Cần dựa vào các điểm cân bằng để quản lý dịch Covid-19, xã hội và kinh tế

TS. Nguyễn Viết Thịnh (*)| 14/10/2021 06:00

Dịch Covid-19 đợt thứ 4 ở nước ta nhìn chung đang dần được kiểm soát nhưng vẫn chưa bền vững, trong khi đất nước đang chuẩn bị chuyển sang trạng thái sống chung hài hòa với dịch nhằm hướng đến mục tiêu vừa kiểm soát được dịch đồng thời vừa phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Cần dựa vào các điểm cân bằng để quản lý dịch Covid-19, xã hội và kinh tế

Hình ảnh 2 cha con đang tập thể dục hướng ánh nhìn về sông núi cũng có thể biểu tượng cho cuộc sống hài hòa, sống với thực tại và hướng về tương lai

Ba điều đáng sợ nhất của đợt dịch Covid-19 thứ 4

Nếu chọn ba điều đáng sợ nhất mà đại dịch Covid-19 gây ra trong đợt dịch này thì đó là:

Thứ nhất, người mắc bệnh nặng chết nhanh với số lượng hàng chục ngàn chỉ trong vài tháng, chết cô độc vì không có người thân bên cạnh trước lúc lìa đời…

Thứ hai, tình trạng lockdown kéo dài không khác gì bị giam lỏng tạo ra bức xúc, stress, trầm cảm,… cho nhiều người trong khu vực đó.

Thứ ba, sinh kế của người dân, hoạt động của doanh nghiệp cũng như kinh tế địa phương ở vùng dịch và cả vùng không dịch lân cận bị đình đốn, khủng hoảng nặng nề …

Điều đáng sợ thứ nhất liên quan lĩnh vực y tế đã sinh ra điều đáng sợ thứ hai liên quan lĩnh vực xã hội (dòng người tự phát chạy xe máy từ vùng dịch về quê ở miền Tây, Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc là minh chứng) và điều đáng sợ thứ hai dẫn đến điều đáng sợ thứ ba liên quan lĩnh vực kinh tế (kinh tế VN tăng trưởng âm hơn 6% trong qúy III là minh chứng).

Như vậy nếu giải quyết được điều đáng sợ thứ nhất một cách thuyết phục, hiệu quả thì sẽ không còn hai điều đáng sợ kia !

Trong ba đợt dịch trước, tỷ lệ người chết trên tổng số F0 ở Việt Nam chỉ gần 0,1% (tương đương Singapore hiện nay khi nước này đã có trên 80% người tiêm đủ vaccine và đang sống chung với dịch). Tuy nhiên đến đợt dịch lần thứ 4 thì thống kê cho thấy tỷ lệ người chết trên tổng số F0 ở Việt Nam khoảng 2,5 %, cao gấp 25 lần so với trung bình ba đợt dịch đầu và cao hơn bình quân của thế giới 0,4%. 

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân bệnh nhân tử vong với tỷ lệ cao trong đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam chủ yếu do quá tải hệ thống y tế từ tuyến cơ sở đến tuyến hồi sức tích cực. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân là sự phối hợp giữa "5 tầng điều trị" cho bệnh nhân còn thiếu nhịp nhàng.

Chủ trương sống chung, thích ứng một cách hài hòa với dịch Covid-19 để bảo đảm ổn định xã hội và phát triển kinh tế đã được Chính phủ khẳng định. Vấn đề đặt ra là cần xác định được đâu là điểm cân bằng cốt lõi mang tính quyết định và đâu là những điểm cân bằng thứ cấp, tác động trực tiếp đến điểm cân bằng cốt lõi để trên cơ sở đó việc quản lý dịch Covid-19 nói riêng và quản lý xã hội, kinh tế nói chung đạt hiệu quả cao?

12-10-pic-5-1863-1634012585.jpg

"Điểm cân bằng cốt lõi chính là số lượng bệnh nhân vừa và nặng phải nhập viện cân bằng với năng lực điều trị của ngành y tế"


Dựa vào điểm cân bằng cốt lõi để đưa ra các chính sách phòng, chống dịch thích hợp

Điểm cân bằng cốt lõi chính là số lượng bệnh nhân vừa và nặng phải nhập viện cân bằng với năng lực điều trị của ngành y tế trong một phạm vi nhất định.

Hiện nhiều nước đã chọn tiêu chí số người nhập viện, số giường bệnh tích cực, số người chết là những tiêu chí quan trọng nhất trong việc đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 một cách hài hòa, theo tinh thần sống chung với dịch. Điểm cân bằng cốt lõi được đề xuất cũng tiếp cận theo tinh thần trên.

Một khi số lượng bệnh nhân nặng và vừa phải nhập viện ít hơn năng lực điều trị của ngành y tế, hay nói cách khác là số lượng bệnh nhân chưa đạt đến điểm cân bằng cốt lõi thì cơ quan có thẩm quyền chưa cần ban hành thêm giải pháp mạnh để phòng chống dịch và ngược lại ...  

Điểm cân bằng cốt lõi là kim chỉ nam, cũng là lằn ranh đỏ để các địa phương trong một tỉnh hay các tỉnh trong một vùng, liên vùng căn cứ vào đó để quyết định nhanh chóng giải pháp phòng, chống dịch nào thích hợp và hiệu quả nhất trong từng khoảng thời gian nhất định.

Nhằm hướng đến mục tiêu số lượng bệnh nhân nhập viện thấp hơn năng lực điều trị của ngành y tế thì bên cạnh giải pháp tiêm vaccine cho người dân tỷ lệ càng cao càng tốt và ý thức tự giác của người dân (như tuân thủ 5 K …), Chính phủ cần có thêm các công cụ kiểm soát, điều chỉnh tương ứng với các điểm cân bằng thứ cấp. Cụ thể như sau:

Điểm cân bằng thứ cấp 1: số lượng F0 không triệu chứng hoặc nhẹ cân bằng với năng lực điều trị của y tế cơ sở (bao gồm các trạm y tế lưu động với đầy đủ trang thiết bị y tế cần thiết) với trách nhiệm hỗ trợ chăm sóc tận tình bệnh nhân tại nhà hoặc ở bệnh viện dã chiến tầng 1.

Khi số lượng F0 ở cơ sở tăng thì năng lực điều trị của y tế cơ sở cũng cần phải tăng theo nhằm đáp ứng kịp thời. Thực hiện tốt điều này sẽ làm giảm đáng kể số lượng F0 từ nhẹ chuyển nặng hơn đến mức phải nhập viện, từ đó góp phần giảm tỷ lệ tử vong.

Điểm cân bằng thứ cấp 2: Yêu cầu xét nghiệm diện rộng với tốc độ nhanh hơn tốc độ lây nhiễm của biến thể Delta cân bằng với năng lực xét nghiệm.

Qua xét nghiệm tầm soát định kỳ, nếu phát hiện khu vực nào đó có số F0 tăng đột biến, có nguy cơ phá vỡ điểm cân bằng cốt lõi trong một phạm vi nhất định thì nhanh chóng khoanh vùng và tiến hành xét nghiệm diện rộng với tần suất 3 lần/7 ngày để kiểm soát F0 mà không cần phải giãn cách hay phong tỏa. 

- Điểm cân bằng thứ cấp 3: Những gia đình F1 không đáp ứng được điều kiện cách ly an toàn tại nhà cân bằng với không gian cách ly tập trung F1.

Đa số F1 được cách ly tại nhà riêng với sự hỗ trợ, giám sát của y tế cơ sở. Chỉ những gia đình không bảo đảm điều kiện cách ly cũng như không an toàn cho cộng đồng xung quanh thì mới cần cách ly tập trung trong không gian thích hợp, thoáng khí, bảo đảm không lây nhiễm chéo, từ đó góp phần giảm F0, giữ an toàn từ xa cho điểm cân bằng cốt lõi. 

Không gian cách ly F1 không nên trưng dụng các cơ sở công lập như bấy lâu (vì các cơ sở này phải được hoạt động bình thường) mà cần được xây dựng ở những nơi phù hợp, chẳng hạn như khu vực ngoại thành, nông thôn …

12-10-pic-3-5786-1634012585.jpg

"Quản lý y tế nói riêng và xã hội nói chung cũng cần phải được đặt cân bằng với sinh kế của người dân"

Ngoài các điểm cân bằng thứ cấp như trên thì cần phân bổ lại mật độ dân cư và tạo không gian sống và làm việc xanh thoáng; người dân tích cực tập luyện thể dục thể thao để nâng cao khả năng miễn dịch; tăng cường đội ngũ y bác sĩ gia đình, y tế dự phòng; … cũng là những nhân tố rất quan trọng cho mục tiêu giữ được điểm cân bằng cốt lõi một cách bền vững. 

Tuy nhiên thiết nghĩ đây là những nhân tố không dễ thực hiện trong ngắn hạn mà cần được các cấp có thẩm quyền định hướng chiến lược và xây dựng kế hoạch thực thi phù hợp trong điều kiện của nước nhà.

Thống nhất nguồn lực y tế ở cấp vùng, liên vùng cũng nên được Chính phủ, Ban chỉ đạo cấp vùng ra chủ trương và sớm đạt được với sự chủ động phối hợp về y tế giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng kế cận nhau. Làm tốt việc này thì các điểm cân bằng cốt lõi sẽ được ổn định bền vững hơn vì có sự thông thương, chia sẻ nguồn lực y tế giữa các tỉnh trong vùng hay liên vùng… 

Dịch bệnh Covid-19 tuy rất nguy hiểm nhưng sau gần 2 năm xuất hiện, nhân loại đã tích lũy sự hiểu biết, kinh nghiệm cũng như đã có vaccine làm giảm nhẹ triệu chứng, nên đã đến lúc Covid-19 cần được xem giống như các loại bệnh khác, đặc biệt không thể gạt các bệnh nan y như ung thư, tim mạch, tiểu đường, suy thận...với tỷ lệ tử vong cao sang một bên như thời gian bùng phát đợt dịch thứ 4. 

Quản lý y tế nói riêng và xã hội nói chung cũng cần phải được đặt cân bằng với sinh kế của người dân, sinh tồn của doanh nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế địa phương cũng như cả nước nói chung…

(*) Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Tiền Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần dựa vào các điểm cân bằng để quản lý dịch Covid-19, xã hội và kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO