Giải pháp đẩy nhanh tiến độ, chất lượng của hoạt động xử lý văn bản pháp luật sau rà soát
Chiều 7/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chủ trì phiên họp thứ hai của Ban chỉ đạo.
Cùng tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Phó Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Phó Trưởng Ban; lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Tư pháp báo cáo về tiến độ và kết quả thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ tại Phiên họp thứ nhất.
Trong đó, đánh giá tình hình các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ xử lý kết quả rà soát văn bản đã được Chính phủ chỉ ra tại các báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật phục vụ Nghị quyết 101/2023/QH15 và Nghị quyết 110/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu báo cáo kết quả rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc pháp lý cấp bách, cần được tập trung nghiên cứu, tháo gỡ ở tầm luật. Thủ tướng cũng mong muốn đề xuất phương án phân công các bộ, ngành nghiên cứu, xử lý các vấn đề này.
Từ đó, đề xuất giải pháp hiệu quả, toàn diện thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết 82/NQ-CP, Nghị quyết 93/NQ-CP và Quyết định 81 ngày 25/7/2024 ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo.
Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tư pháp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến trực tiếp vào các nội dung: Cơ cấu, bố cục và những nội dung chính của báo cáo; rà soát, đánh giá lại xem các nhiệm vụ tại Quyết định 81 của Ban chỉ đạo và Kết luận của Thường trực Chính phủ (Thông báo 322/TB- VPCP ngày 15/7/2024 của VPCP) đã được thực hiện như thế nào, có vướng mắc, khó khăn không, nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu xem xét, đánh giá về tình hình xử lý văn bản sau rà soát thời gian qua, đề xuất các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng của hoạt động xử lý văn bản sau rà soát; nội dung vướng mắc, bất cập đã được Bộ Tư pháp tổng hợp đã bám sát chỉ đạo của Ban chỉ đạo chưa, còn nội dung nào cần xử lý ngay để thúc đẩy tăng trưởng, kiếm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với vướng mắc pháp lý của 13 luật như báo cáo của Bộ Tư pháp, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính có ý kiến về tiến độ và phạm vi sửa đổi để tháo gỡ ngay, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.