Một công ty công nghệ vũ trụ Nhật chuẩn bị hoạt động tại Việt Nam vào tháng 6 tới đây.
Tại Tokyo, một công ty khởi nghiệp mang tên Infostellar đang triển khai một dịch vụ mới để hỗ trợ việc khai thác các vệ tinh thương mại.
Thông thường, việc thu thập dữ liệu từ các vệ tinh hay gặp trở ngại vì các vấn đề vật lý: mỗi ăngten trên mặt đất chỉ có khoảng 10 phút mỗi ngày để nhận tín hiệu từ các vệ tinh trên quỹ đạo, trước khi vệ tinh đi ra ngoài tầm thu sóng của ăngten.
Thông qua công nghệ của Infostellar, các chủ vệ tinh có thể thuê lại ăngten của các trường đại học, viện nghiên cứu hoặc các chủ vệ tinh khác để gia tăng khả năng thu thập dữ liệu. Infostellar sẽ gắn một thiết bị truyền sóng trên các ăngten này, để chuyển dữ liệu thông qua hệ thống điện toán đám mây của công ty đến khách hàng. Đổi lại, công ty sẽ thu phí hoa hồng trên số tiền mà chủ vệ tinh trả cho chủ ăngten.
Infostellar sắp sửa mở văn phòng ở Thái Lan cuối tháng 5 này, và chuẩn bị mở rộng sang Việt Nam và Philippines trong tháng 6. Hiện tại công ty chỉ mới ký hợp đồng với 5 chủ ăngten, nhưng kỳ vọng sẽ tăng lên 100 vào cuối năm nay. Theo Infostellar, 90% số khách hàng của hãng sẽ đến từ bên ngoài Nhật Bản, chủ yếu là khu vực Đông Nam Á.
Đồng sáng lập kiêm CEO của Infostellar là Naomi Kurahara cho biết: “Chúng tôi đã nhận được những yêu cầu tìm hiểu từ các khách hàng tiềm năng ở nhiều nước, bao gồm cả Indonesia, nơi cần nhiều dữ liệu vệ tinh để tìm hiểu về các thảm họa tự nhiên”.
Một công ty Nhật Bản khác là Space Shift thì lại chuyên bán các vệ tinh kích cỡ cực nhỏ ở Đông Nam Á. Với kích thước bỏ lọt lòng bàn tay, các vệ tinh này có giá khoảng 8.000 USD. Space Shift đang hợp tác với Đại học Công nghệ King Mongkut (Thái Lan) và một startup khác ở Singapore.
Space Shift hiện đang dự kiến sẽ bán được 10 vệ tinh trong năm nay, trong đó có 3 vệ tinh cho các khách hàng bên ngoài nước Nhật. CEO Naruo Kanemoto cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ chuyển được các thương vụ mua vệ tinh thành cơ hội chào bán các chương trình đào tạo về công nghệ vũ trụ và các sản phẩm liên quan”.
Nhìn chung, khu vực Đông Nam Á có khá nhiều lợi thế cho ngành công nghệ vũ trụ, vì chi phí phóng vệ tinh từ đây lên quỹ đạo là thấp nhất thế giới. Khu vực này đang có tiềm năng tăng trưởng tốt cho nhiều phân khúc, bao gồm sử dụng vệ tinh để ứng phó với thảm họa và giám sát các khu vực biên giới.
Hiện tại, Nhật Bản mới chiếm 1% thị phần ngành công nghệ vũ trụ, vốn được ước tính là có trị giá khoảng 323 tỷ USD.