Tiêu tiền ở Malaysia

VŨ HOÀNG| 19/07/2012 05:25

Du khách sang Macau để vào các sòng bài, sang Thái Lan để thưởng thức lễ hội, sang Campuchia để đến với Angkor Wat, thăm Singapore để giải trí, nghỉ dưỡng, đến Trung Quốc để thăm Vạn Lý Trường Thành... Còn Malaysia thì gần đây đã trở thành một địa chỉ mua sắm quốc tế với những mùa sale tưng bừng.

Tiêu tiền ở Malaysia

Du khách sang Macau để vào các sòng bài, sang Thái Lan để thưởng thức lễ hội, sang Campuchia để đến với Angkor Wat, thăm Singapore để giải trí, nghỉ dưỡng, đến Trung Quốc để thăm Vạn Lý Trường Thành... Còn Malaysia thì gần đây đã trở thành một địa chỉ mua sắm quốc tế với những mùa sale tưng bừng.

Đọc E-paper

Sunway Pyraid

Tỷ phú Dato’seri Vincent Tan là Chủ tịch tập đoàn Berjaya - đang sở hữu nhiều dự án ở Việt Nam như khách sạn Intercontinental, Sherton (Hà Nội), Long Beach resort (Phú Quốc)... trong lần tới thăm Việt Nam mới đây có chia sẻ về kinh nghiệm của Malaysia.

Trong lúc khó khăn, nếu được tôi khuyên, tôi sẽ khuyên Việt Nam nên đánh thuế hàng xa xỉ, xe ôtô ngoại đến 500%. Đó là cách giúp người nghèo, giúp sản xuất đất nước đi lên. Ai giàu thì phải chấp nhận chi tiền”, tỷ phú Vincent Tan nhấn mạnh.

Sang tới Malaysia vào mùa Lễ hội “Mua sắm giảm giá 1 Malaysia Mega Sale” (1 Malaysia Mega Sale Carnival - 1MMSC)... mới thấm thía câu “Ai giàu thì phải chấp nhận chi tiền” khi cả Malaysia là một cửa hàng shopping lớn để thu hút khách du lịch phải “chi tiền” khi tới đây.

Du khách đến Malaysia với nhiều lý do như: tham gia một sự kiện thể thao, văn hóa, mua sắm, chữa bệnh, giải trí... Dù phải chi tiêu rất nhiều tiền nhưng phần lớn du khách đều thấy vui vẻ và điều này đã trở thành một điểm khác biệt của du lịch nước này.

Có được kết quả như vậy là do ngành du lịch Malaysia tích hợp đầy đủ các nhu cầu của con người như: đi chơi chỗ sạch, đẹp; dịch vụ giải trí sành điệu tại điểm du lịch; nhiều trò chơi hiện đại; mua hàng hiệu giá rẻ 50-70% so với Việt Nam...

Pavilion Kuala Lumpur

Lễ hội 1MMSC không mới vì được Tổng cục Du lịch Malaysia tổ chức đều đặn hằng năm. Tuy nhiên, mỗi năm chương trình lại được thay đổi để thu hút du khách đến bằng mọi cách. Đây chính là thành công mà du lịch Malaysia lấy làm tự hào.

Do vậy, năm 2012 dù kinh tế các nước gặp khủng hoảng, dân chúng phải cắt giảm chi tiêu, nhưng Malaysia vẫn thu hút được hàng ngàn du khách, bằng chứng là các trung tâm mua sắm của Malaysia ngày càng mở rộng. Ví dụ, năm ngoái, Hiệp hội Du lịch Bukit Bintang - KLCC (BBKLCC) đã được thành lập để quảng bá Khu Bukit Bintang KLCC ở Kuala Lumpur.

Dự kiến sự kiện này sẽ giúp tăng lượng du khách lên 10% mỗi năm, thúc đẩy mức kinh doanh bán lẻ trên mỗi mét vuông từ 10.226RM lên 11.840RM vào năm 2020, tăng khoảng 15%.

Chính sự nỗ lực của Chính phủ Malaysia nên câu nói luôn được người Singapore hãnh diện “Singapore là nơi duy nhất mà bạn gần như có thể mua sắm cả thế giới!” dường như không còn đúng hoàn toàn. Vì nếu là một tín đồ mua sắm, Kuala Lumpur chắc hẳn cũng đang được mệnh danh là “thiên đường mua sắm”.

Bởi, Kuala Lumpur - thủ đô quốc gia cũng có rất nhiều con phố mua sắm. Khu vực nổi tiếng nhất là Bukit Bintang, nơi được bao quanh bởi Jalan Bukit Bintang, Jalan Sultan Ismail và Jalan Imbi.

Starhil Gallery

Ở đây có đủ cả hàng hóa địa phương cũng như hàng hóa nhập khẩu như quần áo, trang sức thời trang, giầy dép, đồ thể thao, thiết bị điện tử, dược phẩm, máy tính và đồ nội thất. Những khu vực nổi tiếng khác là Jalan Tuanku Abdul Rahman, Jalan Tun Tan Cheng Lock, Petaling Street, và Jalan H.S.Lee.

Tính đến nay, trung tâm mua sắm hàng đầu, Khu Bukit Bintang KLCC, đã hoàn thiện công trình phố đi bộ có mái che, nối liền Bukit Bintang với KLCC. Nay khách hàng mua sắm sẽ thấy thuận tiện hơn khi qua lại giữa hai trung tâm này.

Trong những nỗ lực của chính phủ còn có chính sách miễn thuế nhiều mặt hàng nhằm khuyến khích mua sắm miễn thuế tại Malaysia. Các mặt hàng được miễn thuế gồm: máy chụp hình, dụng cụ thể thao, giày dép và trang sức.

Ngoài ra, vào tháng 12/2011, Trung tâm Johor Premium Outlets đã chính thức khai trương. Đây là trung tâm Premium Outlets nhượng quyền kinh doanh đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, với hơn 80 nhãn hàng trong diện tích hơn 16.000m2.

Nếu kết hợp với nghỉ dưỡng, những resort như Mine Resort (tiêu chuẩn 6 sao), Sunway Resort (5 sao)..., với giá hợp lý từ 300RM trở lên/đêm là nơi lý tưởng để du khách các nước không thể bỏ qua.

Chính sự đồng bộ của toàn ngành du lịch đã giúp lượng du khách đến Malaysia tăng hằng năm. Cụ thể, năm 2011 đạt 24,7 triệu lượt so với 24,6 triệu lượt của năm 2010; tổng số hóa đơn đạt 58,32 tỷ RM so với năm 2010 là 56,5 tỷ RM. Trong đó, chi tiêu dành cho mua sắm năm 2011 là 17,5 tỷ RM, tăng 1,3% so với 16,2 tỷ RM của năm 2010.

Nhu cầu của du khách thế giới ngày càng được khu biệt và cụ thể hóa. Người ta kéo nhau sang Macau để vào các sòng bài; sang Thái Lan để mua sắm và massage; sang Campuchia để đến với Angkor Wat; đến Indonesia để ngắm nắng biển Bali; đến Trung Quốc để thăm Vạn Lý Trường Thành và mua thuốc Bắc; đến Singapore để biết thế nào là “quốc gia sạch và xanh”, để mua sắm và chữa bệnh...

Malaysia cũng đang biết cách cụ thể hóa thế mạnh của mình trong du lịch bằng các lễ hội đầy màu sắc, và thỏa mãn thú vui mua sắm với hàng loạt “mùa sale hàng hiệu” giảm giá đến 80%...

Đồng RM của Malaysia có tỷ giá trao đổi tương đối thấp, cho phép du khách dùng USD kéo dài được kỳ nghỉ cũng như khả năng mua sắm chính là ưu thế cạnh tranh của Malaysia so với Singapore, Thái Lan.

Chưa hết, sự nỗ lực miễn thuế một số mặt hàng nhất định của Chính phủ Malaysia cũng là một lợi thế cạnh tranh rất lớn về giá cả so với Việt Nam, và làm cho việc mua sắm ở Malaysia trở thành một lựa chọn có sức hút du khách rất lớn.

Cụ thể, những nơi bị đánh thuế ở Malaysia là Pulau Langkawi và Lubuan, còn những nơi được miễn thuế là Rantau Panjang và Pengkalan Kubur ở Kelantan, Padang Besar và Bukit Kayu Hitam ở Kedah...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiêu tiền ở Malaysia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO