Nguồn: iStock |
Để tỏ lòng trân trọng, họ còn gọi mật ong bằng những cái tên văn vẻ như bách hoa tinh, bách hoa cao, phong đường, phong mật…
Mật ong đã là món ăn ưa thích của con người từ thuở xa xưa. Hơn 4.000 năm về trước, dân Ai Cập và Ấn Độ đã nuôi ong để lấy mật, nhưng phải đợi tới cả ngàn năm sau, người nuôi ong mới biết được là để có mật, ong phải hút chất ngọt từ nhụy hoa.
Mật ong là thực phẩm ngọt chính của con người cho tới thế kỷ thứ XV, khi đường trắng được tinh chế. Tuy vậy, ngày nay mật vẫn còn rất phổ thông vì nó làm tăng hương vị thực phẩm, làm dịu ngọt thức ăn, nước uống và cũng để trị bệnh.
Giá trị dinh dưỡng
Ngoại trừ trái cây và rau đậu, mật ong là nguồn thiên nhiên duy nhất cung cấp cho con người những chất ngọt dễ tiêu.
Trong mật ong, đường chiếm tỷ lệ 80%; còn lại 20% là nước và các chất khác. 2 thứ đường chính là glucose và fructose. Đường trắng tinh chế đã mất hầu hết sinh tố và khoáng chất nên đều khó tiêu và cần một vài sinh tố B để được bao tử hấp thụ.
Ngoài đường ngọt, mật ong còn chứa khoáng chất, sinh tố B, C, các chất amino acid, một ít chất đạm, vài loại men và mấy hợp chất thơm.
Một muỗng canh mật ong có 0,1gr đạm chất; 17,3gr carbohydrat, 1mg calcium, 1mg phosphor, 64 calori. Mật không có chất béo nhưng có sinh tố B6, B1, magnesium, maganese, natri, kẽm.
Một bác sĩ giải phẫu người Nga đã làm tăng các sinh tố trong mật ong bằng cách nuôi ong với nhiều loại sinh tố.
Mật ong thường được ăn nguyên chất với bánh mì. Cũng có thể pha mật ong với bơ hay margarin rồi phết lên bánh mì. Mật ong có thể ăn với trái cây, khoai…
Khi nấu, một vài chất dinh dưỡng trong mật bị nhiệt tiêu hủy, nên cần giữ nhiệt độ vừa phải và chỉ cho mật ong vào nồi khi món ăn đã gần chín.
Bỏ lò, mật ong thấm với các gia vị khác vào thực phẩm nên ít bị thay đổi.
Mía được làm thành đường tinh chế sau khi chất xơ, các sinh tố và khoáng chất bị lấy đi. Maple syrup cũng được nấu chế trước khi trở thành món ăn. Riêng mật ong thì hoàn toàn tự nhiên, lấy ra từ tổ ong là dùng được ngay.
Mật ong có nhiều mùi vị khác nhau, vì đôi khi ong bay xa cả trăm cây số để hút nhụy hoa của nhiều thảo mộc khắp nơi trên Trái đất. Dù mùi vị có khác nhau, mật ong không mau hư, có thể cất giữ ở ngoài tủ lạnh.
Công dụng trị bệnh
Từ nhiều ngàn năm về trước, các sách y học Ai Cập đã coi mật ong là thuốc chữa bệnh rất phổ thông. Hippocrates khuyên dân chúng pha mật với nước uống để làm giảm nóng sốt.
Trong các cuộc chiến tranh vào thời cổ Hy Lạp, Trung Hoa, La Mã, người ta đã biết dùng mật ong để chữa vết thương bị làm độc.
Sách tham khảo The Edinburgh New Dispensatory xuất bản năm 1811 có ghi: “Từ xưa, mật ong đã được dùng như một loại thuốc rất tốt để làm long đờm, làm mềm dịu các mụn nhọt, để rửa các vết lở loét trên da”.
Tại Úc và New Zealand, mật ong được phép bán như một dược phẩm để trị bệnh. Như vậy, ta thấy mật ong đã là một môn thuốc dân gian từ lâu đời.
Mật ong đã và đang được dùng để chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian hoặc các nhà nghiên cứu trong những trường hợp sau:
– Mật ong bồi bổ, tăng cường sinh lực, rất tốt cho người bị bệnh đang hồi phục. Uống mật ong trước khi vận động cơ thể khiến ta không cảm thấy mệt và tập luyện lâu hơn.
– Mật ong làm bớt căng thẳng, làm thư giãn thể xác và tâm hồn.
– Trước khi đi ngủ, uống mật ong khiến giấc ngủ ngon hơn. Theo một nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (Massachusett Institute of Technology – MIT), chất ngọt của mật làm não tiết ra nhiều serotonin mà serotonin lại làm dịu hoạt động của não, khiến ta ngủ dễ dàng.
– Mật ong làm sự tiêu hóa được dễ dàng nhờ chất đường dễ tiêu glucose và fructose.
– Mật ong làm giảm ho vì thông đàm, rất tốt cho người bị suyễn, viêm cuống phổi, ho gà.
– Mật ong có phấn hoa nên đã được dùng để làm cơ thể quen dần với phấn hoa, tránh dị ứng theo mùa, nhất là vào mùa xuân. Đó cũng là nguyên tắc được áp dụng để làm người dị ứng với phấn hoa trở nên quen đi bằng cách tiêm một lượng rất nhỏ phấn hoa vào cơ thể.
– Mật ong rất tốt để làm bớt đau cuống họng, làm sạch răng miệng, làm mau lành lở miệng, lở mép nhờ có chất hydrogene peroxide.
– Mật ong làm mau lành các vết thương ngoài da, có tính cách khử trùng và là hàng rào tốt để cản sự xâm nhập của vi trùng vào các vết thương.
– Các nghiên cứu ở Ấn Độ cho thấy bệnh nhân bị phỏng mà được bôi bằng mật ong thì da mau lành hơn là chữa với thuốc trị phỏng silver sulfadiazine.
– Các bác sĩ nhi khoa ở Phi châu cho hay mật ong rất công hiệu trong việc chữa bệnh tiêu chảy trẻ em do vi khuẩn Salmonella, E coli gây ra. Mật ong diệt vi sinh vật bằng cách hút hết chất lỏng trong vi khuẩn, làm chúng trở nên khô héo. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên người đi du lịch mắc bệnh tiêu chảy thì uống nhiều nước cam có pha mật ong, một chút muối và một chút baking soda đề bù lại số nước và khoáng chất mất đi.
– Nhờ có khoáng chất boron, mật ong có thể phòng ngừa bệnh loãng xương, nhất là ở nữ giới. Chất này cũng làm giảm các triệu chứng khó chịu khi có kinh nguyệt.
– Mật ong rất tốt cho da. Thoa trên da, mật ong làm da mịn, mềm hơn vì mật giữ độ ẩm cho da. Mật ong làm bệnh trứng cá mau lành. Bôi lên tóc, mật làm tóc bóng mượt và mềm.
– Mật ong có một lượng chất chống oxy hóa (antioxidant) tốt tương đương như sinh tố C, nên có khả năng làm chậm tiến trình lão hóa của tế bào, giảm nguy cơ ung thư. Mật ong càng đậm càng có nhiều chất chống oxy hóa.
– Tuy nhiên, Cơ quan Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (Center for Disease Control and Prevention) lưu ý không nên cho trẻ em dưới một tuổi dùng mật ong vì cơ thể các em chưa đủ sức chống lại loại vi khuẩn gây bệnh trúng độc thực phẩm (clostridium botulinum), đôi khi có lẫn trong mật ong.