"Đệ nhất" lồng chim xứ Huế

VĂN THÔNG| 13/12/2012 09:50

Ông Đoàn Minh Căn ở làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) được mệnh danh là "đệ nhất lồng chim xứ Huế”. Ông được nhiều người biết đến bởi tài nghệ chế tác lồng chim độc đáo có một không hai.

Ông Đoàn Minh Căn ở làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) được mệnh danh là "đệ nhất lồng chim xứ Huế”. Ông được nhiều người biết đến bởi tài nghệ chế tác lồng chim độc đáo có một không hai.

Đọc E-paper

Ông Đoàn Minh Căn miệt mài chế tác các tác phẩm

Ngôi nhà khang trang của ông tại làng Dương Nỗ luôn ồn ào bởi tiếng máy cắt ù ù, tiếng đục đẽo của những thợ trẻ. Đó là những học trò đang cùng ông cần mẫn chế tác những chiếc lồng chim độc đáo và công phu.

Ông Căn cho biết, ngày trước, ít người nuôi chim cảnh nên ông chủ yếu làm thủ công, nhưng hiện nay đời sống phát triển, rất nhiều người có thú vui tao nhã này nên nhu cầu theo đó mà tăng cao. Ông phải mua sắm nhiều loại máy móc hiện đại mới làm kịp để đáp ứng nhu cầu của người chơi chim cảnh.

Sinh năm 1966 tại làng Dương Nỗ, trong một gia đình thuần nông nghèo nhưng ông Căn đam mê điêu khắc và hội họa. Trong những lần lên phố chơi, khi đi qua những xưởng chế tác lồng chim, chàng trai trẻ Đoàn Minh Căn đã bị cuốn hút bởi những lồng chim được chạm trổ rất cầu kỳ và đẹp mắt.

Năm 1982, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông không học lên cao nữa mà quyết định theo học nghề điêu khắc để thỏa mãn niềm đam mê của mình.

Nơi đầu tiên ông đến học là xưởng điêu khắc của nghệ nhân được mệnh danh là "bàn tay vàng" thời bấy giờ, ông Lê Đăng Duân. Sau khi học hỏi được một số kinh nghiệm, ông xin vào làm cho một xí nghiệp mộc mỹ nghệ để có tiền trang trải cuộc sống.

Năm 1985, xí nghiệp mộc giải thể, ông lại xin học nghề ở xưởng chạm khắc mỹ nghệ của nghệ nhân Phạm Thế Huề, một người thợ nổi tiếng trong việc chạm khắc các công trình trong hoàng cung thời Nguyễn, để nâng cao tay nghề.

Sau hơn hai năm học tại đây, ông trở về làng Dương Nỗ mở xưởng và từ đó đến nay gắn liền với việc làm lồng chim kiêm đào tạo nghề cho con em của dân trong vùng.

Chiếc lồng chim độc đáo "Thập nhị hoa giáp quần tiên"

Gần 20 năm trong nghề, có lẽ ông là một trong số ít người đam mê sáng tạo cũng như chế tác những chiếc lồng chim cầu kỳ trong thời gian dài đến thế. Ông luôn tâm niệm, mỗi lồng chim do mình tạo ra không phải là sản phẩm bình thường mà là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, để khách hàng cảm thấy họ không chỉ chơi chim mà còn chơi cả lồng nữa.

Yếu tố quan trọng nhất để làm được chiếc lồng chim đẹp, bền là nguyên vật liệu. Ông cho biết, tất cả các lồng chim đều được làm bằng tre, nhưng không phải loại tre nào cũng làm được.

Loại tre ông chọn là tre già mọc trong rừng vì chúng rất bền, dẻo, có màu sắc đẹp, sáng, rất thích hợp để chế tác cũng như tạo dáng cho lồng chim. Vì là tre trong rừng nên rất hiếm, ông thường phải đặt tiền trước cho người dân để thuê họ đi lấy nhưng vẫn không có đủ, phải liên lạc với nhiều mối ở Tây Nguyên và cả ở ngoài Bắc nữa.

Khi chúng tôi đến cũng là lúc ông sắp hoàn thành những khâu cuối cùng của chiếc lồng "đầu rồng". Ông cho biết, chiếc lồng này do một khách hàng tại TP.HCM trực tiếp ra đặt và phải mất hơn hai tháng mới hoàn tất.

Nhìn đôi tay ông tỉ mỉ, nhẹ nhàng đục đẽo những chi tiết độc đáo, phức tạp, sinh động cho tác phẩm như: nụ hoa, đôi mắt rồng, hay những giọt sương long lanh trên lá; nhìn những giọt mồ hôi nhễ nhại, thấm ướt áo ông càng thấy trân trọng công sức, tâm huyết cũng như cách ông thổi hồn vào tác phẩm của mình.

"Phải đam mê và yêu nghề thì mới mang lại sức sống cho mỗi tác phẩm của mình được", ông Căn chia sẻ.

Quả đúng vậy, có thể nói, mỗi lồng chim ông Căn tạo ra là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, với những nét chạm trổ tinh xảo bởi bàn tay tài hoa của ông và là kết quả của sự cần cù hiếm thấy.

Cầu Trường Tiền, núi Ngự, sông Hương, chùa Thiên Mụ..., những cảnh đẹp nổi tiếng của xứ Huế được ông lồng ghép vào trong mỗi tác phẩm một cách tài tình. Những giá trị văn hóa được ông tô điểm, làm cho chúng trở nên sống động trong mắt người chiêm ngưỡng.

Hầu hết khách hàng của ông là những người có điều kiện kinh tế khá giả, đặc biệt rất đam mê thú chơi chim cảnh nên ngoài sưu tầm những loài chim đẹp, quý hiếm, họ còn rất quan tâm đến ngôi nhà cho chim, "nhà” phải vừa đẹp, vừa "độc" để họ thêm phần hãnh diện.

Vì thế, họ sẵn sàng bỏ ra tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu để mua những chiếc lồng sao cho xứng tầm với con chim quý. Nắm bắt được tâm lý đó nên ông Căn luôn tìm tòi để đổi mới kiểu dáng lồng chim nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Có lẽ bởi thế mà những sản phẩm của ông đều có giá rất cao, thông thường, một chiếc lồng có giá dao động từ 5-20 triệu đồng. Còn những chiếc đặc biệt do khách hàng đến tận nơi đặt phải làm trong thời gian dài vì độ công phu cũng như phải mất công tìm đúng nguyên liệu nên có giá từ 40-50 triệu đồng.

Những chi tiết tạo nên lồng chim mang đậm giá trị nghệ thuật

"Thời gian làm một lồng chim khá dài, đầu tiên phải thiết kế hình dáng chiếc lồng theo đúng yêu cầu của khách, nhiều khi phải mất cả tuần lễ cho công đoạn này. Sau đó phải tỉ mỉ chế tác từng chi tiết nhỏ nhặt cho đến khi sản phẩm hoàn thành. Thế nên thường không có khách hàng nào phàn nàn về giá thành của nó”, ông Căn cho biết.

Tài năng của ông đã được minh chứng tại Hội chợ Triển lãm Làng nghề Việt Nam năm 2009 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Huế: chiếc lồng chim bằng tre có tên gọi "Thập nhị hoa giáp quần tiên" của ông đã vượt qua hàng trăm sản phẩm để đạt giải nhất vì được chế tác rất công phu và có tính thẩm mỹ cao.

Chiếc lồng chim được làm bằng tre rừng, phía trên cùng là chiếc móc hình con phượng đang bay lượn, tiếp theo là bộ chào móc bốn nhánh được chạm trổ hình tiên cưỡi hổ và rồng, ở giữa chạm hình quả bầu xuyên hình hoa lá.

Cầu chính nơi chim đậu được chế tác hình hai con rồng đối ngược nhau, cạnh đó là nơi cho chim ăn uống được chế tác hình quả đào tiên... Đặc biệt là bức phù điêu "Thập nhị hoa giáp quần tiên" ở mặt đáy của lồng được chạm trổ tinh xảo với các ông tiên quần với 12 con giáp trên nền phong cảnh núi non, nhà cửa, chùa chiền...

Với sự tài hoa bậc thầy về chế tác lồng chim, sản phẩm ông làm ra được nhiều người biết đến, lồng chim của ông không những có mặt tại Huế mà còn có ở khắp nơi, từ Đà Nẵng, Hà Nội đến TP.HCM..., và còn được xuất khẩu sang nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia...

Với khả năng sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ trong việc chế tác lồng chim, ông xứng đáng với tên gọi "Đệ nhất lồng chim xứ Huế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Đệ nhất" lồng chim xứ Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO