Giới trẻ góp ý, đề xuất phát triển AI

Hồng Như| 13/01/2022 00:00

Xây dựng trung tâm dữ liệu, thành lập quỹ đầu tư cho sinh viên nghiên cứu khoa học về công nghệ thông tin (CNTT), nhất là về trí tuệ nhân tạo (AI) và cách ứng dụng hiệu quả CNTT là nội dung được đề xuất trong chương trình lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ sinh viên tiêu biểu lĩnh vực CNTT và AI ngày 30/12/2021 vừa qua.

Giới trẻ góp ý, đề xuất phát triển AI

Ứng dụng CNTT trong dịch Covid-19

Bạn Kiều Trung Tín - sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, tổng đài này nói riêng và CNTT nói chung đã kết nối người dân và các tổ chức, chính quyền trong thời gian giãn cách phòng, chống dịch Covid-19. "CNTT là công cụ giúp các tổ chức, chính quyền hỗ trợ kịp thời cho những người gặp khó khăn trong đại dịch, đồng thời mang đến nhiều giá trị về tinh thần cho người dân. Bởi lẽ, tinh thần đồng lòng, chia sẻ lúc gian nguy là truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của người Việt", bạn Tín chia sẻ.

Hiện nay, có nhiều ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, có một số ứng dụng được sử dụng phổ biến như PC-Covid - hệ thống quản lý tờ khai y tế, cập nhật tình hình sức khỏe của cá nhân và cho phép người dân cập nhật tình hình sức khỏe của bản thân và gia đình thông qua việc khai báo y tế, ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh (VHD), hệ thống ghi nhận người đến và đi (QR-Code) tại công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ, cơ sở lưu trú, nhà hàng, hệ thống bán sản phẩm chống dịch. Những ứng dụng này đã và đang được đông đảo người dân, tổ chức, cơ quan, đơn vị ở TP.HCM áp dụng có hiệu quả, trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong phòng, chống dịch trên địa bàn.

Bạn Hồ Quốc Hùng - sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM đặt vấn đề với lãnh đạo thành phố: "Với thực tiễn và những kết quả đạt được của mạng lưới, có thể thấy rằng việc ứng dụng CNTT vào phục vụ đời sống của nhân dân là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để mang tới một hệ thống vừa có khả năng đáp ứng được nhu cầu của người dân, vừa an toàn, đảm bảo các thông tin cá nhân không bị rò rỉ là vô cùng khó khăn".

Ghi nhận ý kiến ấy, ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói: "Hiện thành phố đang quyết tâm xây dựng hệ sinh thái phục vụ quá trình phát triển AI, trong đó có cơ sở dữ liệu dùng chung và cơ sở dữ liệu mở. Chúng tôi đang nỗ lực làm cho đưa cơ sở dữ liệu này giàu lên để trước mắt phục vụ các thầy cô và chuyên gia nghiên cứu, sau là ứng dụng các thành quả nghiên cứu hướng đến phục vụ, tạo tiện nghi cho người dân và nâng cao năng suất phục vụ cho cả hệ thống chính trị của thành phố”.

Đề xuất hỗ trợ sinh viên nghiên cứu AI

Trong những năm qua, việc nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT, nhất là AI của sinh viên Việt Nam đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, các bạn thừa nhận rào cản lớn nhất trong việc nghiên cứu là thiếu kinh phí.

Bạn Trần Lê Bá Thịnh - sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM đề xuất chương trình giúp đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư và có thể đạt được những kết quả như mong đợi. Trong đó, sinh viên không chỉ được tham gia vào các dự án nghiên cứu, mà còn được đào tạo kiến thức nền tảng để phục vụ quá trình nghiên cứu. Đồng thời, các bạn sẽ được làm việc cùng một hoặc nhiều người hướng dẫn là những chuyên gia chuyên ngành trong từng lĩnh vực. Sau khi đã được trang bị đủ kiến thức chuyên ngành, các bạn sẽ được người hướng dẫn định hướng về đề tài nghiên cứu phù hợp. Nhìn chung, với mô hình này, sinh viên sẽ được hướng dẫn và rèn luyện trực tiếp từ các chuyên gia, từ đó đảm bảo chất lượng của các công trình nghiên cứu, công bố ở các tạp chí khoa học uy tín hay có tính ứng dụng cao vào đời sống.

Để tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu cũng như có đầy đủ thông tin hỗ trợ người dân và bộ máy quản lý, các bạn sinh viên còn đề xuất thành phố xây dựng trung tâm dữ liệu với hai hình thức. Thứ nhất là đóng góp và chia sẻ đề tài giữa các nhà nghiên cứu. Hình thức này khuyến khích các nhà nghiên cứu đóng góp những bộ dữ liệu đã nghiên cứu để các nhóm nghiên cứu khác tận dụng. Đây cũng là cơ hội để các nhóm nghiên cứu trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm về quá trình nghiên cứu và xử lý từng bộ dữ liệu. Thứ hai là hợp tác với các tổ chức khác để chia sẻ cơ sở dữ liệu. Cụ thể như hợp tác với bệnh viện để thu thập bộ dữ liệu phục vụ cho quá trình nghiên cứu và ứng dụng AI vào y tế. Đây cũng là một hướng tận dụng dữ liệu có sẵn của thành phố để phát triển nền tảng AI.

PGS-TS. Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ: "Trong chiến lược đào tạo của Đại học Quốc gia, chúng tôi tập trung vào lĩnh vực AI. Hiện chúng tôi đang xây dựng hệ thống kết hợp giữa kiến thức, nghiên cứu mới nhất ở trong và ngoài nước, đồng thời tạo môi trường cho sinh viên thử nghiệm các nghiên cứu và công nhận kết quả các bạn thực tập, làm việc tại doanh nghiệp cũng như tìm kiếm nguồn đầu tư tư nhân hỗ trợ các nghiên cứu. Đây là mô hình linh hoạt, uyển chuyển dựa theo xu hướng chuyển đổi số”.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM giao nhiệm vụ cho các sở ban ngành có liên quan tiếp thu ý kiến của sinh viên và triển khai các chương trình, mô hình phù hợp để thúc đẩy việc ứng CNTT trong cộng đồng và nâng cao hiệu quả nghiên cứu về AI trong học sinh, sinh viên. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giới trẻ góp ý, đề xuất phát triển AI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO