN năm 2018. Cổ phần hóa, thoái vốn có khả năng hoàn thành về số lượng đến năm 2020, nhưng chắc chắn không hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng, mà mục tiêu “DNNN có cơ cấu hợp lý hơn” là một ví dụ. Việc chưa đạt mục tiêu thu hút đầu tư xã hội, dẫn tới vẫn phải duy trì cổ phần hóa Nhà nước ở mức cao, cũng như chưa thể rút vốn Nhà nước để đầu tư vào ngành, lĩnh vực cần tới vai trò của kinh tế Nhà nước.

Theo nguyên Viện trưởng CIEM, TS. Lê Xuân Bá, nước ta đã có nhiều nghiên cứu, báo cáo về DNNN ở các góc độ khác nhau. Theo ông, kinh tế Nhà nước, khu vực DNNN là quan trọng nhất nhưng hoạt động kém hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự không hiệu quả này, nhưng một nguyên nhân quan trọng là kỷ luật không nghiêm. Chính phủ đặt ra mục tiêu cổ phần hóa, nhưng nếu DNNN không cổ phần hóa được, không thoái được vốn, cũng không cá nhân nào bị xử lý. Cạnh đó, tính chuyên nghiệp trong DNNN là rất kém.

“Chúng ta tiêu tốn nhiều tiền của và công sức, cố gắng để DNNN là chủ đạo nhưng vẫn không làm được”, ông Bá nói. Theo ông Bá, một trong những vấn đề khiến Việt Nam loay hoay kể từ đổi mới đến nay và “nhận thức” là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến DNNN không hiệu quả. Nếu tiếp tục để kinh tế Nhà nước làm chủ đạo trong khi không làm được là sai ngay từ đầu. “Chúng ta không nên tiếp tục bị mắc kẹt vào sự giáo điều, không mắc kẹt vào tư duy cũ, cứ phải kinh tế Nhà nước làm chủ đạo”, ông Bá nói.

Kinh tế Nhà nước làm chủ đạo suốt quá trình tái cơ cấu DNNN. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc đánh giá lại, cần xác định rõ việc DNNN có thực sự làm được vai trò chủ đạo không? Với quá trình cải cách DNNN như vậy, DNNN có phải là lực lượng vật chất chủ yếu để thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước? DNNN có thực sự làm được vai trò tiên phong, dẫn dắt nền kinh tế? DNNN hoạt động như thế nào và có quyền tự chủ đến đâu? “Tôi nghĩ rằng, một thể chế, vừa kìm hãm kinh tế tư nhân, vừa không phát triển được DNNN, đang làm lùi kinh tế quốc gia, mà doanh nghiệp nội địa là lực lượng chủ yếu”, ông Cung nhận xét. Theo ông, đang có tình trạng bên tư nhân muốn được đối xử bình đẳng với DNNN, bên DNNN lại nói rằng chỉ mong được như bên tư nhân. Mọi người đều cảm thấy mình không được đối xử bình đẳng.

Quản trị DNNN sai về thiết kế gốc nên không thể có chuẩn mực. Nước ta có Luật 69/2014/QH13 quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, nhưng hơn 10 quyền trong đó là về chủ sở hữu, không phải của quản lý Nhà nước, theo ông Cung. Điều này, đang ràng buộc và chủ sở hữu can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, không đúng với một doanh nghiệp. Thiết kế hiện nay sai về nguồn gốc, cần được làm lại để DNNN có thể phát triển được.

Nhiều nước trên thế giới không để DNNN là chủ đạo, chỉ yêu cầu DNNN làm đúng chức năng, phận sự của DNNN, đó là điểm quan trọng. Muốn vậy, nếu nước ta chưa sửa được các nội dung cơ bản liên quan đến DNNN trong các văn bản luật liên quan vì một lý do nào đó, thì cố gắng giải nghĩa cụ thể hơn để ít nhất DNNN có thể hành động được. Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, ông Cung nói phải thay đổi để làm cho nguồn lực của nhà Nước lớn lên và không cản trở tư nhân. Điều này, có thể giúp nước ta đạt được tốc độ tăng trưởng 8-9% trong 10 năm tới, thay vì 5-6% như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Nhà nước có thực sự giữ được vai trò chủ đạo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO