Vẫn cứ thổn thức với "Sông dài"

QUÝ LỘC| 13/11/2015 09:01

Sông dài, vở cải lương kinh điển của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, ra đời năm 1959 sau đó được chuyển thể thành kịch nói.

Vẫn cứ thổn thức với

Sông dài, vở cải lương kinh điển của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, ra đời năm 1959 sau đó được chuyển thể thành kịch nói, đã được sân khấu Hoàng Thái Thanh chuyển thể thành kịch nói, do NSƯT Thành Hội làm đạo diễn. Đã hơn nửa thế kỷ, một câu chuyện tình cổ xưa vẫn cứ khiến người thời nay mỗi lần xem lại là mỗi lần thổn thức. 

Đọc E-paper

Đây được xem là một trong những vở diễn có sức sống mãnh liệt và bền bỉ nhất của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh với hàng trăm suất diễn suốt nhiều năm và hiện vẫn sáng đèn vào cuối tuần để phục vụ khán giả yêu kịch nói.

Câu chuyện của Sông dài không mới. Một câu chuyện cũ với những tình tiết mộc mạc, giản dị về tình yêu mãnh liệt của chàng trai tật nguyền xấu xí tên Niễng (do Quý Bình thủ vai) và cô gái mù xinh đẹp tên Lượm (do diễn viên điện ảnh Hồng Ánh thể hiện).

Khán giả có thể bắt gặp rất nhiều mảnh đời và chuyện tình éo le như thế ngoài đời thật lẫn trên phim ảnh, sách truyện, nhưng với kịch nói, không gian sân khấu lại có cách kể chuyện thật mới lạ, giãi bày một câu chuyện cũ với những cảm xúc rất đặc biệt và mới mẻ.

Với diễn xuất của hai diễn viên chính là Hồng Ánh và Quý Bình, chất điện ảnh trong từng ánh mắt, cử chỉ, lời nói của diễn viên đặt trong không gian ấm cúng của sân khấu đã mang đến cho người xem những trải nghiệm sống động, mạnh mẽ.

Quý Bình có lợi thế về sự thấu hiểu tuyến nhân vật của mình bởi anh đã từng vào vai này trong bộ phim truyền hình cùng tên. Những nét thô mộc, hiền lành, khổ sở của chàng trai chân đi khập khiễng, mang vết sẹo chạy dài trên mặt được anh thể hiện thật tròn trĩnh. Một người chưa từng được yêu thương đúng nghĩa, khát khao yêu thương và muốn nắm giữ thật chặt những yêu thương mình đang có.

Niễng giằng xé, đấu tranh với những khổ đau nội tâm, những lựa chọn giữ lấy hay buông bỏ. Chân đi khập khiễng, gương mặt hiền lành, cử chỉ lễ phép, thái độ nhẫn nhịn, khổ sở, tâm hồn lương thiện, nỗi buồn mất mác, lối sống thật tâm Nam bộ của Niễng đã làm nước mắt khán giả rơi vì thương cảm, và vì đâu đó bắt gặp mình cũng đã từng như thế.

Còn Hồng Ánh, vốn đã rất quen thuộc với khán giả qua những vai diễn hiền lành, tử tế và nhiều giằng xé, đau khổ trong cuộc đời, nay lại được dịp sống với sở trường của mình. Nhưng cô gái mù tên Lượm không chỉ có sự hiền lành. Nét hồn nhiên, tươi mới, quyết liệt với lựa chọn của mình làm cho khán giả thêm yêu Lượm. Sự thơ ngây, trong trẻo của Lượm có thể khiến khán giả liên tưởng tới sự mơ mộng, hời hợt của tuổi trẻ nhưng Lượm đã làm khán phòng trở nên ấm áp vì sự thủy chung, nhân hậu, một lòng một dạ với "mối tình đầu" là chàng Niễng, dù sau này Lượm tìm được mẹ ruột và được chữa trị sáng mắt. Đâu đó trong tính cách và chuyện đời của Lượm là sự đồng tình và mong đợi của khán giả về lẽ đời, về đạo lý sống, về tình yêu.

Giữa những bộ phim bom tấn, những phòng trà ca nhạc rực rỡ, khán giả thành thị vẫn chọn đi xem chính kịch - lối giải trí cần sự tập trung và "sống chậm" lại một chút. Đi xem kịch là để trực tiếp lắng nghe sự rung động. Cảm xúc do kịch mang lại khác nhiều so với những rung động khi xem phim, đọc sách.

Người nghệ sĩ di chuyển trên sân khấu, thốt ra một lời nói, biểu lộ một cảm xúc, và điều đó đến thẳng mắt nhìn, đến thẳng trái tim của khán giả, không cần một trung gian kỹ xảo hào nhoáng nào cả. Vì thế, chiều sâu của những giờ giải trí được dịp phát huy. Khán giả đôi khi cũng chỉ cần điều đó, chọn cho mình một lối giải trí bình lặng để thấy cuộc đời nhiều lẽ sống tốt đẹp. Sông dài đã làm được điều đó, dù là chuyện cũ hay chuyện mới.

>Kịch mới trên sân khấu Hoàng Thái Thanh: Sông dài

>Câu chuyện về lòng yêu nước của cải lương Nam bộ xưa

>Thổ Châu: Tình yêu nơi ngọn sống cuối trời

>Chuyển thể kịch nói vở "Tình lá diêu bông"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vẫn cứ thổn thức với "Sông dài"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO