Đề phòng viêm mũi dị ứng khi thời tiết thay đổi

Trường Thi| 25/10/2019 01:00

Viêm mũi dị ứng là phản ứng của cơ thể để chống lại sự xâm nhập của những chất lạ vào trong đường hô hấp trên, đặc biệt hay gặp vào lúc thời tiết chuyển mùa (nóng sang lạnh, rét sang mưa nhiều).

Đề phòng viêm mũi dị ứng khi thời tiết thay đổi

Viêm mũi dị ứng khá phổ biến hiện nay, đặc biệt do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng và thời tiết diễn biến thất thường. Một số nguyên nhân có thể gây viêm mũi dị ứng có trong môi trường như bụi, phấn hoa, hóa chất, bông vải, khói thuốc, khói nhà máy... và một số thực phẩm hoặc dược phẩm. Viêm mũi dị ứng có thể do thời tiết lạnh. Các tác nhân kích thích gây viêm mũi dị ứng có thể theo đường hô hấp, nhưng cũng có thể vào cơ thể theo đường khác như qua da hoặc đường ăn uống.

Nghẹt mũi thường xuyên là do viêm mũi dị ứng mạn tính gây ra (thường rất dễ nhầm với viêm xoang). Một số trường hợp viêm mũi dị ứng mạn tính kéo dài dẫn đến rối loạn khứu giác (không ngửi thấy mùi) hoặc ngủ ngáy do nghẹt mũi. Nếu không được điều trị dứt điểm, viêm mũi dị ứng có thể dẫn đến viêm xoang dị ứng, polyp mũi, polyp xoang. Do nghẹt mũi nên bạn phải thở bằng miệng dẫn đến viêm họng, viêm phế quản, dị ứng phế quản và rất có thể dẫn đến bệnh hen phế quản (hen suyễn). Viêm mũi dị ứng khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, giảm trí nhớ, lo lắng nhiều, đôi khi dẫn đến trầm cảm.

Không nên lạm dụng một số thuốc nhỏ mũi, xịt mũi vì sẽ lệ thuộc thuốc, gây lờn thuốc. Hãy nhỏ thuốc đúng liều để tránh những tác dụng phụ đi kèm. Ngoài ra, nếu đã bị viêm xoang mạn tính, nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý và đi khám sớm khi có những nghi ngờ biểu hiện của viêm mũi, viêm xoang, viêm đường hô hấp. Khi bị viêm mũi, bạn cũng có thể xông mũi bằng nước ấm, nước muối hoặc nước có pha một chút tinh dầu như bạc hà... để thông mũi. Dùng nước muối sinh lý thường xuyên để rửa mũi, giúp làm sạch niêm mạc mũi (tránh tiếp xúc lâu giữa niêm mạc mũi và kháng nguyên, bụi, hóa chất, vi trùng), giúp thông thoáng mũi, tạo điều kiện tốt cho thuốc xịt mũi tác dụng trên niêm mạc. 

Khi trời trở lạnh, cần giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ, ngực và mũi, không nên tắm nước lạnh. Nếu phải làm việc quá khuya, dậy quá sớm, cần lưu ý vì thời điểm này dễ bị cảm và dễ chuyển thành viêm mũi xoang. Tránh hít phải luồng không khí lạnh, khô một cách đột ngột, hoặc để mũi tiếp xúc trực tiếp với luồng gió máy lạnh, điều hòa, đều có thể làm tổn thương, làm khô niêm mạc xoang mũi. Vào buổi sáng, hãy thực hiện một vài động tác giúp làm ấm vùng mũi: dùng hai bàn tay chụp lại hai bên vùng cánh mũi và miệng, tay xoa xoa tập thở ra hít vào. Thực hiện như vậy khoảng vài phút.

Cải thiện môi trường và lối sống là cách hiệu quả để giảm viêm mũi dị ứng

- Tránh để các yếu tố ô nhiễm môi trường như khói bụi công nghiệp, hóa chất. 

- Cẩn thận khi thay đổi thời tiết, điều tiết độ ẩm, ấm, đề phòng viêm đường hô hấp.

- Chú ý giữ vệ sinh mũi, thường xuyên dùng nước ấm hoặc nước muối sinh lý để rửa mũi. Tránh dùng tay ngoáy mũi, vì dễ làm tổn thương niêm mạc mũi.

- Ăn uống tránh đồ sống, lạnh, tanh. Tránh uống rượu và tránh khói thuốc lá. 

- Kiên trì rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng cơ thể, giảm béo phì.

- Điều trị triệt để các ổ nhiễm trùng ở mũi xoang và vùng răng miệng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề phòng viêm mũi dị ứng khi thời tiết thay đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO