Vàng Hời

BÍCH HỒNG| 29/08/2009 08:13

Chơi đồ cổ là một thú chơi tinh vi, kỳ công và đắt giá. Thị trường đồ cổ là một thị trường khổng lồ đầy bí ẩn.

Vàng Hời

LTS - Trước khi Luật Di sản Văn hóa ra đời vào năm 2001, cổ vật thuộc về tài sản văn hóa quốc gia. Vì thế, ngoài những kho tàng cổ vật trưng bày tại bảo tàng, có một dòng chảy khác âm thầm trôi trong những cuộc mua bán bất hợp pháp, âm thầm vượt qua biên giới, và nhiều nhất là chúng yên lặng trong lòng đất, lòng biển và trong bóng tối của những bộ sưu tập tư nhân.

Chơi đồ cổ là một thú chơi tinh vi, kỳ công và đắt giá. Thị trường đồ cổ là một thị trường khổng lồ đầy bí ẩn. Nó thường đi kèm với giới doanh nhân nhiều đam mê, những tay môi giới và trên hết nó là cái duyên nợ. Vòng qua những bộ sưu tập cổ vật nổi tiếng trong nước, lắng nghe chuyện của chủ nhân, không thể không bày tỏ sự cảm phục trước đam mê, sự kiên trì và thú vị khi dòng chảy của lịch sử hàng nghìn năm cô đọng trên những hiện vật còn lại.

Cổ vật Chăm đi khắp thế giới nhưng ít ai biết nó đã bắt đầu thế nào. Khi đến thăm kho cổ vật Chăm của nhà sưu tập Hồ Anh Tuấn, một luật sư sống ở Đà Nẵng, tôi được nghe chuyện thế này: Hồi đầu thế kỷ XX, một toán người Pháp tìm đến tháp Mỹ Sơn, Quảng Nam. Lúc đó trước cổng tháp có hai sư tử đá nằm chầu. Căn cứ vào tấm sơ đồ cầm theo, người Pháp lấy nước đổ vào lỗ trống trên lưng sư tử, lập tức nước vọt ra theo một lỗ nhỏ thấp hơn. Nhằm vào chỗ nước rơi xuống đất, công nhân đào lên thu được rất nhiều cổ vật làm từ vàng, bạc, trong đó có cả vương miện, con dấu, buồng cau bằng vàng. Hiện nay bảo tàng Guimet - Pháp (Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật Châu Á) có bày một buồng cau vàng như vậy.

Vàng Hời là thứ những người rà tìm phế liệu theo đuổi săn tìm và hàng nghìn hiện vật vàng Hời đã bị nung chảy trong các tiệm kim hoàn. Những nông dân sống gần khu tháp Mỹ Sơn, thánh địa Trà Kiệu, các đền tháp từ Quảng Nam đến Bình Định đều biết những chuyện liên quan đến vàng Hời, thực chất là những thứ đồ vàng bạc tùy táng của người Chăm. “Vàng Hời” là từ dân gian gọi hiện vật hình trâu bò, gà, rùa, nải cau, buồng chuối và tượng thần do người Chăm chế tác từ thế kỷ IX đến XIV, là những cổ vật được tìm thấy ở nhiều tháp Chăm cổ, những vùng đất có người Chăm từng sinh sống, thờ cúng suốt từ Quảng Trị đến tận Lâm Đồng. Tuy nhiên, hầu hết hiện vật có giá trị về thương mại đã thất thoát ra các bảo tàng nước ngoài.

Ở Đà Nẵng, nơi có rất nhiều nhà sưu tầm đồ cổ Chăm, ai cũng biết ông N.H. Bằng, một người từng phải trả giá sáu năm trong tù vì mua một cái đầu tượng thần Siva bằng vàng do người đào phế liệu tìm được ở Đại Lộc, Quảng Nam cách đây hơn 10 năm. Đây là một trong những người buôn bán đồ cổ phải ở tù vì tội danh mua bán và tàng trữ cổ vật thuộc tài sản quốc gia.

Chuyện của ông Bằng là một chứng thực sống động về cái sự “đi đêm” suốt mấy chục năm của nhà sưu tập cổ vật, tất cả các kho cổ vật tư nhân phải sống trong bức màn che đậy những huyền bí. Nhiều hiện vật đã từng được trao đổi mua bán đến hàng trăm nghìn USD. Ngay Bảo tàng Dân tộc học cũng phải trình Văn phòng Thủ tướng xin quyết định mua một bộ cổ vật “vàng Hời” từ nhà sưu tập Vũ Kim Lộc, để giữ bộ sưu tập này lại trong nước. Vì vậy, VN ít có bộ sưu tập cổ vật văn hóa Chăm nào đầy đủ. Ngay trong Bảo tàng Điêu khắc Chămpa, nhiều bức tượng mất phần đầu sau những vụ trộm cắp suốt 100 năm qua. Tuy nhiên, vẫn có một số bộ sưu tập khá nổi tiếng còn ở lại trong nước.

Một trong những bộ sưu tập có nhiều “vàng Hời” là những bức tượng Phật có trình độ điêu khắc tinh xảo, đồ thờ cúng được chủ nhà hàng Kỳ Hương Hồ Anh Tuấn (Đà Nẵng) lưu giữ. Khi chiêm ngắm cổ vật độc đáo trong bộ sưu tập của gia đình ông Hồ Anh Tuấn, như chiếc bình uống nước cho người Chăm đi thuyền, được đúc tinh xảo với miệng cực nhỏ, ống dài để thuận tiện khi đi biển, nước không bị sánh ra ngoài, buồng cau bằng vàng thật chế tác vô cùng tinh xảo, thể hiện một nền văn hóa trong cưới hỏi của người Chăm xưa; rồi chiếc nhẫn được kết lại từ những sợi chỉ vàng nhỏ mắt thường không thể thấy, thành họa tiết như rồng bay phượng múa, cho thấy sự khéo léo trong chế tác đồ vàng của người Chăm, người xem không khỏi bồi hồi với những lớp thời gian vừa khuấy động.

Cổ vật Chăm nằm trong bộ sưu tập của ông Nguyễn Vĩnh Hảo đến 1.300 món, đủ để ông mở một bảo tàng gốm Chăm tại thành phố Quy Nhơn. Trong một hành trình giới thiệu gốm Chăm cổ đến người xem, một phần bộ sưu tập đó đã được triển lãm tại Bảo tàng Điêu khắc Chămpa Đà Nẵng và tiếp theo đó sẽ đến Hà Nội trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa Bình Định nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Bộ sưu tập này phác thảo hành trình gốm Chăm cổ đi từ miền đất Vijaya xa xưa ra thế giới bằng đường biển rất có giá trị trong mắt các nhà nghiên cứu văn hóa Chămpa. Một bộ sưu tập đồ trang sức Chăm khá hấp dẫn nằm trong ngôi nhà cổ Hội An của các chủ nhân họ Diệp.

“Vàng Hời” cũng như cổ vật văn hóa Chăm có mặt trong vô số bộ sưu tập cá nhân, chứ không riêng gì các bảo tàng lớn. Đôi khi người ta còn bắt gặp một pho tượng vũ nữ mềm mại phong cách Trà Kiệu trên một kệ sách tư nhân tận California (Mỹ). Cổ vật Chăm đem lại sự “sang trọng” cho chủ nhân, cả về giá trị kinh tế và văn hóa. Những cổ vật Chăm khi đi triển lãm quốc tế đã từng được bảo hiểm trên 1 triệu USD, hoặc vài trăm nghìn USD. Vì vậy, chúng luôn là món hàng có giá trị và cũng đồng thời dễ trở thành nạn nhân của những băng nhóm trộm cổ vật xuyên quốc gia.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vàng Hời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO