Vẻ đẹp Kinh Bắc xưa ở Cổ Mễ

PHƯƠNG HIỀN/DNSGCT| 07/09/2013 09:31

Là một trong những ngôi làng nổi tiếng của đất Kinh Bắc xưa, làng Cổ Mễ nằm bên con sông Cầu thơ mộng gắn liền với nhiều truyền thuyết lịch sử.

Vẻ đẹp Kinh Bắc xưa ở Cổ Mễ

Là một trong những ngôi làng nổi tiếng của đất Kinh Bắc xưa, làng Cổ Mễ nằm bên con sông Cầu thơ mộng gắn liền với nhiều truyền thuyết lịch sử.

Đọc E-paper

Hàng chục thế kỷ tồn tại đã để lại nơi đây nhiều mái nhà và kiến trúc cổ, trong đó nổi bật nhất là cụm đền – đình – chùa mang đậm nét đẹp của đồng quê Bắc bộ.

Thủy đình chùa Cổ Mễ

Theo triền đê sông Cầu uốn lượn đầy nắng, chúng tôi tìm về Cổ Mễ. Dù Bắc Ninh đã lên thành phố, vài nơi trong làng đã mang dáng dấp phố phường nhưng vẫn còn đó những ngõ nhỏ quanh co, những nếp nhà lợp ngói đông dương tường gạch, những cây cổ thụ đổ bóng um tùm trên con đường làng hun hút…

Được biết đến nhiều nhất có lẽ là đền Cổ Mễ hay còn gọi là đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng núi Kho và sát bờ sông. Ngôi đền này từ lâu đời đã đi vào tín ngưỡng dân gian.

Một ngàn năm trước, làng Cổ Mễ vốn là nơi đặt kho lương thực của nhà Lý ở bờ Nam chiến tuyến Như Nguyệt (sông Cầu). Đền thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến thắng Như Nguyệt.

Người dân đi lễ đền Bà Chúa Kho

Ngày nay chỉ cách điện thờ Bà Chúa chừng 1,5m vẫn còn một đường hầm có kết cấu hình mái vòm nằm lùi sâu trong chân núi, chỗ cao nhất của đường hầm là gần 2m. Các bô lão nhiều đời đều nói đường hầm do Bà Chúa Kho xây dựng.

Trong cuộc chiến chống nhà Tống, bà đã đứng ra xây dựng nhà kho, tích trữ lương thực để đánh quân xâm lược. Núi Kho là nơi được bà lựa chọn để tích trữ lương thực.

Đường hầm chính là do bà cho xây dựng để vận chuyển lương thực từ bờ sông Như Nguyệt lên nhà kho một cách dễ dàng và không bị địch phát hiện.

Cổng đền

Đền Bà Chúa Kho vốn được khởi dựng từ lâu đời, nhưng dấu tích kiến trúc xưa còn lại nhiều nhất là của thời nhà Lê. Ngôi đền cổ gồm nhiều công trình được xây dựng theo một trục dọc chạy từ chân núi Kho lên lưng chừng núi như: cổng Tam môn, Tiền tế, ba cung, hai bên là hai tòa Dải vũ và một số công trình phụ trợ khác.

Ngày nay đền Cổ Mễ được người dân biết đến như một “ngân hàng địa phủ” lớn và uy tín nhất cả nước. Theo tục thì vay đầu năm trả cuối năm, vì thế cứ vào những ngày đầu năm người dân khắp cả nước lại về nơi đây cầu mong có một năm nhiều tiền lộc, no đủ.

Liền kề với đền là đình và chùa làng. Cả hai đến nay vẫn giữ được những đường nét kiến trúc cổ hài hòa với không gian làng quê yên bình.

Cổng chùa

Chùa Cổ Mễ cũng có từ lâu đời nhưng còn lại đến nay là những kiến trúc được xây dựng vào thế kỷ XIX, làm theo kiểu chữ T với những tác phẩm chạm khắc công phu.

Ngày nay trong chùa còn ba pho tượng đá khá đẹp mang rõ phong cách điêu khắc thời Mạc. Cạnh chùa là đình Cổ Mễ kiểu chữ nhất năm gian.

Đình năm gian

Đình thờ Trương Hống, Trương Hát là những anh hùng có công giúp Triệu Quang Phục (549-570) chống nhà Lương. Các cột trong đình đều sơn son thếp vàng. Các mảng chạm khắc của đình này rất đẹp, thể hiện các đề tài long vân đại hội, ngũ hổ tranh châu… với nghệ thuật điêu luyện.

Đến Cổ Mễ vào một ngày không lễ hội, du khách mới thấy bề dày văn hóa hàng ngàn năm vẫn còn trên từng viên gạch, trên từng nét chạm khắc xa xưa…

>>Bí ẩn tòa thành tỉnh đạo Hòa Bình
>>Từ Sa Vĩ địa đầu đến Lan Hạ biển đảo
>>
Núi Thần Đinh, cảnh đẹp Quảng Bình
>>Một lần trở lại Phú Quí
>>
Thiên nhiên hoang dã ở núi Dinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vẻ đẹp Kinh Bắc xưa ở Cổ Mễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO