Cách tạo nên một kỳ nghỉ hoàn hảo

26/10/2015 06:24

Những kỳ nghỉ khiến chúng ta thấy vui vẻ, khỏe mạnh hơn, nó quan trọng với sức khỏe không kém gì đi ngủ, giúp chúng ta giảm nguy cơ bị bệnh tim và trầm cảm, giảm căng thẳng và đưa tới năng suất cao...

Cách tạo nên một kỳ nghỉ hoàn hảo

Có bao giờ bạn cảm thấy mệt mỏi sau một kỳ nghỉ? Có bao giờ bạn cảm thấy thất vọng vì đầu tư nhiều tiền bạc, thời gian cho kỳ nghỉ mà hiệu quả lại quá ít ỏi? Có thể do bạn chưa biết cách “đạo diễn” một kỳ nghỉ hoàn hảo.

Mỗi khi có một dịp nghỉ lễ dài ngày, bạn và gia đình hẳn lại băn khoăn suy nghĩ không biết mình nên đi nghỉ ngắn ngày hay dài ngày, nên đi đến một nơi nào nó thật mới lạ hay đến một nơi quen thuộc, gần gũi?

Thực tế, tất cả những câu hỏi mà bạn đặt ra trước khi đi du lịch đều nhắm đến một cái đích cuối cùng, đó là tạo ra một kỳ nghỉ lý tưởng nhất, khiến bạn và gia đình cảm thấy tràn trề năng lượng, vui vẻ, hạnh phúc hơn, giảm căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống rồi sau đó hứng khởi quay về với nhịp sống thường nhật.

Để đạt được cái đích tối cao đó, xin tiết lộ với bạn: Đi du lịch thật xa, có một kỳ nghỉ thật dài, đến một nơi thật lạ, cũng chưa chắc đưa lại kết quả tuyệt vời như một kỳ nghỉ ngắn ngày. Bí quyết để tạo nên một kỳ nghỉ hoàn hảo, đó là những ngày trước và sau kỳ nghỉ.

Trước kỳ nghỉ

Hãy lên kế hoạch, suy nghĩ về những việc thú vị bạn sắp làm trong kỳ nghỉ. Điều này sẽ đưa lại những xúc cảm vui tươi, phấn khích hơn. “30 vui hơn Tết” là vậy.

Niềm vui “hậu du lịch” thực tế tan biến rất nhanh chóng. Hãy nuôi cảm giác hạnh phúc từ lúc bạn còn chưa bước chân ra khỏi nhà.

Trong kỳ nghỉ

Cảm giác khỏe mạnh, hạnh phúc thường lên tới đỉnh cao ở ngày thứ 8 và chỉ kéo dài trong khoảng 2 ngày. Vì vậy, một kỳ nghỉ ngắn ngày là đủ để gia tăng cảm hứng trong cuộc sống.

Nếu gia đình bạn thường “hy sinh” những kỳ nghỉ ngắn để tích lại, có một kỳ nghỉ dài, có thể bạn nên cân nhắc lại.

Những nghiên cứu khoa học được các tiến sĩ ở trường Đại học Tampere, Phần Lan thực hiện đã cho thấy những kỳ nghỉ ngắn nhưng diễn ra thường xuyên trong suốt cả năm sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn một kỳ nghỉ dài duy nhất trong năm.

Đi du lịch cũng giống như… đi ngủ. Bạn cần thường xuyên đi ngủ mỗi ngày để phục hồi trí lực. Đi du lịch cũng vậy. Bạn cần thường xuyên có những kỳ nghỉ để sau một chặng thời gian nhất định lại được hồi phục để tiếp tục chạy “việt dã” đến hết năm.

Những kỳ nghỉ khiến chúng ta thấy vui vẻ, khỏe mạnh hơn, nó quan trọng với sức khỏe không kém gì đi ngủ, giúp chúng ta giảm nguy cơ bị bệnh tim và trầm cảm, giảm căng thẳng và đưa tới năng suất cao, tính sáng tạo dồi dào hơn trong công việc…

Chẳng hạn, bạn có một kỳ nghỉ kéo dài hơn 20 ngày, thì cảm giác hưng phấn cao độ nhất đến vào ngày thứ 8, sau đó, sự hưng phấn này dần sụt giảm trong những ngày sau. Vì vậy, một kỳ nghỉ dài 8 - 9 ngày là lý tưởng nhất để đạt được tất cả những lợi ích có được từ việc đi nghỉ ở xa.

Ngoài ra, khi đi du lịch, bạn không nên để tất cả mọi thứ diễn ra ngẫu hứng, hãy lên kế hoạch, hãy tưởng tượng về kỳ nghỉ, rằng bạn sẽ đi đâu, làm gì, có ý tưởng gì mới lạ đặc biệt không… Chính việc dự trù trước này sẽ đưa lại cảm giác thỏa mãn hơn đối với kỳ nghỉ.

Chính khi chúng ta thử trải nghiệm trước bằng trí tưởng tượng, cảm xúc bỗng trở nên phấn khích cao độ. Một khi trải nghiệm đã trôi qua rồi, chúng ta lại có cảm giác mơ hồ, xa xăm đối với những trải nghiệm đã có.

Thêm nữa, việc nới lỏng tự do cho bản thân khi đi nghỉ cũng khiến bạn thấy hạnh phúc hơn. Hãy nhớ tắt chuông báo thức để bạn có thể ngủ liền mạch và chỉ thức dậy khi cơ thể cảm thấy đã ngủ đủ. Bình thường, bạn không có cơ hội để được thức dậy một cách tự nhiên như vậy.

Cũng đừng bắt mình phải đi đến tất cả những nơi, làm tất cả những việc mà người khác làm khi đi du lịch, bạn hãy là người quyết định mình sẽ đi đâu, làm gì, thoải mái sử dụng thời gian theo ý thích, đừng tự gây áp lực.

Đặc biệt, hãy tách rời khỏi công việc 100%. Hãy để những người thường liên lạc với bạn vì công việc được biết bạn đang đi nghỉ, như vậy, họ sẽ hạn chế tìm đến bạn. Bản thân bạn cũng nên cố gắng “cách ly” khỏi những mối bận tâm về công việc.

Việc này giống như bạn hoàn toàn tắt điện khi đi ngủ, một giấc ngủ sâu và trọn vẹn trong bóng tối. Có ánh sáng, bạn đâu thể ngủ dễ dàng được?

Kỳ nghỉ cũng vậy, hãy để nó hoàn toàn là một kỳ nghỉ, không chút dính dáng công việc. Tuy vậy, cũng có những người cảm thấy bất an khi hoàn toàn “ngắt kết nối” với công việc.

Trong trường hợp này, hãy tự đặt ra một khoảng thời gian vào buổi sáng và buổi tối để kiểm tra email, điện thoại. Việc bạn tắt điện thoại khi ở bên người thân trong kỳ nghỉ rất quan trọng, và đừng luôn luôn sử dụng máy ảnh, máy quay.

Đôi khi, chính việc bạn “tham lam” muốn lưu lại mọi khoảnh khắc, khiến bạn bỏ lỡ những cảm xúc chân thực.

Bạn cũng đừng nên trở đi trở lại với một vài trải nghiệm quen thuộc hoặc điểm đến “đã cũ”, bởi lúc này không còn gì mới lạ, ấn tượng dần nhòa mờ.

Nếu không thể đi xa, bạn hoàn toàn có thể ở nhà nghỉ ngơi, nhưng để có cảm giác vui vẻ, phấn khích, hãy thử làm những việc quen thuộc theo những cách không quen thuộc.

Sau kỳ nghỉ

Việc chúng ta cảm nhận về một kỳ nghỉ như thế nào, thường dựa trên cách kỳ nghỉ kết thúc như thế nào. Hãy dành những điều tuyệt vời nhất cho lúc kết thúc, hãy kết thúc thật ngọt ngào, ấn tượng.

Ấn tượng đẹp về một kỳ nghỉ không kéo dài lâu, thường dư vị chẳng ở lại lâu hơn một tuần. Chính việc bạn vui vẻ, dễ dàng quay trở lại với công việc những ngày sau kỳ nghỉ sẽ giúp bạn cảm thấy niềm hạnh phúc “hậu du lịch” kéo dài lâu hơn.

Vì vậy, nếu có thể, hãy tạm tránh những việc “khó nhằn” khi vừa đi nghỉ về xong. Hãy dành cho mình chút thời gian thư thái về buổi tối những ngày sau kỳ nghỉ để kéo dài dư vị “lâng lâng”.

>Kỳ nghỉ dài, du lịch vẫn "đói" khách

>10 khuyến nghị cho kỳ nghỉ lễ

>Để không mất tập trung với công việc sau kỳ nghỉ

>5 lý do doanh nhân cần một kỳ nghỉ xả hơi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cách tạo nên một kỳ nghỉ hoàn hảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO