Vương xưa mà để tân thời

KIỀU ANH| 29/01/2014 05:54

Phố cổ Hà Nội vẫn còn nhiều đôi mắt ưu tư nét xưa nghề cũ...

Vương xưa mà để tân thời

Phố cổ Hà Nội vẫn còn nhiều đôi mắt ưu tư nét xưa nghề cũ.

>Phố cổ Hà Nội trong mắt phóng viên Mỹ

Đọc E-paper

Một đời người trầm ngâm ngồi vẽ truyền thần ở phố Hàng Ngang. Nét vẽ của họa sĩ già không vượt ra ngoài “quyền lực” của hai màu đen trắng. Một anh thợ rèn vẫn miệt mài ngày đêm quai búa bên lò lửa ở phố Lò Rèn.

Giản đơn là một nghề bụi bặm, nhem nhuốc, nhưng du khách nước ngoài rất thích thú khi ngắm nhìn một nhịp sống bản sắc của Hà Nội xưa. Một trí thức đã bạc đầu với sưu tầm sách cổ.

Sách của ông giờ như thư viện trên phố Bát Đàn và là chốn ghé thăm của nhiều học giả nước ngoài khi lưu trú tại khách sạn đối diện. Hoài cổ còn vương trong tâm tính con người muốn Hà Nội còn linh hồn Hà Nội.

Một ý tưởng kiến trúc kết nối phố cổ liệu có lệch tâm thời cuộc nếu rũ bỏ hết âm vang giá trị lịch sử để bay bổng với thiết kế hiện đại? Tôn vinh xu hướng kiến trúc tân thời hay trung thành với ý chí khôi phục một địa danh? Những ai sẽ ủng hộ góc nhìn đương đại? Còn ai nệ cổ mãi mãi?

Nhóm KTS đạt giải Nhất với tác phẩm Khôi phục Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Tôi muốn tìm câu trả lời cho những câu hỏi ấy ở những kiến trúc sư đang “dạo chơi” trên Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Họ không đi tìm sử liệu để tái hiện một quảng trường lịch sử y nguyên.

Điều họ đã làm là tìm điểm giao thoa giữa xu hướng kiến trúc hiện đại đang thịnh hành trên thế giới và khơi gợi lịch sử qua những thiết kế biểu trưng. Ý tưởng được đánh giá cao nhất là xây dựng biểu tượng mới Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục với khối đá phẳng mang hình thù phố cổ.

Chính giữa là 36 đài phun nước và 36 đèn chiếu sáng. Hai bên là hàng cây cao. 36 vòi phun nước và 36 ánh đèn chiếu rọi lên trời thể hiện khát vọng Thăng Long từ mạch nguồn 36 phố phường.

Không ai phục cổ 100%. Không ai xóa sạch mối tương giao xưa cũ và hiện đại.

Đã đành đây mới chỉ là ý tưởng thiết kế được phát hiện từ một cuộc thi “Historical Hanoi 2013”: Khôi phục Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và phố Hàng Đào, khu phố cổ Hà Nội. Việc đưa ý tưởng vào ứng dụng thực tế còn là câu chuyện dích dắc về mặt thời gian, nhiều phản biện từ cấp quản lý đô thị.

Phố cổ đang là một di sản sống. Phục dựng một quảng trường để kết nối hiệu ứng di sản trong hội nhập không đơn giản là chỉnh trang đô thị, mà còn là tâm huyết cho tương lai.

Muốn thế, “em xinh” không đứng một mình để “vẫn xinh”! Cũng như, “em xinh” không lạc vào lời nguyền của nhan sắc khi mới đăng quang. Dự liệu một tổ hợp các yếu tố của đô thị cần nhiều góc nhìn, ngoài các kiến trúc sư.

Ca tụng các ý tưởng của cuộc thi cũng đã có nhiều. Mạnh mẽ và táo bạo là vẻ đẹp của giải Nhất. Lãng mạn và xanh là không gian của tác phẩm đoạt giải Nhì. Thông minh và độc đáo là chất của giải Ba. Nhưng làm sao để thuyết phục phố cổ Hà Nội đầy tính giao thương và giao lưu văn hóa hiện diện trên từng mét vuông lại chưa có một tác phẩm nào khẳng định được.

Mô hình dự án Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Quảng trường vốn là một không gian mở cho đời sống dân sinh, cho hoạt động văn hóa... Cũng có thể, gánh hàng rong vẫn đi qua quảng trường trong một sáng sớm mai. Tấp nập xe cộ từ nhiều góc phố đổ về, quảng trường được phủ nhiều cảm giác động.

Hoặc quảng trường cũng có thể là nơi khô ráo để ai đó đứng ngắm phố Hà Nội ngập trong lưu lượng nước mùa mưa. Nói gì thì nói, chúng ta lo xa vì biến đổi khí hậu cũng là điều dễ hiểu.

Tình yêu đối với phố cổ, với một địa danh như Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là điều đáng quý. Nhưng làm sao chuốt trau tình yêu thành một ý tưởng mang thông điệp phát triển tinh tế cho mai sau? Có lẽ, việc cần làm trước tiên là đối thoại với cổ nhân để “truyền thần” cho phố cổ trước khi gia nhập xu hướng phát triển toàn cầu!

Khởi động từ tháng 6/2013, cuộc thi mang tên Ý tưởng Kiến trúc “Historical Hanoi 2013”: Khôi phục Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và phố Hàng Đào, khu phố cổ Hà Nội, do Đại sứ quán Ý phối hợp với TP Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc Genova thực hiện đã thu hút các đồ án thiết kế của 52 kiến trúc sư của cả Ý và Việt Nam.

Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi, các đồ án dự thi lần này chủ yếu theo ba xu hướng chính: Phần lớn theo hướng hiện đại, thể hiện tính chất độc đáo của đề xuất; một số theo xu hướng “môi trường xanh”, thể hiện tính lành mạnh; còn lại một số đồ án theo hướng “phục cổ”, thể hiện tính vị truyền thống.

Nổi bật nhất trong số các đồ án dự thi là tác phẩm của Masimo Alvisi (Alvisi and Kirimoto) và Nguyễn Đình Thanh (Hanoi Urban Architect Consulting JSC – UAC, Center 5). Giành giải Nhì là đồ án của các kiến trúc sư thuộc Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Việt Nam và Group 8 (Vũ Đình Thành, Nguyễn Xuân Anh, Hoàng Tấn Trúc, Hà Thị Bích Đào, Phạm Minh Đức, Vũ Thành Công, Gregore Du Pasquier, Manuela De Dagopian, Simon Pelletier, Đỗ Quốc Hoàn, Đào Lê Hồng Mỹ), hướng tới môi trường xanh với tên gọi “Công viên Lục Thủy”, hay “Quảng trường Lục Thủy”. Giải Ba thuộc về Andrea Avello, Dott Matteo Zambon (Ý) và Phạm Xuân Nghĩa, Nguyễn Trần Linh (Architects and Urban design), cũng theo xu hướng kiến trúc hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vương xưa mà để tân thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO