FDA cảnh báo về nguy cơ mắc các loại ung thư mới khi nâng ngực

Anh Mi| 15/09/2022 06:00

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang cảnh báo công chúng về một số bệnh ung thư - bao gồm ung thư biểu mô tế bào vảy và các khối u bạch huyết khác nhau - đã được báo cáo trong các mô sẹo hình thành xung quanh túi độn nâng ngực.

FDA cảnh báo về nguy cơ mắc các loại ung thư mới khi nâng ngực

Cấy ghép ngực là loại phẫu thuật phải được cân nhắc vì có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe - Ảnh: Healthline

Theo CNN và Healthline, FDA đã thông báo hôm thứ 8/9/2022 rằng mặc dù cơ quan này tin rằng sự xuất hiện của ung thư biểu mô tế bào vảy (BIA-SCC) và u lympho tế bào lớn không biệt hóa liên quan đến túi độn ngực (BIA-ALCL) còn hiếm, nhưng các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và những người đã hoặc đang định nâng ngực nên biết và báo cáo bất kỳ bệnh ung thư nào khác được tìm thấy xung quanh mô cấy ghép. 

Ung thư do nâng ngực hiếm gặp nhưng độ xâm lấn cao

Thông báo mới nhất của FDA cho biết, các u lympho khác nhau được phát hiện lần này không giống với các u lympho trước đây đã được mô tả là có liên quan đến việc nâng ngực. Sau khi xem xét các tài liệu, cơ quan này nhận thấy có ít hơn 20 trường hợp ung thư biểu mô tế bào vảy và ít hơn 30 trường hợp ung thư hạch khác nhau trong các mô xung quanh túi độn ngực.

Tính đến tuần trước, FDA đã nhận được 10 báo cáo về BIA-SCC và 12 báo cáo về BIA-ALCL liên quan đến mô độn ngực. Tỷ lệ mắc chính xác và nguyên nhân của những bệnh ung thư này vẫn chưa được biết và FDA đang tiếp tục nghiên cứu. Theo FDA, các bệnh nhân bị ung thư sau nhiều năm nâng ngực và trải qua một loạt các triệu chứng, bao gồm sưng, đau, nổi cục và thay đổi da.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao lại có những loại ung thư này ở những người từng nâng ngực, nhưng các nhà khoa học nghi ngờ có thể do viêm mãn tính và kích ứng từ quá trình cơ thể thích nghi với túi độn ngực. BIA-ALCL cũng được tìm thấy trong mô sẹo gần túi độn ngực, nhưng lại lây lan khắp cơ thể, đe dọa tính mạng. Bệnh nhân sau khi nâng ngực bị BIA-ALCL thường phải loại bỏ túi độn và trải qua quá trình hóa trị hoặc xạ trị hoặc cả hai. 

Tiến sĩ Haripriya S. Ayyala - bác sĩ phẫu thuật tạo hình và tái tạo, đồng thời là Phó GS phẫu thuật tại Trường ĐH Y Yale (Hoa Kỳ) cũng nhận xét: “BIA-SCC là một khối u rất hiếm gặp ở người từng nâng ngực nhưng độ xâm lấn cao, có thể di căn đến các mô cục bộ và các vị trí xa”.

-5219-1663146722.jpg

Theo FDA, có 20% phụ nữ đặt túi độn để nâng ngực phải cắt bỏ túi độn trong vòng 8 đến 10 năm do có biến chứng. Thời gian cấy ghép càng lâu thì càng gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe và những rủi ro đó có thể dẫn đến việc phải phẫu thuật lại - Ảnh: health.clevelandclinic

Sự lo ngại về sức khỏe sau khi nâng ngực đã được báo cáo từ năm 1960

Mối liên hệ giữa việc nâng ngực và bệnh toàn thân, bao gồm cả bệnh tự miễn dịch, đã được báo cáo từ những năm 1960, theo một bài báo đăng trên Tạp chí Plastic and Reconstructive Surgery năm 2019.

Hồi năm 2011, FDA lần đầu tiên xác định được mối liên quan giữa việc nâng ngực và sự phát triển của một loại ung thư hiếm gặp mang tên u lympho tế bào lớn không biệt hóa, còn được gọi là BIA-ALCL.

Năm 2019, Công ty dược phẩm Allergan đã ban hành lệnh thu hồi trên toàn thế giới đối với các loại túi độn ngực và chất mở rộng mô có kết cấu Biocell có liên quan đến căn bệnh ung thư hiếm gặp này. Việc thu hồi diễn ra sau khi FDA yêu cầu, từ đó FDA duy trì một điểm đăng ký để các bác sĩ phải báo cáo các trường hợp BIA-ALCL ở những người đã nâng ngực.

Kể từ đó, FDA đã nỗ lực thông báo cho những người nâng ngực về các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn. Một báo cáo từ năm 2021 cho thấy độ tuổi trung bình của bệnh nhân bị ung thư liên quan đến nâng ngực là 60 và thời gian trung bình từ khi cấy ghép đến khi mắc bệnh là 25 năm.

Tiến sĩ Haripriya S. Ayyala cho biết: “Những khối u ác tính này hiếm khi xảy ra, nhưng các túi độn ngực không phải sử dụng đến suốt đời và nguy cơ biến chứng sẽ tăng lên theo độ tuổi của mô cấy ghép”.

Năm ngoái, FDA đã thực hiện một số thay đổi đối với việc lưu hành túi độn ngực, bao gồm việc buộc nhà sản xuất ghi cảnh báo về sức khỏe lên hộp đựng túi độn ngực và thông báo cho họ biết rằng túi độn ngực không phải là một thiết bị y tế có thể tồn tại suốt đời trong cơ thể người. FDA cũng quyết định hạn chế việc bán túi độn ngực cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe - những người phải giải thích đầy đủ sự rủi ro cho bệnh nhân. Song song đó, FDA yêu cầu bác sĩ hướng dẫn và tạo điều kiện cho bệnh nhân nâng ngực ghi tên vào danh sách kiểm tra để chứng tỏ rằng họ đã được thông báo đầy đủ mối nguy cơ đối với sức khỏe.

Theo FDA, có tới 20% phụ nữ đặt túi độn để nâng ngực phải cắt bỏ túi độn trong vòng 8 đến 10 năm do có biến chứng. Thời gian cấy ghép càng lâu thì càng gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe và những rủi ro đó có thể dẫn đến việc phải phẫu thuật lại. 

“Túi độn ngực không phải là thiết bị y tế tồn tại suốt đời mà chỉ có tuổi thọ từ 7-10 năm, tùy theo loại sử dụng và tùy theo cơ địa của từng bệnh nhân”, TS. Tommaso Addona - một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và Chủ tịch của group Phẫu thuật thẩm mỹ Long Island (New York, Hoa Kỳ) nói với CNN hồi năm 2019 khi FDA tổ chức một cuộc họp để xem xét mức độ an toàn của túi ngực. Ông Addona cũng nói thêm rằng ông thường thảo luận về lợi ích và rủi ro của túi độn ngực với bệnh nhân. 

“Chúng tôi có thảo luận về các biến chứng. Những điều đó bao gồm sẹo xung quanh mô cấy, đôi khi làm đau nhức và gây khó chịu... Hơn 7 năm qua, chúng tôi đã biết về một loại ung thư hạch (BIA-ALCL) có liên quan đến mô cấy ghép ngực" - ông thừa nhận. 

-5890-1663146722.jpg

FDA khuyến nghị những người đang có ý định nâng ngực phải tìm hiểu về những rủi ro của việc thay đổi cấu trúc cơ thể - Ảnh: AFP/Getty Images

Những điều cần biết nếu bạn đã hoặc đang cân nhắc việc nâng ngực

FDA khuyến nghị những người đang có ý định nâng ngực phải tìm hiểu về những rủi ro của việc thay đổi cấu trúc cơ thể. Với những người đã đặt túi độn ngực, tuy không cần phải thay đổi lịch chăm sóc y tế định kỳ nhưng nên theo dõi ngực của mình để biết những thay đổi bất thường, bao gồm sưng, đau, nổi cục hoặc có sự thay đổi trên bề mặt da.

Tiến sĩ Haripriya S. Ayyala cho biết: “FDA hiện không khuyến nghị loại bỏ các mô cấy ngực hiện có ở những bệnh nhân không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào, hãy nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn ngay lập tức và gửi báo cáo qua hệ thống MedWatch của FDA".

TS Constance M. Chen khuyên: “Những người muốn nâng ngực nên hỏi về những dấu hiệu cần chú ý và đến gặp bác sĩ nếu họ có bất kỳ lo lắng nào về những thay đổi trên cơ thể mà họ nghĩ có thể do cấy ghép ngực gây ra".

Mấu chốt của vấn đề là việc nâng ngực có liên quan đến ung thư biểu mô tế bào vảy và các khối u lympho khác nhau. Dù chưa rõ lý do gây ra nguy cơ này và tỷ lệ mắc bệnh là bao nhiêu nhưng FDA vẫn cảnh báo mọi người nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định nâng ngực. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
FDA cảnh báo về nguy cơ mắc các loại ung thư mới khi nâng ngực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO