Giá dầu thế giới xuống thấp nhất sau 2 thập niên, ai sẽ được lợi?

Tuỳ Phong| 20/04/2020 02:00

Tình trạng thừa cung, thiếu cầu vì Covid-19 tiếp tục đẩy giá dầu thế giới giảm mạnh, xuống mức thấp kỷ lục trong 21 năm qua. Trong bối cảnh này, các quốc gia nhập khẩu dầu có được lợi?

Giá dầu thế giới xuống thấp nhất sau 2 thập niên, ai sẽ được lợi?

Giá dầu tiếp tục lao dốc

Sáng 20/4/2020, giá dầu thô Mỹ (West Texas Intermediate - WTI) tiếp tục đà trượt dốc trong phiên đầu tuần, có thời điểm về dưới 15 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ đầu năm 1999. Đây cũng là mức giảm kỷ lục, đánh dấu chuỗi ngày giá dầu rớt thê thảm kể từ khi Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, đặc biệt là thời điểm đại dịch tràn sang các quốc gia châu Âu khiến cả nền sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm đình trệ.

Được biết, giá dầu WTI đã giảm 14,83% so với phiên giao dịch trước đó và giảm đến 76,13% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo hãng tin Bloomberg, giá dầu WTI giảm do các kho chứa hiện đầy quá nhanh và hợp đồng dầu thô Mỹ giao tháng 5 sẽ đáo hạn vào ngày 21/4.

Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao tháng 6 hiện giảm 1%, về 27,8 USD/thùng trên sàn ICE Futures Europe. Tuần trước, loại dầu này giảm 10,8%, còn WTI mất gần 20%, do thỏa thuận cắt giảm sản xuất của OPEC+ và các nước khác, vốn được đánh giá là vẫn không đủ để bù đắp cho nhu cầu nhiên liệu đang rơi tự do vì đại dịch.

David Lennox – chuyên viên phân tích tại Fat Prophets, nhận định: "Việc cắt giảm không thể đủ bù đắp cho nhu cầu giảm tới 25–30 triệu thùng/ngày vì Covid-19. Chúng ta sẽ phải chờ đến khi Covid-19 đạt đỉnh trên toàn cầu mới biết được nhu cầu sẽ bị hủy hoại đến mức nào".

Chúng ta sẽ phải chờ đến khi Covid-19 đạt đỉnh trên toàn cầu mới biết được nhu cầu sẽ bị hủy hoại đến mức nào".

Chỉ khi Covid-19 đạt đỉnh trên toàn cầu, chúng ta mới biết được nhu cầu dầu sẽ bị hủy hoại đến mức nào.

Trung Quốc được lợi?

Thông thường, giá dầu sụt giảm mạnh sẽ được xem là "cú hích" cho các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, vốn phụ thuộc vào việc nhập khẩu dầu. Trong đó, Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu và có lượng người tiêu dùng dầu lớn nhất thế giới được xem là nước hưởng lợi từ đà giảm của giá dầu.

Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc đang tận dụng việc giá dầu sụt giảm hơn 70% từ đầu năm để bơm đầy kho dầu dự trữ với chi phí tối thiểu. Cụ thể, Bắc Kinh đang yêu cầu các cơ quan chính phủ phối hợp để nhanh chóng bơm đầy các kho dầu dự trữ, cũng như sử dụng một số công cụ tài chính cần thiết để ồ ạt mua dầu thô với mức giá như hiện nay. Ngoài các kho dự trữ nhà nước, Trung Quốc cũng tận dụng các kho thương mại để trữ dầu, và khuyến khích doanh nghiệp nội địa bơm đầy bể chứa.

Theo Tổng cục Hải Quan Trung Quốc, nước này đã nhập 41,1 triệu tấn dầu, tương đương 9,68 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, do các nhà máy lọc dầu tăng cường dự trữ khi giá dầu rẻ, bất chấp nhu cầu nhiên liệu trong nước đang giảm và công suất lọc dầu cũng giảm bởi Covid-19. Trong hai tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu trung bình 10,47 triệu thùng/ngày. Lượng nhập khẩu trong quý 1/2020 tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, lên 127,19 triệu tấn, tương đương 10,2 triệu thùng/ngày.

Theo ước tính của một số tổ chức, lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc có thể tăng 2% trong năm nay, nhờ việc giá dầu lao dốc. Còn Julian Evans-Pritchard - một chuyên gia kinh tế tại Capital Economics dự báo, giá dầu thấp hơn sẽ giúp tăng sản lượng các ngành công nghiệp lên 0,3%. 

Giá dầu giảm - mừng ít, lo nhiều

Tuy nhiên, đà sụt giảm của giá dầu, nếu nhìn một cách bao quát hơn, chưa hẳn đã là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế Trung Quốc, khi nó có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà sản xuất dầu trong nước và nhà đầu tư khai thác mỏ dầu ở nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp nhà nước. 

Theo GlobalTimes, sản lượng dầu sản xuất tại Trung Quốc năm 2018 đạt 189 triệu tấn, đứng thứ 7 thế giới. Trong khi đó, để cải thiện an ninh năng lượng quốc gia, nhiều tập đoàn Trung Quốc đã đầu tư vào hàng loạt mỏ dầu khí ở nước ngoài, nên giá dầu xuống quá thấp sẽ gây bất lợi cho sự phát triển bền vững của ngành dầu khí trong nước, làm tăng rủi ro lợi nhuận thu về từ các dự án này. Khi giá dầu giảm, các mỏ dầu này sẽ trở thành gánh nặng, khi không còn biết có thể kiếm được tiền nữa hay không.

Nhân viên vận hành một giàn khoan tại mỏ dầu Đại Khánh ở tỉnh Hắc Long Giang.

Nhân viên vận hành một giàn khoan tại mỏ dầu Đại Khánh ở tỉnh Hắc Long Giang.

Hơn nữa, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu của Trung Quốc sụt giảm vì Covid-19, hoạt động sản xuất, thương mại và du lịch tại các nền kinh tế khắp Đông Nam Á - nơi có sự phụ thuộc cao vào Trung Quốc và chuỗi cung ứng toàn cầu của quốc gia này, cũng theo đó mà gián đoạn.

Dù có nhiều ý kiến cho rằng, giá dầu thấp có thể là giải pháp cứu trợ cận biên cho các nền kinh tế nói trên, nhưng trên thực tế thì câu chuyện lại không dễ dàng như thế. Những phản ứng trên khắp các thị trường chứng khoán vào ngày 9/3 - khi giá dầu thô Brent giảm kỷ lục trong một ngày, có thể được xem là minh chứng rõ nét cho điều này.

Theo đó, cổ phiếu của Toyota Motor và Singapore Airlines - hai công ty hưởng lợi lớn từ việc giá dầu xuống thấp, đã giảm lần lượt 4,4% và 4,5%. Giá nhiên liệu thấp chắc chắn sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng phương tiện chạy xăng, và giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu; tuy nhiên, khi nhu cầu đi lại và du lịch giảm gần như 90% vì các lệnh phong toả do dịch bệnh, thì sẽ không có sự tiết kiệm chi phí nào có thể bù đắp được.

Tại châu Á, khi các nền kinh tế lao đao, ngân hàng trung ương các nước sẽ thực hiện chính sách tiền tệ triệt để và sử dụng các biện pháp kích thích khác để chống lại tác động tiêu cực của Covid-19. Theo đó, sự kết hợp giữa tỷ giá tiền tệ và giá dầu rẻ có thể làm giảm áp lực giảm phát. Trong khi đó, nếu giá dầu xuống thấp hơn, điều này lại không có khả năng kích thích tiêu dùng khi tăng trưởng kinh tế đang chững lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá dầu thế giới xuống thấp nhất sau 2 thập niên, ai sẽ được lợi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO