Những điều kỳ thú trong rừng già Amazon

TẠ BÍCH HÀ| 02/02/2018 06:20

Rừng Amazon, với phần lớn diện tích chưa mấy in dấu chân người, là nơi chứa đựng biết bao câu chuyện và truyền thuyết huyền bí. Từ Việt Nam, chúng tôi phải mất tới 36 tiếng mới đến được Manaus - thành phố lớn nhất vùng Amazon - nằm ngay bên bờ sông Negro.

Những điều kỳ thú trong rừng già Amazon
Ca-sau-rung-Juraca-1143-1517292092.jpg

Buổi sáng đầu tiên mở màn với chương trình đi bộ trong rừng tại khu vực Juraca. Tất cả chúng tôi đều mường tượng trong đầu cảnh rừng già rậm rạp, thâm trầm và bí hiểm như những gì nhìn thấy trong phim ảnh. Nơi đây đã từng có bộ lạc thổ dân sinh sống nhưng đáng tiếc là do khí hậu khắc nghiệt và mực nước sông dâng cao nên họ đã bỏ đi nơi khác.

Rừng nơi này không khác nhiều lắm so với rừng nhiệt đới tại Việt Nam, nên trong thâm tâm ai cũng có chút thất vọng. Song, điều thú vị là chúng tôi đã được hướng dẫn kỹ năng sinh tồn trong rừng rậm với cách tìm nước, đồ ăn, cách nhóm lửa từ pin (pin điện thoại, máy ảnh, máy tính...). Trong tình huống khẩn cấp, việc bạn chọn cái gì để mang theo sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn. Nếu phải lựa chọn, hãy bỏ tất cả tiền bạc và vật dụng, chỉ cần mang theo bất cứ viên pin nào có trong người.

Quá nửa thời gian trong năm các khu rừng nơi đây bị ngập nước. Tháng 6 - 7 hằng năm là đỉnh điểm với mực nước cao hơn thời điểm hiện tại (tháng 1 - 2) khoảng 6 - 10m. Những con cá sấu đen Caiman nổi tiếng hung dữ - chúa tể của Amazon - có chiều dài lên đến 6m. Ngoài ra, những đàn cá Piranha với hàm răng sắc như dao là mối đe dọa không chỉ với động vật mà còn với những người đến thám hiểm.

Tuy nhiên, bên cạnh một Amazon hung hiểm và huyền bí với toàn những loài động vật săn mồi đáng sợ thường được khắc họa bởi truyền thông hay các siêu phẩm Hollywood, còn có một Amazon khác cực kỳ dễ thương với những con vật thân thiện song ít được nhắc đến.

Chuoi-Manaus-8261-1517292092.jpg

Trong rừng luôn có những chú khỉ hiếu kỳ, những đàn chim nhiều màu sắc..., và dưới lòng sông Amazon có loài cá heo sinh trưởng và tồn tại được trong môi trường nước ngọt và nước lợ, thậm chí trong môi trường nước có độ pH cao như dòng Negro với màu đen kịt đặc trưng. Chúng tôi đã có cơ hội làm bạn và bơi cùng cá heo hồng Amazon, những tạo vật xinh xắn, thông minh và rất thân thiện.

Tại chợ địa phương, hai mặt hàng được bày bán nhiều nhất là chuối và cá. Chuối được bày bán với đủ mọi kích cỡ, màu sắc, từ những loại còn xanh cho đến chín hay đã ngả màu đen thẫm. Cá biệt có loại chuối rất to với quả dài tới 50cm và một buồng nặng đến 2 người khiêng, được khai thác từ những nơi xa tít trong Amazon rồi chuyển tới Manaus bằng thuyền. Tại chợ cá ngay bên cạnh, bạn có thể thấy gần như tất cả các loài cá nổi tiếng của Amazon được bày bán, từ loài cá lớn nhất Pirarucu được cắt thành những miếng nặng hàng ký lô, rồi cá hổ, cá chình... cho tới loài cá nổi tiếng Piranha.

Đến với Amazon, chúng tôi rất tò mò và mong mỏi được tận mắt nhìn thấy những bộ lạc thổ dân ăn thịt người, không hề biết đến văn minh hiện đại với cuộc sống săn bắt, hái lượm, ăn lông ở lỗ... để xem thực hư những lời đồn đại, phải chăng trong thế kỷ XXI này vẫn còn tồn tại nền văn minh của thời kỳ đồ đá.

Ngôi làng nhỏ nằm ngay bên bờ sông là của bộ lạc Kambeba - bộ lạc thiểu số ở lưu vực sông Amazon mà ngày nay còn lại với số lượng rất ít (156 người, theo điều tra năm 2000) mặc dù đã từng là bộ tộc đông đúc và có tổ chức ở thời kỳ trước khi Christopher Colombus khám phá ra nơi đây.

Người Kambeba trước đây còn được biết đến với cái tên tộc người đầu bẹt, bởi họ có phong tục ép chặt đầu từ bé bằng những dụng cụ như vòng tre, nứa để tự hào rằng mình là tộc người văn minh chứ không như những bộ tộc hoang dã đầu tròn khác trong Amazon. Tuy nhiên, tục ép bẹt đầu ngày nay đã không còn tồn tại mà họ chỉ đeo trên đầu những vòng tròn làm bằng gỗ hoặc tre nứa để nhắc lại truyền thống của ông cha.

Th-dan-Kambeba-2-4680-1517292093.jpg

Ngôi làng Kambeba chúng tôi tới thăm rất nhỏ, người dân di cư đến nơi này cách đây 25 năm với chỉ 7 người. Họ được cho là những người dũng cảm nhất để tìm đến cuộc sống tốt hơn, thoát khỏi mối đe dọa của bệnh dịch triền miên trong rừng sâu.

Trải qua 25 năm, cho tới nay cũng chỉ có hơn 60 người trong tộc Kambeba sống tại đây, mặc dù mỗi gia đình thường có từ 6 - 8 người con. Họ được Chính phủ hỗ trợ toàn bộ, từ y tế, giáo dục, điện v.v.. Ngôi làng này nằm sát ngay bên sông, nơi tập trung đỗ thuyền là bãi cát trắng mịn như bãi biển, chim chóc réo rắt trên cây với vô số các tổ chim treo lủng lẳng...

Có điều xung quanh làng chỉ có rừng và rừng, không thấy trồng cây quanh đó. Cuộc sống của họ vẫn dựa vào săn bắt, hái lượm các sản vật của rừng và sông, nên chúng tôi nhìn thấy da và xương cá sấu để la liệt quanh làng. Họ múa và hát bằng thổ ngữ một cách tự nhiên, không màu mè, trẻ con cũng như người lớn, ai nấy đều có cặp mắt trong veo dễ mến.

Tôi cảm nhận được người dân nơi đây có cuộc sống thật yên bình, không phải bon chen hay tranh giành. Nếu có, phải chăng chỉ là cuộc đấu tranh giữ gìn bản sắc văn hóa riêng biệt của chính mình để không bị thế giới văn minh ngoài kia làm thay đổi.

Nhưng điều này thật không dễ dàng, bởi họ có quyền mưu cầu cuộc sống no đủ, có quyền được hưởng mọi thành tựu của khoa học hiện đại, trong khi đó du khách, những người thuộc xã hội hiện đại đến đây lại vẫn muốn thấy họ ăn lông ở lỗ, săn bắt, đánh cá, sống theo kiểu tự cung, tự cấp... Nhìn thấy họ mặc quần jean, được công ty Samsung tài trợ các thiết bị điện tử như tivi, tủ lạnh..., trong đoàn du khách chúng tôi không ít người nén tiếng thở dài tiếc nuối...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những điều kỳ thú trong rừng già Amazon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO