Tranh khắc gỗ trong thời đại kỹ thuật số

DIỄM VÂN/DNSG cuối tuần| 17/09/2012 09:29

Giới thiệu với công chúng Việt Nam một phong cách sáng tác hoàn toàn mới trên chất liệu gỗ, nữ họa sĩ người Đức Christiane Baumgartner đặt tên cho triển lãm của mình một cách giản dị: “Tranh khắc gỗ trong thời đại kỹ thuật số” (tại Viện Goethe Hà Nội – từ 8/9 đến 30/9/2012).

Tranh khắc gỗ trong thời đại kỹ thuật số

Giới thiệu với công chúng Việt Nam một phong cách sáng tác hoàn toàn mới trên chất liệu gỗ, nữ họa sĩ người Đức Christiane Baumgartner đặt tên cho triển lãm của mình một cách giản dị: “Tranh khắc gỗ trong thời đại kỹ thuật số” (tại Viện Goethe Hà Nội – từ 8/9 đến 30/9/2012).

Đọc E-paper

Một góc phòng triển lãm, bên trái là bức Transall có kích thước 155cm x 430cm

Phòng tranh với gần 40 tác phẩm nhiều kích cỡ đã thu hút khá đông người hâm mộ, cho dù tranh chỉ có hai màu đen – trắng và tất cả đều có đề tài tốc độ. Đứng trước các tác phẩm của Christiane, người xem có cảm giác như đang ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài từ cửa sổ của một toa tàu hoặc ôtô đang chuyển động.

Các bộ tranh Một giây Chuyến đi đêm cho cảm nhận rõ nhất về điều này. Mỗi bức tranh trong Một giây sẽ chỉ đơn thuần là một cảnh nào đó mà thị giác của tác giả “chộp” được và chuyển thành tranh. Nhưng nhiều bức tranh trong xê-ri ấy còn là một câu chuyện, một phong cảnh lớn hơn đủ để gợi ký ức về những chuyến đi xa, một vùng quê nào đó mà ai cũng từng có trong đời.

Một tác phẩm trong xê-ri Một giây

Chuyến đi đêm hay Giao lộ cũng vậy. Một số bức khác lại cho cảm nhận ngược lại: chúng ta đang đứng im và nhìn những sự vật khác chuyển động trước mắt.

Đó là Transall, Belfast, Động cơ gió… Một vài bức trong số đó còn tạo cảm giác nguy hiểm khi sự “chuyển động” của các vật trong tranh như đang lao vào người xem.

Christiane Baumgartner làm tranh khắc gỗ dựa trên cơ sở ảnh chụp được chọn lựa từ video. Bà tạo hình bằng những đường kẻ nổi, chìm và độ đậm nhạt khác nhau của màu.

Bức Động cơ gió

Những đường kẻ ấy mang tính trừu tượng, gần giống như các dòng chữ hoặc dòng dữ liệu, nhưng sự tinh tế trong những nét khắc và tô màu nên tạo hiệu ứng hình ảnh rõ nét và ám thị.

Thoạt nhìn tranh của Christiane, hẳn có người cảm thấy dường như thiếu sự sáng tạo, nhưng với “người trong nghề” thì những hiệu ứng cảm xúc mà tranh khắc gỗ mang lại chính là sự sáng tạo hoàn hảo nhất.

Bởi để đạt được sự hài hòa giữa chủ đề “tốc độ” với những nét khắc tỉ mỉ, dày công cùng với những mảng màu đen đậm, nhạt khác nhau tạo nên sự sinh động của bức tranh đòi hỏi người nghệ sĩ không chỉ có tay nghề kỹ thuật cao mà còn sự tinh tế trong thể hiện cảm xúc.

Cận cảnh tác phẩm Transall

Christiane Baumgartner nổi tiếng thế giới với những tranh khắc gỗ khổ lớn, sáng tạo từ hình ảnh video nhưng vẫn dựa trên kỹ thuật truyền thống (tại triển lãm này, bức Transall có kích thước 155cm x 430cm). Tác phẩm của bà được trưng bày nhiều nơi trên thế giới và được lưu giữ tại nhiều bảo tàng danh tiếng ở Úc, Áo, Thụy Sĩ, Đức, Anh, Mỹ, Hà Lan, Israel…

Tốt nghiệp đại học ngành đồ họa và nghệ thuật làm sách ở TP Leipzig (Đức), sau đó Christiane Baumgartner tiếp tục học tại Đại học Mỹ thuật Hoàng gia London (Anh). Từ năm 2000 đến nay bà làm việc tại xưởng mỹ thuật Baumwollspinnerei (Leipzig) và thường xuyên triển lãm tranh ở đó.

Christiane Baumgartner trong xưởng mỹ thuật ở Leipzig

Triển lãm của Christiane Baumgartner ở Việt Nam nằm trong chuyến lưu trú ba tháng theo học bổng của Quỹ văn hóa Sachsen (Đức) mà bà là người đầu tiên được nhận. Christiane sẽ có các hoạt động sáng tác, giao lưu với các nghệ sĩ, sinh viên của các trường mỹ thuật ở Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tranh khắc gỗ trong thời đại kỹ thuật số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO