Giảm cân khi con thôi bú

BS. ĐÀO THỊ YẾN THỦY - Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM| 03/04/2015 04:06

Phụ nữ trong giai đoạn mang thai và cho con bú thường phải tăng cường dinh dưỡng (cả về lượng và chất).

Giảm cân khi con thôi bú

Phụ nữ trong giai đoạn mang thai và cho con bú thường phải tăng cường dinh dưỡng (cả về lượng và chất). Chế độ dinh dưỡng này duy trì trong một thời gian dài có thể trở thành thói quen khó bỏ, dẫn đến tình trạng tăng cân, thừa cân sau khi hết cho con bú. Vậy làm cách nào để giảm cân mà vẫn khỏe?

Đọc E-paper

Vì cơ thể đã quen ăn nhiều lần với số lượng nhiều trong một thời gian khá dài, nên sau khi con thôi bú cần tập ăn ít dần dần, giúp cơ thể thích nghi và tìm cách để quên đi chuyện ăn uống, chỉ ăn khi thấy đói chứ không nên "không đói vẫn ăn". Nên tìm hay tạo ra công việc gì đó để làm liên tục.

Công việc bận rộn phải tập trung, sẽ giúp bạn không có thời gian rảnh để nghĩ đến việc ăn uống. Nên để sẵn chai nước lọc (hoặc sữa đậu nành không đường) và uống nước thường xuyên.

Ngồi vào bàn ăn nên ăn trước tô canh rau hay đĩa bầu luộc chấm nước tương, tô canh đậu hũ hẹ thịt heo nạc... rồi hãy ăn cơm với thịt luộc, cá hấp, nên ăn thật chậm rãi, cảm thấy vừa no thì ngưng, không ăn ráng thêm cho hết thức ăn hay cơm còn lại. Nên nấu cơm hay làm thức ăn hơi thiếu một chút.

Nếu khi nào thấy đói quá thì hãy uống nước, ăn trái cây, sữa (hay sữa chua) không đường, không béo, tô canh rau..., 15 - 20 phút sau mới ăn cơm hay mì, bún. Đi ăn ngoài tiệm nhớ lấy nhiều rau, giá và không lấy nước béo.

Hạn chế ăn thức ăn béo, chiên, xào, quay..., nên hấp, luộc, nướng. Ăn thịt nạc, nên bỏ da, hạn chế sữa tươi có đường. Có thể ăn sáng và ăn trưa đủ, nhưng ăn tối ít và ăn trước khi ngủ 3 - 4 giờ. Nên ngủ sớm (khoảng 10 giờ đêm là tối đa).

Hạn chế đi chợ hay siêu thị vì nhìn thấy đồ ăn sẽ dễ bị thèm, hoặc nếu phải đi chợ thì hãy đi nhanh qua và đừng nhìn vào những dãy hàng cám dỗ đó. Khi đi chợ, đừng mua nhiều thức ăn vặt giàu năng lượng như bánh ngọt, chè, kem, trái cây ngọt...; không trữ đồ ăn vặt. Thức ăn nên trữ sẵn trong tủ lạnh để ăn khi cảm thấy đói hay "cần ăn" là củ sắn, thanh long, bưởi, ổi, mận, táo, lê, sữa không đường, không béo.

Phụ nữ sau khi sinh thường thừa cân nhưng lại thiếu canxi. Do vậy, hãy uống sữa không đường, không béo (dạng bột, dạng nước) hằng ngày 2-3 ly, ăn thường xuyên các món có cá nhỏ nguyên xương, tôm tép nguyên vỏ, đậu hũ, cua đồng... Ăn giảm năng lượng với nhiều thức ăn ít năng lượng (rau, trái ít ngọt, sữa không đường, không béo), ăn ít thức ăn giàu năng lượng (ngọt, béo) và ăn đủ đạm.

Để góp phần giảm cân nhanh mà vẫn khỏe, nên tập thể dục phối hợp hai hình thức aerobic và tăng khối cơ ít nhất 5 ngày trong tuần và đạt thời gian trên 60 phút mỗi ngày. Có thể sử dụng thuốc giảm cân hỗ trợ nếu cần thiết và có sự chỉ định, theo dõi của bác sĩ. Không ngồi lâu quá 30 phút mỗi lần. Theo dõi cân nặng thường xuyên hằng ngày hoặc hằng tuần để điều chỉnh chế độ ăn và vận động.

Những sai lầm khi sử dụng rau, củ, quả

* Không nên ăn bắp cải, củ cải, đậu nành có chất kháng giáp gây bướu cổ?

- Nếu ăn sống các thực phẩm này thường xuyên (ví dụ bắp cải sống cắt nhỏ làm gỏi chẳng hạn) thì mới gây ra bệnh lý. Nếu ăn bắp cải, củ cải luộc, nấu canh, xào, hay uống sữa đậu nành (đã nấu sôi), ăn đậu hũ đã nấu chín (chiên, nấu canh, lẩu..) thì không còn chất kháng giáp, và có thể an tâm sử dụng với số lượng nhiều và thường xuyên.

* Nước củ dền, củ dền đỏ bổ máu?

- Củ dền và nước củ dền có màu đỏ nhưng không chứa chất sắt tạo máu bao nhiêu, mà ngược lại chúng chứa nhiều nitrit - nitrat, nếu sử dụng quá nhiều có thể gây nhức đầu, nôn ói, tiêu chảy, thiếu oxy gây tím môi, tím mặt và có thể dẫn đến tử vong ở trẻ em. Vì vậy không bao giờ dùng nước củ dền để pha sữa cho em bé bú, củ dền đỏ chỉ nên ăn vài miếng mỗi bữa và một tuần 1-2 lần.

* Khoai tây mọc mầm chứa nhiều chất dinh dưỡng?

- Khi mọc mầm, hàm lượng chất dinh dưỡng trong khoai tây thay đổi theo hướng giảm thấp, đồng thời tại chân gốc mầm và mầm khoai tây có chứa nhiều Solanin có thể gây tử vong ở trẻ em. Cần khoét sâu bỏ hết phần chân gốc mầm hoặc tránh ăn khoai mọc mầm.

* Ăn sắn gây ngộ độc?

- Sắn (khoai mì) chứa Xyanhydric ở lớp vỏ, hai đầu củ; sắn đắng (sắn cao sản) có thể ức chế hô hấp gây chết người, nhất là đối với trẻ em, người già, ốm yếu… Cần gọt vỏ kỹ, cắt bỏ hai đầu củ, ngâm nước và luộc chín để khử Xyanhydric, không nên ăn sắn có vị đắng. Măng, đậu mèo, đậu kiếm cũng chứa Xyanhydric, nên ngâm nước lâu, rửa sạch, luộc bỏ nước.

* Các loại nấm đều có thể ăn được?

- Cần nhớ rằng "có một số loại nấm chỉ có thể ăn một lần" vì đó là nấm độc, chỉ ăn một lần là… chết, đâu còn cơ hội để ăn lần nữa! Vì vậy hãy chú ý lựa chọn các loại nấm thông dụng, quen thuộc khi sử dụng trong bữa ăn gia đình, như nấm rơm, nấm mèo, nấm mỡ, nấm tuyết, nấm đông cô…

>Đứng để giảm cân
>Chống lai sự thèm ăn để giảm cân
>
Vì sao giảm cân dễ bị loét bao tử?
>Những sai lầm khi muốn giảm cân
>
Cảnh báo thuốc giảm cân gây tổn thương gan nặng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm cân khi con thôi bú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO