Nhiều yếu tố bất lợi cho thị trường vàng đã đến cùng lúc khiến giá của kim loại quý này đi xuống mạnh.
Đọc E-paper
Doanh nghiệp kinh doanh vàng và các nhà đầu tư kim loại này đang "hoảng loạn" vì sau giai đoạn hồi phục mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng tài chính, vàng đang trên đà mất giá mạnh. Giá vàng thế giới rơi xuống đáy trong vòng 5 năm qua vào thời điểm ngày 20/7, phản ánh cung cầu hiện tại và kỳ vọng về tương lai của thứ kim loại quý hiếm này. Một số tin rằng vàng có thể xuống dưới giá 1.000 USD một ounce trong năm nay.
Lý do trực tiếp nhất về sự đi xuống của thị trường vàng liên quan đến việc đồng USD mạnh lên. Vàng được định giá bằng USD, do đó, nếu đồng tiền của Mỹ tăng lên, các nhà đầu tư sẽ đánh giá vàng xuống. Một yếu tố nữa là đồng USD đang tăng lên do sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, triển vọng về xu hướng lãi suất cao hơn. Đây luôn là tin xấu đối với vàng. Lãi suất cao làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản như vàng khi các nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận cao hơn nếu bỏ tiền vào trái phiếu kho bạc hoặc nợ khác.
Niềm hy vọng lớn cho các nhà đầu tư vàng lúc này là Trung Quốc. Quốc gia đông dân này đang hướng tới chiến lược biến đồng nhân dân tệ thành một đồng tiền dự trữ quốc tế, nên sẽ tăng lượng cổ phiếu vàng trong các ngân hàng trung ương phương Tây. Nhưng điều này dường như không thể xảy ra. Dù đã nâng dự trữ vàng nhưng kho vàng của nước này vẫn còn nhỏ và xét tổng thể, dự trữ vàng còn đang giảm. Trung Quốc hiện chỉ có 1.658 tấn vàng, cao hơn 57% so với mức 1.054 tấn của năm 2009 và dưới mức ước tính của các chuyên gia phân tích của Bloomberg là 3.500 tấn.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đã không quay sang vàng trong cơn hoảng loạn về thị trường chứng khoán hoặc lo ngại về điều kiện kinh tế trong nước. Với lo ngại về giảm phát hay sự suy yếu đồng nhân dân tệ, các nhà đầu tư Trung Quốc nghiêng sang USD hoặc trái phiếu chính phủ. Trung Quốc đang trong giai đoạn suy thoái kinh tế đáng kể với mức độ nợ khu vực tư nhân và một đồng tiền định giá quá cao. Đây là những yếu tố gây ra áp lực giảm giá vàng.
Trong số các quốc gia nắm giữ nhiều vàng nhất, Mỹ đứng đầu bảng với hơn 8.133 tấn. Về thứ nhì là Đức với hơn 3.380 tấn, Ý đứng hạng 4 và Pháp đứng hàng thứ 5, trước Nga và Trung Quốc. |
Thị trường vàng cũng bị ảnh hưởng bởi một loạt các tin tức khác. Thỏa thuận giữa EU và Hy Lạp đã làm giảm nguy cơ tan vỡ của khối đồng tiền chung châu Âu. Trong khi thỏa thuận hạt nhân giữa P5+ và Iran làm giảm nguy cơ chiến tranh (có xu hướng thúc đẩy giá vàng tăng).
Ngoài ra còn một loạt cơ hội từ một thỏa thuận rộng lớn hơn về các vấn đề khác ở Trung Đông, như Syria. "Tôi nghĩ vào thời điểm hiện tại thì không có lý do gì để người ta đầu tư vào vàng", Gerhard Schubert, người sáng lập Schubert Commodities Consultancy DMCC, cho biết.
Phản ánh sự mất niềm tin ở thị trường vàng, quỹ nắm giữ vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust giảm dự trữ vàng xuống mức thấp nhất từ năm 2008. Tương tự, chỉ số Thomson Reuters Global Gold giảm xuống 8,5% - mức thấp nhất kể từ cuối năm 2008. Các nhà đầu tư ngày càng ít có lý do để dự trữ vàng như một tài sản đảm bảo phòng ngừa rủi ro khi USD tăng giá.
Như vậy, câu hỏi còn lại là đà đi xuống của giá vàng sẽ kéo dài trong bao lâu và bao xa? Câu trả lời hiện đang hướng về thị trường châu Âu. Bởi vì trong bối cảnh đồng euro mất giá so với USD, người dân và các nhà đầu tư có thể hướng về vàng, vì vàng được định giá bằng USD.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, trong quý I/2015, mức tiêu thụ vàng tại Trung Quốc và Trung Đông giảm nhưng mức tích trữ vàng tại châu Âu tăng. So với cùng thời kỳ năm ngoái, trong quý I vừa qua, châu Âu đã mua vào 73 tấn vàng thay vì 65 tấn. Mức tiêu thụ vàng của Đức tăng 18%. Thụy Sĩ, Áo, Tây Ban Nha và nhất là Pháp cũng vậy.
>Thị trường vàng: Thời điểm rủi ro cao nhất
>Giá vàng thế giới lại lập kỷ lục mới