Điều lạ ở xứ Thanh

LỘC MINH| 27/02/2012 09:15

Trên “bản đồ du lịch” Việt Nam, Thanh Hóa vốn được biết đến với những địa chỉ mang tầm quốc gia, như Vườn Quốc gia Cúc Phương, Vườn Quốc gia Bến Én, Khu du lịch biển Sầm Sơn, Khu Di tích thành nhà Hồ... Vùng đất cực bắc của miền Trung Việt Nam này còn sở hữu những hiện tượng thiên nhiên lạ lùng mà nhiều người chưa biết, hay biết mà chưa giải thích được...

Điều lạ ở xứ Thanh

Trên “bản đồ du lịch” Việt Nam, Thanh Hóa vốn được biết đến với những địa chỉ mang tầm quốc gia, như Vườn Quốc gia Cúc Phương, Vườn Quốc gia Bến Én, Khu du lịch biển Sầm Sơn, Khu Di tích thành nhà Hồ... Vùng đất cực bắc của miền Trung Việt Nam này còn sở hữu những hiện tượng thiên nhiên lạ lùng mà nhiều người chưa biết, hay biết mà chưa giải thích được...

Gặp “cá chúa” thấy được mùa

Từ Hà Nội, trên cung đường Hồ Chí Minh hướng về phía nam, vượt qua 150km, chúng tôi đến địa phận Thanh Hóa. Dòng sông Mã uốn khúc ngoạn mục cùng lớp lớp sóng dưới cầu Cẩm Thủy.

Xuống xe, đi bộ men dòng suối rộng chừng 3 mét, du khách ồ lên ngạc nhiên lẫn thích thú: cá, cơ man là cá!

Suối Cá Thần Cẩm Lương - Mó Ngọc nằm bên chân núi Trường Sinh thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy tấp nập người háo hức chứng kiến sự kiện hiếm thấy: hàng ngàn con cá lượn lờ dọc suối rồi chui vào một cửa hang gần như bị phủ kín bởi rong rêu.

Cá ở đây đủ màu sắc, hình dạng là sự tổng hợp của nhiều loại cá quen thuộc: mình tròn lẳn như cá lóc, miệng cá trê, vẩy và đuôi hệt cá chép. Kỳ lạ nhất là môi chúng hồng hồng giống như có một lớp son, khi bơi lấp lánh ánh vàng ánh bạc. Người Mường đặt tên cho chúng là cá phốc.

Càng gần nơi cửa hang đá nhấp nhô và rễ cây bò bám tựa đàn rắn thì cá càng nhiều. Con nào con nấy ít nhất hai - ba ký, lượn lờ dưới làn nước trong veo. Cá ở đây dạn vô cùng, chúng sẽ ăn ngay trên tay bạn khi bàn tay có thức ăn cho chúng của bạn vừa chạm mặt nước.

Thật thú vị khi cảm nhận làn môi mềm mại, lành lạnh của những chú cá xinh xắn. Chúng còn đứng im, nghếch mắt lên nhìn một cách khoái chí nếu được người vuốt nhè nhẹ lên đầu.

Có đến hàng vạn con cá xúm xít quanh miệng hang. Tôi tò mò ngó vào lòng hang, bắt gặp một cảnh tượng kỳ lạ: một con cá mắt hai mí xanh đỏ rõ rệt, đuôi lấm tấm đỏ viền xanh, mang hồng hồng, đĩnh đạc bơi giữa một bầy tùy tùng cá nhỏ ra khỏi hang.

Cụ bà người Mường bán bắp nướng gần đó chắp hai tay vái lia lịa. Bà nói: “Cá chúa đó! Cá chúa mà xuất hiện thì thế nào năm nay cũng được mùa”.

Suối Ngọc lúc nào cũng trong veo. Đặc biệt, cá nhiều như vậy mà nước suối không chút mùi tanh. Điều này được chính các du khách ngoại quốc thừa nhận. Thái Lan, Hồng Kông, Singapore cũng có những suối cá, nhưng không ở đâu mật độ nhiều, cá đẹp và nước sạch như ở đây.

Theo người địa phương, sự sung túc của đàn cá biểu hiện cho sự bình yên, no ấm của cuộc sống dân Mường; từ bao đời nay không ai dám ăn thịt cá, chỉ cúng bái và chiêm ngưỡng.

Ổi... cười bên lăng Vua Lê

Rời suối Cá Thần, sau hơn một giờ di chuyển bằng ô tô, chúng tôi đến Lam Kinh - quê hương đất tổ của Vua Lê Thái Tổ. Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, năm 1428, Vua Lê Lợi quyết định xây thành Lam Kinh (còn gọi là Tây Kinh) hoành tráng diễm lệ.

Phía bắc dựa vào núi Dầu (Du Sơn), phía nam nhìn ra sông Chu - có núi Chúa làm tiền án, núi Phú Lâm uốn lượn thành hình cánh cung che chắn phía đông, núi Hướng và núi Hàm Rồng che chắn phía tây - thành Lam Kinh ở thế sơn thủy hữu tình.

Ngọ môn thành điện Lam Kinh là một công trình kiến trúc nguy nga, bốn cột giữa có đường kính chân tảng đo được 78cm.

Qua cầu Bạch - Tiên Loan Kiều bắc qua sông Ngọc, du khách thích thú tiến vào sân rồng trải rộng khắp bề ngang chính điện Lam Kinh (tổng diện tích 3.539,2m2). Nối giữa sân rồng và chính điện là thềm rồng gồm 9 bậc với hai đôi rồng đá được khắc tinh xảo, đặc trưng của rồng thời Lê.

Vĩnh Lăng - nơi an nghỉ của Vua Lê Thái Tổ, là vị trí quan trọng nhất trong khu sơn lăng. Bia Vĩnh Lăng - tấm bia thuộc loại lớn nhất nước ta, mô tả ngắn gọn, cô đọng gia tộc, thân thế, sự nghiệp, công lao của Vua Lê, do Nguyễn Trãi biên soạn.

Mọi người thành kính thắp hương dâng Vua Lê và ngẩn ngơ trước tác phẩm nghệ thuật văn bia, ngạc nhiên với sự giàu có của kho tàng văn hóa di sản Việt Nam.

Kế bên mộ Vua Lê Lợi có một cây ổi, thân to chỉ cỡ cổ tay nhưng luôn tỏ ra vững chãi trước dông gió. Người ta bảo, lấy ngón tay vuốt nhẹ lên thân là cây ổi rung rinh như đang cười rúc rích.

Đợi lúc vắng du khách, canh lúc trời yên gió lặng, tôi nhẹ đặt ngón tay trỏ lên thân cây lướt qua lướt lại êm ái, chợt hết hồn rụt tay lại khi thấy cây lá cành quả xao động lào xào, đong đưa... Nghe nói, nhiều nhà khoa học cũng từng mục sở thị nhưng chưa thể giải thích hiện tượng này...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điều lạ ở xứ Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO