Những đường bay có khách nhưng không có máy bay!

P. NGUYỄN DŨNG| 22/08/2016 04:58

Điển hình, lâu nay nhiều doanh nhân lữ hành thắc mắc: khi nào sẽ có đường bay thẳng TP.HCM - Los Angeles, hoặc TP.HCM - San Francisco?

Những đường bay có khách nhưng không có máy bay!

Tuy ngành vận chuyển hàng không thế giới đã phát triển rất nhiều trong hơn một thế kỷ qua, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều thành phố lớn ở các châu lục chưa được các hãng hàng không quan tâm đúng mức, khiến việc di chuyển bằng máy bay đến hoặc đi từ những nơi ấy chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu. Điển hình, lâu nay nhiều doanh nhân lữ hành thắc mắc: khi nào sẽ có đường bay thẳng TP.HCM - Los Angeles, hoặc TP.HCM - San Francisco?

Đọc E-paper

B787-8 của Vietnam Airlines - Ảnh: Airplane Pictures.net

Theo phân tích của công ty nghiên cứu chuyên ngành hàng không quốc tế OAG (viết tắt của Official Airline Guide), toàn thế giới hiện có 50 đường bay thẳng (tức đường bay nonstop nối kết hai thành phố lớn mà không quá cảnh tại một sân bay thứ ba) quốc tế chưa được phục vụ đầy đủ (hoặc chưa có đường bay, hoặc đã có nhưng tần suất chuyến bay không đủ phong phú đáp ứng nhu cầu). Đó là những đường bay đến hoặc đi từ Jeddah (Ả Rập Sauđi), Fuzhou (Trung Quốc), Chennai (Ấn Độ), Bangkok (Thái Lan), TP.HCM (Việt Nam)... Đáng kể là có gần 20 đường bay có điểm khởi hành hoặc điểm đến  là Mỹ, có 10 đường bay đến hoặc đi từ Thái Lan, 9 đường bay đến hoặc đi từ Ả Rập Sauđi.

Theo OAG, đường bay quốc tế nonstop không được phục vụ thỏa đáng nhất chính là đường bay nối kết hai quốc gia Hồi giáo là Jakarta (Indonesia) với Jeddah (Ả Rập Sauđi). Vì số tín hữu Hồi giáo người Indonesia mỗi năm đều rủ nhau hành hương tới Thánh địa Mecca. Bốn đường bay còn lại trong Top 5 đường bay quốc tế nonstop không được các hãng khai thác thỏa đáng là New York (sân bay quốc tế JFK) - Tel Aviv (Israel); Bangkok - Paris; Bangkok - London và Los Angeles - TP.HCM.

Trong số 5 đường bay này chỉ có đường bay Los Angeles-TP.HCM là chưa hề được bất cứ hãng hàng không nào khai thác ở dạng bay thẳng, dù đó là hãng Mỹ hay hãng Việt Nam. Bốn đường bay kia đều đã có khai thác nhưng không có nhiều chuyến. Đường bay New York JFK - Tel Aviv mỗi năm phục vụ gần 240.000 lượt hành khách, nhưng hành khách phải bay nhiều chặng mới đến được nơi muốn đến.

OAG nhận định tầm hoạt động của máy bay là một trong hai yếu tố chính khiến nhiều đường bay không được các hãng khai thác ở dạng bay thẳng, chẳng hạn như các đường bay từ Mỹ đến các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, tình hình sẽ khác vì các hãng nay đã có các loại máy bay tầm xa hiện đại đủ khả năng phục vụ là những kiểu A350 XWB và B787-9. Hồi đầu tháng 6/2016, Hãng United Airlines đã có thể mở đường bay nonstop nối kết San Francisco với Singapore, khai thác bằng máy bay B787-9. Và đến gần cuối tháng 10/2016 sẽ đến lượt Singapore Airlines bay nonstop Singapore - San Francisco bằng máy bay A350-900.

Vật cản quan trọng thứ hai là giá vé bay nonstop thường cao hơn giá vé bay quá cảnh một hoặc hai sân bay rồi mới đến nơi muốn đến. Mà rất nhiều hành khách xuất phát từ các nền kinh tế đang phát triển không thích phải mua vé đắt khi bay xa liên lục địa, dù đó là chuyến bay thẳng giúp họ bay đến nơi nhanh hơn, giảm được thời gian chờ đợi nối chuyến ở sân bay thứ ba. Theo các nhà phân tích, những đường bay nonstop rất xa là những đường bay sinh lợi cao nhất vì đa số hành khách là giới doanh nhân, giới tài chính, giới công nghệ và giới kinh doanh biểu diễn rất cần bay nhanh đến nơi cần đến nên không ngại tiêu nhiều tiền.

Theo nghiên cứu của OAG, năm 2015, đường bay Los Angeles - TP.HCM (khoảng cách 8.159 dặm) có 203.259 hành khách đăng ký bay và phải quá cảnh ở một sân bay thứ ba vì đường bay này chưa có hãng nào khai thác bay thẳng (nonstop). Lâu nay, hành khách từ Việt Nam muốn bay đến Los Angeles đều phải phi hành tối thiểu hai chặng, chẳng hạn từ TP.HCM đến Đài Bắc, Hồng Kông, Manila, Tokyo, Seoul, Singapore... rồi sau đó mới bay tiếp đến Los Angeles.

Các hãng hàng không ngoại quốc hiện được hành khách khởi hành từ Việt Nam lựa chọn khi cần bay đến Los Angeles gồm có: All Nippon Airways, Cathay Pacific, China Airlines, China Southern Airlines, EVA Airways, Japan Airlines, Korean Air, Philippines Airlines, Singapore Airlines. Riêng Hãng Thai Airways đã không còn đường bay nào đến Mỹ từ tháng 10/2015.  

Bên cạnh đường bay Los Angeles - TP. HCM, OAG còn nhận diện được thêm ba đường bay khác đầy hứa hẹn có lưu lượng hành khách lớn đến hoặc đi từ Mỹ mà chưa có hãng hàng không nào khai thác. Đó là các đường bay Dhaka (Bangladesh) - New York, Bangkok - New York và San Francisco - TP.HCM. Ở mỗi đường bay này hiện nay các hãng cộng chung mỗi năm bán được trên 100.000 hành trình bay nối kết giữa các thành phố. Đường bay dài 7.828 dặm từ San Francisco đến TP.HCM năm 2015 có 127.016 hành khách đăng ký và phải bay quá cảnh một sân bay thứ ba.

Hãng Biman Bangladesh Airlines đã nhiều lần tỏ ý muốn khai thác tuyến bay nối kết Dhaka với thành phố New York nhưng cho đến nay điều ấy vẫn chỉ là ước vọng. Còn Vietnam Airlines cũng từ nhiều năm qua ấp ủ kế hoạch mở đường bay đến Bờ Tây nước Mỹ nhưng chưa thực hiện được.

Kề từ mùa Hè 2015, Vietnam Airlines đã có máy bay hiện đại A350-900 và B787-9 đủ khả năng bay xa đến San Francisco và xa hơn là Los Angeles, liệu hãng sẽ khánh thành đường bay Mỹ vào năm 2018 hay không? Vấn đề còn tùy thuộc vào việc Cục Quản trị hàng không Liên bang Mỹ (FAA) có cấp cho Việt Nam cấp 1 (Category 1), tức cho phép các hãng hàng không của Việt Nam được phép bay đến hạ cánh ở sân bay Mỹ vì hội đủ các điều kiện về khai thác bay an toàn từ khâu cất cánh ở sân nhà.

Cùng hoàn cảnh, Thai Airways đang chờ xem sắp tới đây FAA có quyết định cấp lại Category 1 cho ngành hàng không Thái Lan hay vẫn ở cấp 2 như từ hơn một năm qua. Nếu Cục Hàng không dân dụng Thái được FAA nâng lên cấp 1 trở lại thì Thai Airways mới có thể tái lập các đường bay đến Mỹ. Hãng dự kiến mở lại đường bay nonstop Bangkok đến San Francisco, hoặc phát triển đường bay nonstop mới hoàn toàn, từ Bangkok đến Seattle. Từ nay đến cuối năm 2016, Thai Airways sẽ nhận về 2 chiếc A350-900 và trong năm 2017 nhận thêm 5 chiếc loại này cùng 2 chiếc B787 Dreamliner.

United Airlines chia tay Việt Nam

* 11 năm, sau khi trở thành hãng hàng không Mỹ đầu tiên mở đường bay từ Mỹ đến Việt Nam, Hãng United Airlines sẽ tạm biệt thị trường Việt Nam vào cuối tháng 10/2016 tới đây. Lâu nay hãng bay này khai thác mỗi ngày một chuyến TP.HCM đi Hồng Kông rồi bay nối chuyến đến Chicago, New York (sân bay Newark), San Francisco. Trước đây, tuyến bay này được phục vụ bằng máy bay lớn B747-400 nhưng sau đó United Airlines đã đổi sang máy bay nhỏ B737-800. Trong suốt hơn một thập niên, United đã là hãng hàng không Mỹ duy nhất có nối kết trực tiếp với Việt Nam (hãng Delta Air Lines chỉ có thời gian ngắn khai thác điểm đến TP.HCM).

United Airlines ngừng bay đến TP.HCM - Ảnh: Airplane Pictures.net
* Cũng từ cuối tháng 10/2016, khi United chia tay TP.HCM thì ngược lại hãng bay lớn của Nhật (và cũng là đối tác quan trọng của United) là All Nippon Airways (ANA) sẽ tăng tần suất lên hai chuyến mỗi ngày nối kết Tokyo - Sân bay Narita với TP.HCM. Chuyến bay tăng thêm này giúp hành khách khởi hành từ TP.HCM có thể nối chuyến bay đến nhiều thành phố tại Bắc Mỹ hơn trong vòng 3 tiếng sau khi đến Narita. Chuyến bay tăng thêm được khai thác bằng máy bay B767-300ER với 35 ghế hạng thương gia và 179 ghế hạng phổ thông và tiến hành như sau:

NH833 rời Narita lúc 19g30, đến Tân Sơn Nhất lúc 0g30 (ngày hôm sau)

NH8344 rời Tân Sơn Nhất lúc 7g30, đến Narita lúc 15g30  

* Sự hiện diện của ANA tại Việt Nam càng tăng mạnh hơn khi hãng vé rẻ trực thuộc Vanilla Air sẽ khai trương đường bay nối kết Tokyo (Narita) với Đài Bắc và TP.HCM vào ngày 14/9/2016. Vanilla Air được nhượng quyền ở tuyến bay mới này, khai thác mỗi ngày một chuyến bằng máy bay A320-200.

Vanilla Air sẽ bay nối kết Tokyo - Đài Bắc - TP.HCM

>Chờ chuyến bay non-stop đến Bờ Tây

>Hấp dẫn ẩm thực trên các chuyến bay

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những đường bay có khách nhưng không có máy bay!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO