Trăm bước khó, một đam mê

QUÝ YÊN| 07/11/2012 09:20

Với nền nghệ thuật còn hỗn mang như hiện nay tại Việt Nam, khi mà nhảy múa chủ yếu chỉ làm nền cho các "ngôi sao" ca nhạc, đánh giá mà công chúng dành cho họ, phần lớn vẫn là cái nhìn hờ hững...

Trăm bước khó, một đam mê

Luyện tập trường kỳ, chấn thương liên miên... là những khó khăn mà những người chọn nhảy múa làm nghề phải đối mặt. Nhưng, với nền nghệ thuật còn hỗn mang như hiện nay tại Việt Nam, khi mà nhảy múa chủ yếu chỉ làm nền cho các "ngôi sao" ca nhạc, đánh giá mà công chúng dành cho họ, phần lớn vẫn là cái nhìn hờ hững...

Đọc E-paper

Nỗi lòng người "làm nền"

Không phải Việt Nam không có đội ngũ theo đuổi nghệ thuật múa. Đơn cử, Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TP.HCM, Nhà hát Vũ kịch Hà Nội... có hẳn một đội ngũ diễn viên múa chuyên nghiệp, có trình độ cao, được đào tạo bài bản từ trong đến ngoài nước.

Nhưng, tần suất tổ chức các chương trình có vũ kịch quá ít và gói gọn trong quy mô của nhà hát lớn khiến diễn viên múa Việt Nam dù sở hữu không ít giải thưởng quốc tế nhưng khán giả trong nước lại chẳng biết đến mấy. Họ "nhẵn mặt" với các nhóm múa minh họa.

Vũ đoàn Hoàng Thông, Vũ đoàn Bước nhảy... là những cái tên thường xuyên xuất hiện bên cạnh những ngôi sao ca nhạc.

"Ăn theo" tần suất xuất hiện của các ca sĩ, khán giả biết tên vũ đoàn nhưng tên diễn viên múa, hầu như không ai biết đến. "Ở Việt Nam, gần như không ai xem nhảy múa (dancer) là một nghề. Cuộc sống của chúng tôi, cố gắng của chúng tôi, rất ít người biết đến" - Chu Quỳnh Trang, thành viên đội Dancesport Hà Nội cho biết.

Sinh năm 1994, thành tích của Quỳnh Trang là sở hữu huy chương vàng giải Dancesport Championship Thailand Open 2009, có thể biểu diễn gần hết các thể loại nhảy. Để làm được điều đó, Trang cho biết, cô đã phải khổ luyện mỗi ngày.

Vừa tập luyện, vừa biểu diễn, vừa đi dạy..., Trang vận động gần như liên tục mới có thể giữ được hình thể và kỹ năng để có thể làm nghề. "Theo được nghề vất vả lắm. Nhưng đổi lại thì rất vui và hạnh phúc khi được biểu diễn" - Trang chia sẻ.

Cùng tâm trạng, suốt 6 năm nay, diễn viên múa Lâm Vĩnh Hải cũng đã rèn luyện cật lực mới có thể biểu diễn được nhiều thể loại break dance, jazz, hiphop dance, đương đại... Không được đào tạo bài bản từ nhỏ như những diễn viên khác, Hải phải tự học, học thêm ở các lớp đào tạo.

Anh cho biết, với cường độ luyện tập, biểu diễn như hiện nay, thời gian dành cho gia đình rất hạn chế. Bởi, ban ngày thì luyện tập, tối lại đi múa minh họa, đêm về đến nhà thì vợ con đều đã chìm trong giấc ngủ.

Điều đáng nói là không chỉ diễn viên múa trong nước đối mặt với nhiều thử thách, ở các nước có trình độ thưởng lãm nghệ thuật cao hơn, nhảy múa được đánh giá đúng thì người theo nghề cũng chẳng thong thả hơn.

Trao đổi tại buổi giao lưu với các thí sinh tham dự vòng chung kết cuộc thi Thử thách cùng bước nhảy, Melanie Moore, quán quân cuộc thi So you think you can dance ở Mỹ mùa thứ 8 cho biết, đây là bộ môn nghệ thuật đòi hỏi người chơi phải nỗ lực từng ngày để thực hiện được nhiều động tác mới, khó hơn, ấn tượng hơn những gì mình đã làm được trước đó. Làm được điều này, diễn viên mới có thể giữ được vị trí trong lòng công chúng.

Về đâu khi xuân hết?

Thách thức mà nghề đặt ra cho diễn viên múa nhiều như thế nhưng niềm vui khi được cháy hết mình trên sân khấu đủ để họ khỏa lấp hết những nhọc nhằn. Điều khiến họ sợ nhất chính là mức độ đào thải quá nhanh của ngành giải trí.

Theo diễn viên múa Lâm Vĩnh Hải, dù tập luyện căng thẳng nhưng khi bước lên sân khấu, vì chỉ có chức năng "làm nền" nên diễn viên múa minh hoạt không được trổ tài, chỉ biểu diễn những động tác thông thường. Bởi, nếu thực hiện các động tác khó, thu hút sự chú ý, nhóm múa cũng sẽ bị cắt hợp đồng vì hình ảnh ca sĩ sẽ bị mờ nhạt khi biểu diễn.

"Chúng tôi theo nghề vì đam mê. Khổ luyện mỗi ngày nhưng có mấy người được tỏa sáng trước khi rút vào hậu trường" - Vĩnh Hải chia sẻ.

Không được tỏa sáng trên sân khấu, các sân chơi dành cho người trong nghề cũng hạn chế nên việc cọ xát để trưởng thành cũng là điều hạn chế với diễn viên múa. Các giải dancesport hay sân chơi cho các thể loại nhảy múa như Bước nhảy xì tin, Hiphop night, Vũ điệu xanh... trong nước đều có quy mô rất nhỏ và ít thu hút công chúng.

Mãi cho đến khi So you think you can dance được Đài Truyền hình TP.HCM "Việt hóa" bằng một chương trình truyền hình thực tế, phát sóng trực tiếp hai đêm cuối tuần, có nhiều thử thách, cạnh tranh gay cấn, khán giả mới bắt đầu theo dõi vì ngạc nhiên trước khả năng trình diễn của các diễn viên múa nước nhà.

Sau hai đêm diễn đầu tiên của vòng chung kết Thử thách cùng bước nhảy, đêm chung kết thứ 3, mỗi thí sinh có 10 giây để giới thiệu về mình, khán giả hiểu hơn về cuộc sống, tâm tư, tình cảm của những người nhảy múa.

Người thì mồ côi từ nhỏ, phải tự lực bươn chải để có thể học múa; người thì cha mẹ ly dị, phải nỗ lực để khẳng định mình... nhưng phần lớn, nỗi lòng của các diễn viên tham dự chương trình đều là bị gia đình phản đối khi theo nghề.

Diễn viên Đỗ Quang Đăng, sinh viên ngành quản trị kinh doanh Trường Đại học Hoa Sen đã có ba năm học và theo nghiệp nhảy múa, có vẻ như áp lực từ phía gia đình vẫn đè nặng trong Đăng.

"Con hứa sẽ theo con đường kinh doanh của gia đình nhưng với hiện tại hãy cho con thực hiện ước mơ nhảy múa của mình" - lời nhắn trong nước mắt của Đăng nhờ truyền hình gửi cho gia đình khiến khán giả không ngăn được xúc động.

Hy vọng, với những ngọn lửa đam mê cháy bỏng như thế, nghệ thuật nhảy múa ở Việt Nam sẽ sớm được nhìn nhận và tỏa sáng trong lòng công chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trăm bước khó, một đam mê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO