Con vào năm học mới

Hà Nguyễn| 02/09/2019 07:00

Một ý tưởng mới, lối sống mới, cách cư xử mới... mà nghiêng theo hướng tích cực, tốt cho mọi người, thì đấy đích thị là cách sống mới. Một ý tưởng mới, lối sống mới, cách cư xử mới... mà xa rời lợi ích cộng đồng thì cũng là cũ.

Con vào năm học mới

Con vào năm học mới, tất cả đều phải mới. Cặp mới, vở mới, quần áo mới... Sếp nói về con gái của sếp như thế. Và hỏi tôi rằng, liệu những điều đó có nên đáp ứng không. Tôi trả lời, nếu có điều kiện thì cũng nên cho con mình đồ mới. Sếp lại bảo, việc sắm sửa đồ mới với một cô bé học lớp 9, với điều kiện của sếp và đa số người làm công, ăn lương ở mức trung bình bây giờ, thật ra không phải là điều không thể. Nhưng sếp lại nghĩ đến những điều khác.

Chiếc cặp mới mua năm học lớp 8 vừa rồi của con gái sếp còn chưa kịp cũ. Quần áo cũng còn tinh tươm, thế sao lại phải mua đồ mới? Con gái sếp phụng phịu trả lời với cha, chỉ là để mới thôi, mới cho “hên”. Cha bảo, món nào mình còn dùng được thì nên tiếp tục dùng. Chuyện bỏ đi ấy là một sự lãng phí. Con gái sếp bảo, không lãng phí, con sẽ dùng những món đồ cũ ấy để cho bạn nghèo.

Sếp bảo con gái, con người không phải “mới” khi dùng đồ mới. Chuyện “mới, cũ” của một con người không hoàn toàn phụ thuộc vào hình thức bên ngoài. “Mới, cũ” là do ở trong tâm. Một ý tưởng mới, một lối sống mới, một cách cư xử mới... mà nghiêng theo hướng tích cực, theo hướng tốt cho mọi người, thì đấy đích thị là cách sống mới. Một ý tưởng mới, một lối sống mới, một cách cư xử mới... mà xa rời lợi ích cộng đồng thì cũng là cũ. Ở một khía cạnh khác, chuyện hên xui cũng do hoàn cảnh, chứ không phải xài cặp mới, mặc quần áo mới rồi... hên. Con gái xài cặp mới, mặc quần áo mới mà không siêng năng, chuyên tâm học hành thì suy ra cũng khó kiếm điểm mười. Con gái xài lại đồ cũ của năm học trước mà siêng năng, giỏi giang thì đó cũng chẳng phải là điều quá hên hay sao!

Về chuyện chăm chăm dùng đồ cũ còn dùng được của con gái để cho bạn nghèo, sếp tôi cũng không đồng ý với ý kiến của con gái. Sếp quan niệm, không cho thì thôi, đã cho là phải cho đồ mới. Vật phẩm cho, tặng, không chỉ là sự chia sẻ, mà còn phải thể hiện sự trân trọng. Sếp muốn con gái dùng đến tận cùng những món đồ đã mua năm trước để con gái biết trân trọng đồng tiền. Sếp không muốn con gái “phủi” những món đồ cũ cho bạn nghèo để hướng đến một sự hưởng thụ chỉ biết chiều theo cảm giác của mình. Còn chuyện chia sẻ, giúp đỡ bạn nghèo là một câu chuyện khác, cần được thể hiện trong một bối cảnh khác.

Tôi đồng ý với cách dạy con và cách nghĩ của sếp, một giám đốc giỏi nhưng bình dị và khiêm tốn. Hoàn cảnh của sếp thật không may khi phải ly hôn sớm và sống cảnh “gà trống nuôi con”. Chính vì sự bình dị, khiêm tốn của anh nên anh nuôi dạy con gái rất tốt. Con bé đôi khi vòi vĩnh cha chuyện này chuyện nọ, nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận những lời giải thích và lựa chọn xác đáng của cha. Biết hoàn cảnh và cách sống của sếp, nhân viên trong công ty thường bảo: “Coi vậy chứ sếp giàu lắm, sếp làm bộ thanh đạm thế thôi!”. Thật ra, sếp giàu tiền, giàu bạc hay không, điều này tôi không quan tâm. Chỉ biết rằng, ông sếp tôi đang sống với một chữ “tâm”, một chữ “tài” giàu có thông qua cách nhìn, cách cư xử với con cái, nhân viên và mọi người trong cộng đồng. Vâng, tôi tự hào về ông ấy, về sếp của tôi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Con vào năm học mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO