“Khuyến khích du lịch - sau du khách là cơ hội việc làm”

Thảo Minh ghi| 30/06/2020 00:27

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã và đang tác động rất nghiêm trọng đến các doanh nghiệp du lịch, nhiều kịch bản được vẽ ra cho trạng thái mới của ngành du lịch sau mùa dịch. Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro và cần có giải pháp thay đổi nhằm phát triển du lịch Việt vượt qua khó khăn.

Thực trạng của ngành du lịch 

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - CEO Vietravel: “Dù kinh tế đang trở lại bình thường sau dịch nhưng áp lực giảm khách do dịch bệnh đã khiến nhiều doanh nghiệp du lịch gặp phải nhiều khó khăn. Theo tôi tình hình hiện nay của ngành du lịch Việt Nam có thể giải thích vui: “Trạng thái bình thường mới là hết dịch và nó mới ở chỗ là khách không có”.

Hiện nhiều ý kiến cho rằng, khách quốc tế thường được ưu tiên hơn khách nội địa nhưng điều đó không đúng với thực tế, ông Kỳ khẳng định. Ông nói: “Trong chỉ tiêu của ngành du lịch Việt Nam, không có việc khách nước ngoài được ưu tiên nhiều hơn, vì các công ty vẫn có yếu tố chỉ tiêu khách nội địa. Song du lịch nội địa luôn đóng vai trò chủ đạo ở rất nhiều địa điểm thăm quan du lịch nổi tiếng ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi tuyên truyền, quảng cáo thì việc khách quốc tế thường được biết đến nhiều hơn và ít đề cập đến nguồn du lịch nội địa. Ví dụ, tham quan chùa Hương, Yên Tử, Ninh Bình hay du lịch những địa điểm tại Sài Gòn, xuôi về miền Tây thì lượng khách nội địa vẫn là chủ đạo. Nhưng phải đến khi lượng khách nước ngoài mất đi thì bắt đầu mọi người mới “quan tâm” đến số lượng khách nội địa đi du lịch trong nước. Đây là một trong những thiếu sót của mảng truyền thông dẫn đến nhiều thông tin không tiếp cận được với nhiều khách hàng của doanh nghiệp”. 

buu-dien-3192-1593071505.jpg

Bưu điện Trung tâm Sài Gòn là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch khi đến tham quan TP.HCM

Với lượng khách du lịch như vậy, sẽ có những khó khăn lớn đối với doanh nghiệp. Khó khăn lớn nhất là khách du lịch trong nước sẽ bị phân tán và sẽ có những khác biệt so với khách đi du lịch quốc tế. Nhiều công ty du lịch chỉ đón khách quốc tế trước đó, khi chuyển sang thị trường nội địa sẽ khó khăn vì không có đội ngũ phục vụ khách nội địa cũng như đội ngũ làm thị trường. Cùng lý do trên, những công ty phục vụ khách Việt Nam đi ra nước ngoài cũng sẽ gặp khó khăn, nên tổng thể ngành du lịch sẽ gặp khó khăn. Những đơn vị phục vụ đều cả ba mảng thị trường thì khó khăn sẽ được giảm xuống do có thị trường trong nước. Ví dụ như Vietravel, một năm Vietravel phục vụ cho khoảng 400.000-500.000 khách đi trong nước.

Rủi ro nếu mở cửa sớm

Cũng theo ông Kỳ, trong bối cảnh hiện nay, rủi ro sẽ cao nếu ngành du lịch mở cửa sớm khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn. Rủi ro lớn nhất là nếu trong quá trình di chuyển đến những quốc gia, địa điểm tham quan không cẩn thận, chúng ta sẽ để làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại. Báo chí Trung Quốc đưa tin rằng 100 triệu dân ở tỉnh Cát Lâm đã tiếp tục thực hiện cách ly lại và tiến hành phong tỏa một số thành phố như Thư Lan... Những khoản đầu tư vừa bỏ ra để khởi động lại nền kinh tế mất sạch giống như là bẫy kép, đòn bồi chết. Vì thế, chúng ta cần phải đảm bảo an toàn trước nhu cầu du lịch, yếu tố an toàn là quyết định.

Nhu cầu của khách du lịch nước ngoài hay khách Việt đi du lịch nước ngoài trong những tháng tới cũng phải được đảm bảo an toàn. Du lịch chỉ có thể mở cửa nếu an toàn, liều lĩnh mở cửa chính là tự sát. Vì thế các công ty phải cân nhắc rất kỹ, tính toán, xây dựng những thị trường an toàn để mở cửa dưới quyết định và sự cho phép của Chính phủ.

Doanh nghiệp du lịch cắt giảm lợi nhuận

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhằm kéo khách thì doanh nghiệp phải chấp nhận thắt chặt chi phí bỏ cả lợi nhuận. Nhiều đơn vị thiết kế những gói dịch vụ giá rẻ thậm chí là dưới giá thành để có thể tiếp cận và khơi dậy nhu cầu của khách. Nhưng chiến lược này cũng không thể kéo dài lâu được. Những đơn vị đặt giá dưới chi phí thì bắt buộc phải tính toán lại để đảm bảo dần cân bằng được giá và chi phí. Nhưng nếu mà giá cao hơn mặt bằng chung của thị trường thì khách không chịu nổi hoặc là doanh nghiệp sẽ không cạnh tranh nổi. 

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp du lịch dự báo rằng du lịch nội địa chắc chắn sẽ đóng vai trò chủ đạo trong năm 2020. “Theo tôi, nếu nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ từ các chính sách tốt thì quy mô thị trường nội địa từ nay đến cuối năm sẽ đón khoảng 35-40 triệu khách/năm khi thị trường khách quốc tế vào Việt Nam được mở ra được vào quý IV và quản trị tốt thì quy mô tối đa của thị trường cũng chỉ có thể đạt được 5-6 triệu khách”, ông Kỳ chia sẻ.

Đại dịch Covid-19 cũng mang lại cơ hội phát triển du lịch số hóa “ít chạm”. Đối với du lịch ít chạm, số hóa là một trong những cách để làm giảm sự tiếp xúc của khách trong bối cảnh dịch bệnh chưa kết thúc, và thế giới vẫn còn vật lộn với dịch bệnh. Thế nên việc du lịch số, có thể là xu hướng trong năm 2020 và cả tương lai. Song, không phải đối tượng nào cũng có thể số hóa. Du lịch ít chạm hay số hóa chỉ phù hợp với khách hàng phân khúc trung hoặc thấp, nhóm khách hàng “free & easy”. Nên vẫn cần sự tồn tại của tư vấn du lịch trực tiếp để dễ tiếp cận, phục vụ ở phân khúc khách hàng cao.

benthanh-1-3740-1593510415.jpg

Giải pháp phát triển du lịch Việt?

Theo  đề xuất của ông Kỳ, chính sách Chính phủ sẽ tặng tiền cho người dân đi du lịch trong nước để kích cầu như một số quốc gia từng thực hiện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều cho rằng nước ta ngân sách eo hẹp, có quá nhiều thứ phải lo, còn phải giảm thuế thì biện pháp này có khả thi? Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay “vốn mồi” và tác động domino có thể kéo được cả hệ thống lên. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tổng hợp, song bản thân du lịch cũng không thể nào tự mình phục vụ được nếu không có sự hỗ trợ, góp sức của nhiều ngành đặc biệt là của Chính phủ. Vậy để vực dậy một ngành kinh tế mũi nhọn thì rất cần Chính phủ đầu tư từ chính sách đến đầu tư trực tiếp.

Doanh nghiệp du lịch cần được đầu tư để giảm bớt giá thành, khuyến khích được thực khách, người dân đi du lịch nhằm tạo ra được một hệ thống doanh thu đằng sau. Người dân tiêu dùng, toàn bộ hệ thống đằng sau sẽ được hưởng lợi từ việc có khách đi du lịch. Đó là một biện pháp có thể giải quyết nhu cầu sống của người dân, hệ thống hưởng lợi đằng sau trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Lấy ví dụ, ở Phú Quốc, một anh lái cano rất vui vì khách quay trở lại vì lần đầu tiên sau 5 tháng ngồi trên bờ và không có khách. Anh bảo: “Ôi, may quá, sáng giờ tôi được 4 khách và tôi thu được 800.000 đồng, còn hơn là ngồi trên bờ”.

Như vậy, khi khách du lịch đến thì toàn bộ hệ thống đằng sau, người bán hàng được hưởng, người hướng dẫn viên cũng được hưởng. “Đừng nghĩ rằng tại sao đang khó khăn lại đưa tiền cho họ đi du lịch vì trong một xã hội nếu cần kéo lên, thì chúng ta cần đầu tư trọng điểm, không phải tất cả đối tượng cần đầu tư đi du lịch, và những người không có tiền thì không được đi du lịch,... Khuyến khích là để sau lưng du khách, từ đó những người bị yếu thế có cơ hội có việc làm, ông Kỳ nói. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Khuyến khích du lịch - sau du khách là cơ hội việc làm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO