Xiếc – Lòng dũng cảm và tình yêu thương

VIỆT NGA - Ảnh: CHÍ LỘC/DNSGCT| 14/01/2014 04:36

Liên đoàn Xiếc Việt Nam cuối tháng 12 vừa qua ra mắt khán giả TP.HCM với một chương trình Xiếc thú tổng hợp, trong đó có nhiều tiết mục đã đoạt giải trong nước và quốc tế.

Xiếc – Lòng dũng cảm và tình yêu thương

Liên đoàn Xiếc Việt Nam cuối tháng 12 vừa qua ra mắt khán giả TP.HCM với một chương trình Xiếc thú tổng hợp, trong đó có nhiều tiết mục đã đoạt giải trong nước và quốc tế.

Đọc E-paper

Đây là một “ngôi nhà” lớn với 120 diễn viên, và trải qua bao sóng gió, xiếc vẫn là bộ môn nghệ thuật hấp dẫn đông đảo người xem. Có thể nói, xiếc là bộ môn nghệ thuật của tuổi trẻ, tài năng và lòng dũng cảm.

Tiết mục Uốn lượn trên không là phần tạo hình hết sức ngoạn mục của hai diễn viên Thu Hương và Ngọc Tâm trên nền bài hát Giấc mơ trưa của nhạc sĩ Giáng Son, đem đến cho khán giả nhiều cảm xúc.

Khán giả không chỉ hồi hộp, ngạc nhiên trước những động tác kỹ thuật khó và nguy hiểm trên cao mà còn rung động trước cảnh quấn quýt mượt mà của đôi trai gái đang bay lượn trên không trung.

>Hồn Việt trong xiếc
>Sẽ có rạp xiếc hiện đại bậc nhất Châu Á
>
Những gánh xiếc rong
>Làng tôi - Hành trình xiếc Việt

Làm náo động khán phòng là tiết mục gõ chén thành tiếng nhạc của NSƯT Hề Trường Thành. Đã hơn 30 năm theo nghề xiếc, anh tâm sự: “Hề xiếc đương nhiên cũng phải biết làm xiếc, vì hề xiếc là hề từ những hành động, nhưng phải có cái duyên. Cái duyên chỉ 5% trời cho ấy lại đặc biệt vô cùng. Nghề này cho tôi một cuộc đời luôn vui vẻ, không ngừng đổi mới và được đi nhiều nơi”.

Quả thực, các nghệ sĩ trong Liên đoàn Xiếc Việt Nam là những nhà du hành tầm cỡ. Họ đi khắp nơi trong nước cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.

Phó giám đốc Liên đoàn, NSƯT – đạo diễn Phạm Văn Xuyên cho biết: “So với thời chúng tôi, diễn viên xiếc bây giờ được cập nhật thông tin nhanh và nhiều hơn. Đầu tư của Nhà nước cho nghệ thuật xiếc cũng lớn hơn, sự an toàn nghề nghiệp cao hơn, trang phục đẹp hơn. Nghệ sĩ trẻ có nhiều tiết mục đạt giải nghệ thuật cao hơn nhưng cũng có những tiết mục vẫn chỉ “Bao giờ cho tới ngày xưa” chính vì thế nghệ thuật xiếc là vô cùng”.

Theo ông, thế mạnh nhất của xiếc Việt Nam là xiếc thú. Trong chặng đường dài từ Bắc vào Nam, nghệ sĩ đi bằng máy bay còn các “nghệ sĩ thú” phải đi bằng xe.

Sau chuyến đi vất vả này, các “nghệ sĩ thú” được nghỉ ngơi, tập luyện, rồi mới ra mắt khán giả. Cả liên đoàn có gần 40 cô cậu chó được đào tạo, và vào TP.HCM diễn đợt này có tám cô cậu.

Lucky đen là chú chó đầu đàn, đảm trách nhiều tiết mục, chẳng hạn như: Chó ném bóng rổ; Vượt chướng ngại vật… Đôi bạn Quất – Quýt là cặp đôi nhảy valse rất dễ thương và biểu diễn rất đẹp mắt trong các tiết mục Tặng hoa; Gồng gánh qua cầu.

Chó Quýt mới sinh con, vừa cai sữa xong đã lên đường đi biểu diễn. Trong số các diễn viên thú đặc biệt có chó Bốp, bị đục thủy tinh thể một mắt nhưng không ai nỡ bỏ lại vì Bốp làm “nghệ sĩ” đã 11 năm rồi.

Bốp hiện đã già, mắt yếu không thể đáp ứng những trò diễn khó, đòi hỏi sự nhanh nhẹn, nhưng nó vẫn được ra sân ngồi, đứng trong dàn diễn viên và làm những trò đơn giản.

Người điều khiển những chú chó, NSƯT Quang Ngọc cho biết: “Những chú chó khôn, thông minh, và có thân hình đẹp được tuyển chọn, phải qua thời gian tập luyện cả năm mới diễn được trò. Hằng ngày dù không đi diễn, các nghệ sĩ vẫn phải tập liên tục với chúng”.

Diễn viên Chí Quang điều khiển bầy khỉ nhận xét: “Các chú khỉ rất thông minh, nghịch ngợm, nhưng ít tập trung nên hay quên lắm. Tuy vậy khi tập được rồi thì chúng nhớ rất lâu”.

Đặc biệt, khi các “nghệ sĩ thú” lên sân khấu, chúng rất tuân thủ lề luật trong trò diễn của mình. Không bao giờ các “diễn viên” này nhảy ra khán giả hay trốn vào hậu trường.

Trong quá trình luyện thú, các nghệ sĩ phải cho chúng làm quen với ánh sáng, âm nhạc và cả tiếng hoan hô của khán giả. Chế độ nuôi dưỡng, luyện tập khá tốn kém nên doanh thu diễn của cả đoàn cũng không đủ. Chính vì thế Liên đoàn Xiếc Việt Nam là một ngành nghệ thuật đặc biệt hoàn toàn được nhà nước tài trợ.

Trên sân khấu xiếc bây giờ, một số tiết mục có thú lớn như gấu, trăn không còn phải bịt rào ngăn cách. Các tiết mục giữa người và thú cho thấy sự gắn kết yêu thương nhiều hơn so với trước đây, khi nghệ sĩ dạy thú còn dùng roi đánh để ra lệnh cho thú.

Những chú gấu to lớn, lông đen mượt với những động tác ngộ nghĩnh luôn làm ngạc nhiên khán giả nhí và được người lớn tán thưởng. Để đạt những thành công ấy cũng không ít vất vả, ngày nào các nghệ sĩ cũng phải tập luyện cùng thú.

Những hôm thú bị bệnh, mặc dù phần nuôi dưỡng đã có người phụ trách, nhưng nghệ sĩ vẫn phải quan tâm chăm sóc những bạn diễn của mình.

Trăn là loại thú không thể tập trò, nhưng để có tiết mục Thạch Sanh chém chằn, nghệ sĩ Tuấn Quang đã quấn quanh người hai chú trăn khổng lồ, mỗi con nặng 60kg trước sự khâm phục của khán giả.

Khi tập tiết mục này, Tuấn Quang phải thân thiết với bạn diễn của mình, biết khi nào bạn khó ở và biết cách gỡ rối khi bạn nổi cơn muốn quấn vào mình. Theo anh, diễn với thú thì điều đầu tiên là phải biết yêu chúng.

Các nghệ sĩ xiếc đều phải được đào tạo từ nhỏ. Sau hai năm đào tạo cơ bản, các thầy mới tùy theo đặc tính và năng khiếu của từng trò để chuyển về học bộ môn nào.

Nghệ sĩ xiếc thu nhập không cao, nhiều năm trong nghề, trung bình thu nhập cũng chỉ khoảng 8-10 triệu đồng một tháng. Làm nghệ sĩ xiếc phải xa nhà luôn, thời gian luyện tập liên tục nên khá vất vả.

Nghệ sĩ ưu tú Cao Trường Thành thổ lộ: “Ngày xưa nghề xiếc còn có cha truyền con nối. Ngày nay, khó lắm vì hình như con thấy bố mẹ khổ cực quá đều chọn nghề khác. Muốn tuyển chọn thí sinh để đào tạo xiếc bây giờ, liên đoàn phải đi về các vùng nông thôn xa xôi vì ở thành phố ít khi nào cha mẹ dám cho con bỏ dở việc học để đi theo học xiếc”.

Nghệ sĩ trẻ Quang Chiến với tiết mục Thăng bằng kiếm đã làm khán giả hồi hộp với những phút mũi kiếm đặt trên mũi kiếm và một lố ly thủy tinh ở trên cùng. Chỉ cần anh thở mạnh, tất cả có thể đâm thẳng vào mắt.

Anh cho biết: “Nghề này thích ở sự phiêu lưu và sáng tạo". Mỗi lần biểu diễn xong, trông anh thật rạng rỡ.

Nhóm kỵ sĩ trên lưng ngựa Thu Hương, Phạm Tuân, Quốc Đạt, Đức Vĩnh lại tạo cảm xúc dũng mãnh và lôi cuốn với một trận đua ngựa sôi nổi dưới mái dù của rạp xiếc!

Hai nghệ sĩ tung hứng cũng rất độc đáo với đạo cụ là những chiếc bình gốm cỡ trung và cỡ lớn. Những tiết mục này được thay đổi hằng đêm để hấp dẫn khán giả hơn.

Buổi diễn kết thúc, khi các nghệ sĩ trở về khách sạn nghỉ ngơi thì những chú chó, những chú khỉ, gấu, ngựa có ngay một bữa liên hoan, đánh chén hợp khẩu vị bên cạnh sân khấu.

Khuôn viên công viên Gia Định như có phần sinh động hơn khi thấp thoáng những bóng dáng đến từ thiên nhiên hoang dã, và đã trở thành những “nghệ sĩ thú” được con người yêu mến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xiếc – Lòng dũng cảm và tình yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO