Truyền hình Thái Lan chờ bứt phá

CHIÊU ANH| 23/04/2017 06:41

Không nổi tiếng như ẩm thực, chùa chiền, du lịch, song truyền hình Thái Lan đang có nhiều sự cải tiến để có thể bứt phá trong tương lai.

Truyền hình Thái Lan chờ bứt phá

Không nổi tiếng như ẩm thực, chùa chiền, du lịch, song truyền hình Thái Lan đang có nhiều sự cải tiến để có thể bứt phá trong tương lai.

Đọc E-paper

Chương trình truyền hình Thái Lan bắt đầu phát sóng vào tháng 6/1955. Bốn năm sau, truyền hình màu được thử nghiệm, và đến năm 1975 thì chính thức phủ sóng toàn quốc. Khi tivi trở thành phương tiện giải trí thịnh hành nhất, các dịch vụ, phương thức truyền dẫn khác nhau lần lượt ra đời, như: truyền hình mặt đất (dự kiến hoàn toàn tắt sóng vào năm 2020), truyền hình kỹ thuật số (bắt đầu từ 2005), truyền hình vệ tinh (bắt đầu từ 1998), truyền hình cáp (bắt đầu có từ 1989), truyền hình theo yêu cầu (IPTV), truyền hình di động, truyền hình internet.

Dù xây dựng và kiểm soát hệ thống đường truyền, nhưng Chính phủ Thái hoàn toàn không can thiệp vào nội dung chương trình. Thành lập đài tư nhân, công ty sản xuất chương trình truyền hình không phải xin giấy phép. Bởi vậy, số kênh, số giờ phát sóng tăng nhanh rất nhiều thể loại phục vụ mọi sở thích, trình độ, độ tuổi của khán giả. Tất nhiên, nhà nước Thái Lan có luật cấm quảng cáo quá nhiều trên sóng phát thanh và truyền hình, tương tự Vương quốc Anh.

Về cơ bản, chính phủ và khán giả Thái Lan luôn ưu tiên cho truyền hình nội địa, nhưng do số lượng kênh và chương trình quá nhiều nên vẫn chưa tạo được sự bứt phá. Trong các thể loại chương trình truyền hình, ăn khách nhất là Lakhon (tiếng Thái), hay còn gọi là Soap opera (phim truyện lấy đề tài cuộc sống thường ngày). Lakhon được phát sóng mỗi tối, bắt đầu vào lúc 20h30, mỗi tập dài 2 tiếng (kể cả quảng cáo).

Khác với phim truyền hình Mỹ thường kéo dài thành nhiều mùa (season), Lakhon của Thái chỉ được phát sóng khoảng 3 tháng, với tần suất từ 2 - 3 tập/tuần, tức phát sóng từ thứ Hai đến thứ Năm, hoặc từ thứ Sáu đến Chủ nhật, và một kênh sẽ phát sóng cùng lúc 3 bộ phim xen kẽ tại bất cứ thời điểm nào.

Vì phim truyền hình thu hút nhiều người xem nhất nên các nhà sản xuất luôn đứng trong cuộc chiến giành giật diễn viên ngôi sao. Các Lakhon của Thái Lan có những đặc điểm riêng biệt, cả lối diễn xuất lẫn thông điệp, xung đột cũng mang đậm bản sắc Thái.

Nhà làm phim đặc biệt thích khai thác những mâu thuẫn giai cấp, đẩy mạnh những cuộc tình trắc trở đến bi thương của "hoàng tử" với "lọ lem". Sự hiểu lầm đã trở thành ý đồ của các nhà biên kịch và chúng chính là nguyên nhân của những trắc trở, mâu thuẫn xảy ra trong suốt chiều dài phim.

>>Sự "tiến hóa" của truyền hình thế giới

Vì hầu hết các bộ phim đều được viết và sản xuất với giả định rằng chúng càng tinh vi càng tốt, nên tình huống thường bị phóng đại, hành động quá ước lệ, và những tiếng la hét (từ phụ nữ xấu) rất nhiều. Tuy nhiên, cuối cùng, tất cả xung đột phải được giải quyết một cách êm đẹp. Vẻ đẹp lai (Thái - Hoa, Thái - Mỹ...) cũng khiến các diễn viên Thái dễ dàng nhận được tình cảm của khán giả.

Thập niên 90 là thời hoàng kim của phim truyền hình Thái Lan, nhưng sau khi phim Hàn Quốc, Trung Quốc "đổ bộ" thì chúng rơi vào im ắng, khi thị trường chỉ tập trung ở Lào và Campuchia.

Hơn bao giờ hết, cần thiết phải tái thiết ngành truyền hình, mà trọng tâm là thể loại Lakhon, vì chúng có ảnh hưởng gián tiếp đến du lịch, hàng hóa, sản xuất của Thái Lan. Gần 10 năm nay, các chương trình giải trí của truyền hình Thái có nhiều thay đổi và cải tiến. Trong đó, để mở rộng thị trường, các nhà sản xuất đã rút bớt thời lượng phim truyền hình, tìm kiếm và mời gọi các nghệ sĩ có vẻ đẹp đại chúng, khai thác những câu chuyện luôn đảm bảo "ăn khách" theo mô típ như: tình yêu của cô gái nghèo dịu dàng và chàng công tử kiêu ngạo, mối tình học trò chia ly rồi tái hợp, người phụ nữ bị phản bội vươn lên và thành công trong cuộc sống...

Sau khi có vị thế chắc chắn ở nội địa, phim Thái được đẩy mạnh quảng bá ở nước ngoài. Hiện Campuchia là nước nhập khẩu phim Thái nhiều nhất, rất nhiều kênh truyền hình của nước này chỉ phát sóng phim Thái. Singapore, Malaysia, Philippines và Việt Nam bắt đầu quan tâm nhiều đến phim Thái.

So với Hàn Quốc và Trung Quốc thì diễn viên Thái trang điểm đậm và sắc nét, diễn xuất thiên về hình thể và điệu bộ hơn là nội tâm, nhưng cách thể hiện này lại dễ xem và mang tính đại chúng cao. Nhiều phim truyền hình Thái thậm chí đã xuất khẩu được sang châu Âu, châu Mỹ. Trung Quốc cũng ngày càng phát sóng nhiều phim Thái hơn, chúng được lồng tiếng Hoa và có chỉ số rating khá ổn định.

Phim truyền hình Thái còn được ưa chuộng ở Nepal không kém gì phim Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, để mở rộng tầm ảnh hưởng, nhiều nghệ sĩ Thái lấn sân sang hoạt động ở nước ngoài, như ca hát ở Hàn Quốc, đóng phim ở Trung Quốc, tham dự các sự kiện quốc tế. Chính phủ Thái Lan luôn hoan nghênh, hỗ trợ các đoàn làm phim quốc tế đến quay ngoại cảnh, chủ động ngỏ ý để nghệ sĩ Thái góp mặt dù chỉ là vai rất nhỏ, tất cả là để phục vụ cho mục đích đưa đất nước, con người và các ngành nghệ thuật của Thái Lan vượt ra khỏi biên giới.

>>Những nhân tố đe dọa vị thế của truyền hình Mỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Truyền hình Thái Lan chờ bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO