Du lịch trong nước: Thế "gà mắc tóc"

Ý NHI| 06/12/2012 09:30

Làm sao du lịch trong nước có thể phát triển mạnh hơn khi hầu hết các doanh nghiệp (DN) du lịch đều vướng phải quá nhiều khó khăn từ chính sách cho đến nhân lực, thuế, an ninh xã hội...?

Du lịch trong nước:  Thế

Làm sao du lịch trong nước có thể phát triển mạnh hơn khi hầu hết các doanh nghiệp (DN) du lịch đều vướng phải quá nhiều khó khăn từ chính sách cho đến nhân lực, thuế, an ninh xã hội...?

Đọc E-paper

Ngành du lịch đang phát triển khá mạnh và mang lại lợi ích kinh tế lớn (khoảng 5,5 tỷ USD/năm) dù trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái. Nhưng hiện nay, quản lý nhà nước đối với ngành này còn nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng đến việc phát triển.

Vì thế, tại hội nghị "Lấy ý kiến doanh nghiệp du lịch phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch" vừa được tổ chức tại TP.HCM, không hẹn mà gặp, hầu hết các DN trong ngành cùng lên tiếng "tố khổ”.

Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Vũ Thế Bình dẫn chứng: "Nhà nước điều chỉnh giá thuê đất tăng hơn 10 lần so với trước khiến nhiều DN du lịch chết đứng; giá điện, giá nước của các DN trong lĩnh vực du lịch luôn cao hơn rất nhiều so với DN ở nhiều ngành kinh tế khác, nhiều chính sách ban hành mang tính cục bộ, gây khó khăn cho phát triển du lịch".

Đại diện Công ty Du lịch Alex phản ánh, tình trạng mất an toàn trong thời gian gần đây tại Việt Nam gia tăng, gây hoang mang cho khách du lịch. Chỉ riêng Công ty đã có 7 - 8 trường hợp khách du lịch bị giật túi xách.

Trong khi đó, bức xúc về vấn đề nhân lực, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt cho biết, trong khi khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng thì cả nước chỉ có vài trăm hướng dẫn viên quốc tế.

Chưa kể hướng dẫn viên tiếng Nga, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha... đang rất hiếm, trong khi đó theo quy định mới đây, hướng dẫn viên phải đạt trình độ đại học. Quy định này đã không chỉ gây khó khăn cho DN du lịch, mà vô hình trung còn đẩy giá du lịch lên cao do khan hiếm hướng dẫn viên.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Đồng Tháp đề nghị Nhà nước kết hợp với DN để quy hoạch lại một số tuyến điểm du lịch có chiều sâu để giữ chân khách, vì hiện nay một số điểm tham quan, du lịch ở miền Tây đang xuống cấp hoặc chỉ là điểm dừng chân để đi tiếp chứ chưa đủ hấp dẫn và điều kiện để giữ khách lưu lại.

Một vấn đề cũng gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động du lịch trong nước, đó là giá cả dịch vụ không ổn định, nhất là vào dịp lễ, Tết, trong khi giá tour nước ngoài thì ổn định. Điều này vô hình trung kích cầu cho du lịch nước ngoài, nhất là vào những dịp lễ, Tết có ngày nghỉ dài.

Là công ty du lịch có đầu tư đội xe khá lớn, bà LêThị Như Hà, đại diện Công ty Du lịch Hòa Bình, lại chia sẻ một khó khăn khác. Đó là quy định niên hạn sử dụng xe du lịch chỉ trong vòng 10 năm khiến các công ty du lịch ít dám đầu tư nguồn xe do không hiệu quả, rủi ro về quản lý nên giá du lịch cũng bị ảnh hưởng và khó cạnh tranh.

Về chính sách thuế, bà Hà cũng cho rằng, vẫn còn khúc mắc do giá đất thuê hiện nay là giá thị trường, mà giá thị trường hiện đang là giá ảo. Do vậy, ảnh hưởng đến các DN đầu tư du lịch vì giá đất cao, đã vậy cách tính thuế được tính đều trên diện tích (bao gồm cả công viên, khu công cộng) là không hợp lý và làm cho giá các khu nghỉ dưỡng, du lịch bị đẩy lên cao, góp phần tạo thêm hạn chế cạnh tranh cho các DN.

Cùng bức xúc về vấn đề thuế, đại diện Hiệp hội Du lịch Vũng Tàu cho rằng, Nhà nước và Bộ Tài chính vẫn còn "hắt hủi" DN trong nước. DN trong nước đầu tư cho dự án khách sạn 5 sao, chúng tôi phải trả lãi suất, thuế nhập khẩu vật liệu xây dựng, nội thất rất cao, trong khi DN nước ngoài đầu tư thì được miễn thuế khi đem vật liệu vào Việt Nam và vay vốn ở nước ngoài trả lãi ít hơn.

Ông Trịnh Quang Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt – Nga, cho biết, công ty của ông đang đầu tư resort ở Côn Đảo, giá thuê đất 7,2ha ở đây là 4,6 tỷ đồng. Trong khi một DN thuê 10ha đất ở Xuyên Mộc, điều kiện đầu tư gần hơn, thuận lợi hơn rất nhiều thì chỉ trả 3 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch trong nước: Thế "gà mắc tóc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO