Các nhà phân tích ước tính châu Âu có thể thiếu hụt khí đốt ở mức gần 15% nhu cầu trung bình vào mùa đông, có nghĩa là họ phải cắt giảm nhu cầu tương ứng để vượt qua quãng thời gian mà người dân cần sưởi ấm nhất trong năm. |
Cảnh báo cuộc khủng hoảng năng lượng ở EU còn lâu mới kết thúc, bà Ribera nói: "Dù EU đang hành động với tốc độ chưa từng thấy, chúng ta vẫn còn cách rất xa việc tìm ra các giải pháp rõ ràng, bền vững lâu dài". Theo bà Ribera, EU cần có thêm sự linh động và đoàn kết.
Theo Reuters, lãnh đạo các thành viên EU sẽ họp thượng đỉnh vào ngày 20 và 21/10/2022 tại Brussels, Bỉ, với chủ đề trọng tâm được dự đoán là cuộc khủng hoảng năng lượng mà châu Âu đang đối mặt. Trước đó, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo ngày 11/10 cho biết EU đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để xử lý khủng hoảng .
Hiện, các lãnh đạo EU đang cố tìm tiếng nói chung về phản ứng trước tình trạng giá năng lượng tăng vọt trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở Brussels.
Trả lời Les Echos hôm 16/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: "Cũng như cuộc khủng hoảng Covid-19, đây là thời khắc quyết định của châu Âu. Chúng ta phải hành động thống nhất và đoàn kết. Chúng ta không thể khăng khăng bám chặt các chính sách trong nước, vì điều này tạo ra biến dạng trong châu Âu".
Trong bối cảnh giá khí đốt và điện tăng vọt, còn nguồn cung từ Nga giảm đáng kể, EU đang ráo riết chuẩn bị cho một mùa đông đầy thách thức. Cuối tháng 9 qua, EU đã thông qua loạt biện pháp để triển khai trong liên minh, như áp thuế với lợi nhuận bất thường của các công ty, để bảo vệ người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nội bộ EU vẫn bất đồng về các phương án lâu dài để ứng phó khủng hoảng năng lượng. Một số nước như Tây Ban Nha, Croatia, Litva muốn áp giá trần khí đốt bán sỉ, số khác như Phần Lan, Slovakia phản đối trợ giá trực tiếp còn Đức muốn mua chung khí đốt, giảm tiêu thụ và tăng nguồn cung.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 18/10 đưa ra thêm một gói biện pháp để EU thảo luận, song không bao gồm lập tức áp giá trần khí đốt. Thay vào đó, EC đề nghị có những điều chỉnh trên thị trường để kiểm soát giá khí đốt, thiết lập giá chuẩn cho khí tự nhiên hóa lỏng, mua chung để lấp đầy các kho dự trữ cho mùa đông năm 2023 và có giá tốt hơn.
Dù vậy, giới chuyên gia dự đoán châu Âu sẽ phải trải qua nhiều mùa đông khó khăn trước khi có thể lấp đầy khoảng trống nguồn cung khí đốt từ Nga. Ngay cả khi EU đạt mục tiêu trữ 80% công suất dự trữ khí đốt tối đa vào tháng 11 và đảm bảo nhu cầu sưởi ấm, thắp sáng trong mùa đông năm nay, họ sẽ phải đối mặt với thách thức lớn hơn nhiều, khi phải bổ sung kho dự trữ cạn kiệt vào năm tới.