Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (các bộ, cơ quan trung ương) và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các địa phương) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao danh mục, mức vốn ngân sách trung ương bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho từng dự án, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Về triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương căn cứ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, danh mục dự án và mức vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công chi tiết danh mục dự án và mức vốn ngân sách trung ương bố trí cho từng dự án, nhiệm vụ theo quy định bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư công.
Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương sử dụng, huy động các nguồn vốn khác để đầu tư hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án chưa bố trí đủ vốn ngân sách trung ương trong tổng mức đầu tư được duyệt, chưa rõ cơ cấu nguồn vốn trong chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các dự án trọng điểm, có tính kết nối, liên vùng chưa bố trí vốn ngân sách địa phương; không đề xuất bổ sung thêm vốn ngân sách trung ương ngoài số vốn ngân sách trung ương đã được giao cho bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư cho các dự án này.
Chủ động đề xuất sử dụng vốn ngân sách trung ương đã được giao kế hoạch (không bao gồm số vốn ngân sách trung ương đã bố trí để thu hồi vốn ứng trước cho danh mục dự án kèm theo quyết định này, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án có tính kết nối, liên vùng, đường ven biển) và nguồn vốn hợp pháp để bố trí thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước của danh mục dự án chưa được tổng hợp, báo cáo trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và không được cấp có thẩm quyền cho phép hoãn ứng trước (nếu có).
Căn cứ khả năng cân đối vốn hằng năm, ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp; chỉ bố trí vốn cho các dự án khởi công mới sau khi đã bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp đã quá thời hạn bố trí vốn theo quy định nhằm hoàn thành sớm các dự án này, phát huy hiệu quả đầu tư, giảm tối đa thời gian bố trí vốn của dự án.
Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương khẩn trương thực hiện giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 trước ngày 30/9/2021 cho các dự án khởi công mới, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định; điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 đối với các dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo quy định tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội.
Về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo HĐND cùng cấp phân bổ và giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn cân đối ngân sách địa phương bảo đảm các nguyên tắc, tiêu chí sau:
- Việc phân bổ vốn phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của quốc gia, ngành, lĩnh vực địa phương; quy hoạch tỉnh, vùng, ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Việc phân bổ vốn phải bảo đảm tuân thủ các quy định, nguyên tắc, thứ tự ưu tiên của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan.
- Bám sát mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, huy động tối đa nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; cơ cấu lại nền kinh tế, các đột phá chiến lược; bố trí vốn tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục triệt để tình trạng phân tán, dàn trải, kéo dài; giảm tối đa các dự án khởi công mới và kiểm soát chặt chẽ thời gian bố trí vốn hoàn thành dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
- Quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phân cấp trong quản lý đầu tư công, tập trung đầu tư các nhiệm vụ, chương trình, dự án thuộc ngành, lĩnh vực ưu tiên; tuân thủ thứ tự bố trí vốn theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan; kiên quyết xóa bỏ “cơ chế xin cho”, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm và thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
- Các địa phương được bố trí vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 phải cam kết bố trí phần vốn còn thiếu từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ. Trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án so với tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư trung hạn, địa phương phải tự cân đối vốn để hoàn thành dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.