Đại hội đại biểu Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhiệm kỳ V đang đến gần và những ý kiến đóng góp ngày càng đa chiều, phong phú hơn. Dưới đây là ý kiến của hai người còn khá trẻ về tổ chức mà theo họ là rất cần thiết đối với doanh nghiệp. Và những đề xuất của họ cũng rất đáng được quan tâm.
Nguyễn Văn Vy - Chánh văn phòng HAWA: “Để Hiệp hội mạnh: Cần có sự đồng thuận trong Ban chấp hành”
* Khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động không ít đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN xuất khẩu. Đây là thời điểm Hiệp hội cần thể hiện rõ vai trò của mình.
Có thể nói trong vài tháng trở lại đây, hoạt động của Hiệp hội đã có dấu hiệu khởi sắc, thể hiện qua các hoạt động như tổ chức họp hội viên để tập hợp ý kiến, báo cáo những khó khăn, vướng mắc của DN và kiến nghị giải pháp tháo gỡ với UBND TP và Chính phủ; tổ chức Hội nghị triển khai nghiệp vụ bảo lãnh cho DN vay vốn của ngân hàng thương mại theo Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg.
Đồng thời, Hiệp hội đã thể hiện rõ vai trò là cầu nối giữa DN với cơ quan chính quyền, đặc biệt là với UBND TP..., nhưng nhìn chung, để có thể đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của các hội viên, theo tôi, Hiệp hội cần đẩy mạnh và tập trung vào một số hoạt động chính như sau:
- Thứ nhất, Hiệp hội cần tăng cường củng cố công tác của Văn phòng Hiệp hội, đầu tư cho nguồn nhân lực đủ mạnh để có thể triển khai thực hiện các chương trình hành động của Hiệp hội bằng cách xây dựng đội ngũ nhân viên có năng lực, trình độ ngoại ngữ, đặc biệt phải có tâm khi làm công tác Hội.
- Thứ hai, như chúng ta đã biết, thông tin đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nhưng thông tin cần phải được chọn lọc, phân tích, thống kê. Do đó, Hiệp hội cần đầu tư xây dựng một bộ phận phát triển thông tin đủ mạnh cả về lượng lẫn chất, tận dụng triệt để nguồn thông tin hữu ích từ Báo Doanh Nhân Sài Gòn để cung cấp cho hội viên tích hợp lên Cổng thông tin của Hiệp hội nhằm tạo sự khác biệt so với các website khác.
- Thứ ba, Hiệp hội cần nhanh chóng tập trung nâng cao năng lực của Ban Xúc tiến Thương mại (XTTM) và đề xuất các chương trình XTTM tìm đầu ra cho DN. Cần có kế hoạch rõ ràng cho từng ngành hàng.
Có thể luân phiên mỗi năm tổ chức cho vài ngành hàng tham dự các hội chợ quốc tế, tạo điều kiện cho DN khảo sát tìm thị trường mới. Nếu được, Hiệp hội cần làm đầu mối để thiết lập kho ngoại quan hỗ trợ các hội viên là hội ngành hàng.
- Thứ tư, Hiệp hội cần tìm kiếm và tranh thủ các cơ hội hợp tác quốc tế để phát huy nguồn lực còn hạn chế của Hiệp hội thông qua sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong từng lĩnh vực cụ thể.
- Thứ năm, nên giới hạn số thành viên trong Ban chấp hành (BCH) vì để đi đến quyết định cho một quyết sách nào đó của Hiệp hội thì cần phải có sự đồng thuận quá bán trên tổng số thành viên BCH. Mà hiện nay tổng số thành viên của BCH Hiệp hội là 64 người nên có được sự tán thành của hơn 32 thành viên là cực kỳ khó khăn. Theo tôi, số lượng thành viên BCH không nên vượt quá 20 người.
Trần Trọng Quyền - Giám đốc Công ty Master C&S (Quận Bình Thạnh, TP.HCM): “Hiệp hội cần làm gì để thu hút doanh nghiệp?”
* Khi một giám đốc DN dành thời gian tham gia các hoạt động của Hiệp hội là họ kỳ vọng có được lợi ích, tìm được cơ hội cho DN của mình. Nếu Hiệp hội không đáp ứng được sự kỳ vọng đó, DN sẽ không mặn mà tham gia.
Nếu Hiệp hội là nơi tạo ra những mối quan hệ mới, cung cấp những thông tin bổ ích liên quan đến các hoạt động của DN và là chỗ dựa đúng lúc, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của hội viên thì tôi nghĩ DN đã không mất niềm tin đối với Hiệp hội như trong thời gian qua.
Hiệp hội còn phải là cầu nối giữa DN với chính quyền, với các ban ngành, đoàn thể, các hội bạn và cả giới truyền thông. Trong thời buổi cạnh tranh hiện nay, Hiệp hội cần cung cấp kịp thời các văn bản pháp luật mới nhất cho hội viên, thậm chí cần có một trung tâm tư vấn pháp lý, đầu tư có uy tín để giúp DN khi họ cần.
Phải làm sao tạo ra được sự khác biệt rõ rệt về tư cách, quyền lợi giữa DN là thành viên và DN không là thành viên của Hiệp hội. Hiệp hội phải là cầu nối để giúp DN tiếp cận các đối tác, các tổ chức quốc tế, vì các tổ chức này thường thông qua các hội đoàn để tìm đối tác.
Do đó, Hiệp hội phải xây dựng uy tín của mình dựa trên cơ sở uy tín của tất cả các hội viên, đồng thời cần thiết lập những “bộ lọc” để kiểm soát tư cách của các hội viên. Có như vậy uy tín của Hiệp hội mới ngày càng được nâng cao.
Các hoạt động của Hiệp hội phải đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cho DN và Hiệp hội cần tổ chức bộ máy hoạt động mang tính chuyên nghiệp hơn trong nhiệm kỳ mới.